TTCT - Mấy cái TV to cồng kềnh và nặng trịch vác từ các bãi rác Nhật xa xôi về (chính gốc là TV màu theo hệ NTSC), nếu để nguyên thì chỉ ra hình đen trắng, nhưng nếu "chuyển" TV sang hệ SECAM thì xem được phim màu thời sự của đài Hoa Sen. Có một thời, cả xã hội Việt Nam sống bằng hàng nghĩa địa! Hàng "nghĩa địa", lịch sự thì gọi là hàng "second hand" - đồ cũ, là tiếng lóng để chỉ máy móc gia dụng như xe máy, ti vi, tủ lạnh, máy giặt, máy may… xứ người vứt bỏ, mình mua về tận dụng xài lại.Ti vi và các mặt hàng điện tử gia dụng tại một hội chợ ở Việt Nam thập niên 1990. Ảnh: Tư liệu Tuổi TrẻHàng "nghĩa địa" hầu hết là hàng Nhật, đưa về Việt Nam theo đường tàu viễn dương rồi tung ra chợ trời. Một trong các mặt hàng "nghĩa địa" ăn khách là ti vi (TV) màu của Nhật. Đó là thời thập niên 1980.Từ "màu tư bản" sang "màu anh em"Tôi biết đến truyền hình màu trên lý thuyết với hệ tiêu chuẩn NTSC của Mỹ từ thời học đại học. Đó cũng là hệ truyền hình của miền Nam Việt Nam, hoạt động từ năm 1966. Khi làm việc trong ngành truyền hình, tôi đã làm quen với những monitor màu nặng trịch sản xuất từ những năm 1970. Thời đó TV màu và những cuốn băng ghi hình màu rất quý hiếm, chúng tôi phải lần lượt khiêng đi vòng vòng để phục vụ lễ hội lớn ở các tỉnh miền Tây. Sau 1975, có dự kiến tiếp tục giữ và thử nghiệm truyền hình màu theo hệ NTSC, nhưng rồi Nhà nước chính thức chọn hệ TV quốc gia là OIRT cho đen trắng, và SECAM cho màu để đồng bộ với các nước anh em trong khối. Nhờ đó mà tôi kiếm thêm bằng nghề chuyển hệ TV từ "màu tư bản" sang "màu anh em" khi hàng "nghĩa địa" tràn ngập Sài Gòn.Những năm cuối của thập niên 1980 đầu thập niên 1990, nhờ có đài vệ tinh Hoa Sen của Liên Xô viện trợ, dân Sài Gòn được xem tin thời sự quốc tế nóng hổi. Những clip thời sự ngắn ngủi này cũng là những đoạn truyền hình màu hiếm hoi. Thử tưởng tượng, báo chí, truyền hình thời đó chỉ có hình ảnh đen trắng. Mấy cái TV to cồng kềnh và nặng trịch vác từ các bãi rác Nhật xa xôi về (chính gốc là TV màu theo hệ NTSC), nếu để nguyên thì chỉ ra hình đen trắng, nhưng nếu "chuyển" TV sang hệ SECAM thì xem được phim màu thời sự của đài Hoa Sen.Đó là thời điểm "TV nghĩa địa" lên ngôi, và tôi có thêm nghề "chuyển hệ". Công việc phụ nhưng thu nhập là chính!Những kẻ tiên phong trong "chuyển hệ" TV phải sáng tạo trong… mò mẫm từ những "schema" TV màu các hãng, những IC (sau này gọi là chip) dùng để "giải mã" (decoder) đã được tìm ra và nhanh chóng nhập về - cũng qua đường của thủy thủ viễn dương. Từng loại một, từ đơn giản đến phức tạp, từ loại giải mã ra tín hiệu "hiệu số màu" như AN5630 của Panasonic cho đến loại giải mã ra tín hiệu thuần RGB như μPC1364 của NEC. Phong trào chuyển hệ TV màu nuôi sống khá nhiều người, từ những người buôn bán TV second hand đến những người làm công việc "dịch vụ" là chuyển hệ TV nội địa Nhật. Nói một cách kỹ thuật là chuyển TV từ hệ màu NTSC của Nhật sang hệ SECAM để xem chương trình màu của đài Hoa Sen.Suốt một thời gian dài, chắc cũng được vài năm, tôi miệt mài ban ngày "tranh thủ" giờ nhà nước vẽ mạch in và ráp các "bo" (board) chuyển hệ, ban đêm về nhà còng lưng vật lộn với những chiếc TV to nặng kềnh càng.Vì quá thiếu thông tin cần thiết như các "xê ma" (schematic diagram) của TV, cao lắm chỉ tìm được vài cái tương tự toàn tiếng Nhật, dữ liệu về chip cũng không có nên tôi phải mất rất nhiều thời gian mò mẫm, chủ yếu dựa trên kinh nghiệm. Có những đêm thức đến gần sáng mới ngả lưng được một chút trước khi dậy đi làm và thường là gần nửa đêm mới ăn gần xong tô cơm tối. Gọi là "gần xong" vì lúc đó cơm khô khốc, không nhai nổi, phải bỏ dở.Đồ nghề "cao cấp" nhất lúc đó là cái oscilloscope (dao động ký âm cực), nhưng làm gì sắm nổi. Tôi phải chuẩn bị sẵn mọi thứ, lắp ráp bo vào TV xong mới mượn oscilloscope về để đo đạc và cân chỉnh. Thời kỳ đầu cực khổ vô cùng. Vì chưa có nhà riêng nên tối nào tôi cũng phải lọc cọc đạp xe lên nhà người bạn để làm cái việc chuyển hệ TV này, kèm theo đó còn có công đoạn đi nhận máy về, rồi làm xong thì khiêng đi giao cho chủ. Mấy TV màu thời đó nặng ghê gớm vì đèn hình còn dùng công nghệ cũ (đèn delta), phải có một lớp khung thép bao quanh đèn hình để tránh bị nhiễm từ. "Khiêng đi giao" là nỗi ám ảnh với cái thân cò ma (thời đó) của tôi. Khiêng từ lầu xuống, đến nhà thân chủ, có khi lại phải khiêng lên. Gấp đôi ám ảnh!Vào thập niên 1990 ở Việt Nam, chiếc ti vi là tài sản lớn với mỗi gia đình. Ảnh: Tư liệu Tuổi TrẻBảo hành hàng "nghĩa địa"Giao hàng rồi, vẫn còn cái đuôi bảo hành phía sau. Dịch vụ hậu mãi, tôi thường phải quay lại nhà thân chủ vào những giờ có chương trình màu để kiểm tra kết quả. Cả tuần chỉ có tối thứ tư và tối chủ nhật là có chương trình thời sự có màu của đài Hoa Sen. Hai tối này là ưu tiên hàng đầu để phục vụ cho công tác chuyển hệ nên ai mời gì cũng từ chối! Thật nhẹ nhõm, mới gần tới nhà chủ đã thấy một đám con nít bu bên ngoài. Thân chủ có "lòng tốt" với xóm giềng, bê chiếc TV vừa chuyển hệ ra đặt ngay gần cửa sổ cho hàng xóm được "rửa mắt" ké. Thấy vậy là hiểu ngay mạch chuyển hệ đã chạy tốt. Rất ung dung, tôi bước vào nhà thân chủ và (làm bộ) hỏi thăm xem TV có ra màu tốt không.Nhưng không phải lần nào cũng "bảo hành" êm ả như vậy. Có lần giao máy xong, khoảng một tuần sau thân chủ nhắn lại (thời đó làm gì có điện thoại di động), TV bị trục trặc. Buổi tối - luôn luôn là buổi tối, ngoài giờ hành chánh mà, tôi xách xe chạy tới. Những TV này đều là hàng cũ, đã sử dụng nhiều ít tùy hên xui nên đôi khi trời hại, ngay sau khi chuyển hệ thì máy bị "pan". Cũng có thể là do bỏ lâu không dùng, giờ hoạt động lại, linh kiện nào tới tuổi sẽ bị "bức tử". Thân chủ đâu cần biết điều đó. Chuyển hệ thì máy bị hư, vậy là "các chú phải bảo hành cho tôi".May thay, thường là những rủi ro… nhẹ nhàng, tôi chỉ cần cân chỉnh lại theo yêu cầu là xong. Tối khuya, thân chủ cảm ơn thợ bảo hành, có khi xách theo can xăng đổ vào xe làm "lộ phí". Xăng thời đó rất quý, tiêu chuẩn phó thường dân như tôi một tháng chỉ được mua 2 lít. Xài nhiều hơn thì ra cây xăng "cục gạch" ven đường. Nói chung, nhiệm vụ của mình là bảo hành hàng "nghĩa địa", gặp được thân chủ tốt bụng, thân tặng cho vài lít xăng thì cũng có phần ấm áp. Nhưng "tốt bụng" cũng có khi gặp rủi ro. Sáng lấy xe đi làm, đạp mãi không nổ. Đem sửa, tháo đủ thứ để kiểm tra. Anh thân chủ tốt bụng đã tặng nhầm can dầu hỏa thay vì can xăng!Rồi đến lúc TV nghĩa địa được thay bằng những phiên bản gọn gàng và nhẹ nhàng hơn với đèn hình "in line". Mạch điện đơn giản hơn, nên làm dịch vụ "chuyển hệ" chỉ cần mua ở chợ những bo mạch chuyển hệ ráp sẵn về ráp. Đơn giản, dễ làm nhưng cũng phát sinh nhiều vấn đề trục trặc hơn. Trục trặc hơn nữa khi xuất hiện nguồn hàng từ Mỹ gửi về, cũng là hệ NTSC nhưng là TV mới, thế hệ mới, công nghệ cao hơn rất nhiều. Tôi chuyển sang chuyên trị những TV đời mới khó nuốt này. Ít cạnh tranh hơn, tiền công cao hơn. Ở thời điểm cuối của thời chuyển hệ, tôi đã chuyển hệ TV màu nội địa (một hệ NTSC) thành TV màu đa hệ, vừa có SECAM vừa thêm PAL để có thể xem TV và video đa hệ từ các đầu máy (video cassette) đang bắt đầu tràn ngập thị trường.Sau khi Liên Xô tan rã, OIRT cũng giải thể. Đài Hoa Sen không còn. Truyền hình Việt Nam chuyển sang phát hệ PAL và bây giờ theo hệ digital, chuẩn DVB-T2. Với digital không còn khái niệm về NTSC/PAL/SECAM nữa.Một thời chuyển hệ cơm áo đã qua… Còn đọng lại chút rủi ro, vui buồn. Rủi ro chuyển hệ đáng ngại nhất là… điện giật! TV thời đó còn sử dụng điện áp nguồn cao và không cách ly. Tôi phải ngồi trên ghế cao, co chân không chạm đất. Có lần, con gái ra bye bye bố đi ngủ, chạm vào người tôi. Hai cha con "nháng lửa"! Thời chuyển hệ cũng đôi chút nhơn tình ấm lạnh. Một anh bạn nhờ tôi chọn mua máy rồi đem về chuyển hệ luôn. Anh ta đến nằm nhà tôi cả mấy đêm liền để thúc giục tôi ưu tiên, vì "đơn đặt hàng" làm không xuể. Ít năm sau, tôi có việc cần gọi điện thoại hỏi ý kiến. Anh ta không biết tôi là ai. Thời nào cũng thế. C'est la vie! (đó là cuộc sống!)■ Ba hệ thống truyền hình màu thông dụng trên thế giới:- Hệ thống đầu tiên là NTSC (National Television System Committee), theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ. Hệ thống này ra đời rất sớm và có ưu điểm là đơn giản nên được nhiều nước ở châu Mỹ cũng như Nhật, Hàn, Philippines áp dụng.- Hệ PAL (Phase Alternating Line), cũng dựa trên nguyên tắc cơ bản của hệ NTSC nhưng được cải tiến để tự sửa lỗi do lệch pha (sai màu) khi truyền sóng đi xa. Hệ này được hầu hết các nước châu Âu và nhiều nước khác còn lại áp dụng.- Hệ SECAM (Séquentiel Couleur à Mémoire) do Pháp đưa ra. Về nguyên tắc có nhiều ưu điểm nhất trong việc tự sửa lỗi sai lệch màu khi truyền sóng, nhưng phức tạp hơn trong cả hệ thống phát hình và thu hình nên trên thực tế các thiết bị để thu (ghi) hình trong studio thường là hệ PAL và chỉ trước khi đưa lên phát sóng mới được chuyển sang hệ SECAM. Ngoài Pháp, chủ yếu các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa khi đó áp dụng SECAM. Lý do chính là để thống nhất tiêu chuẩn trong khối này. Tags: Cộng nghệ điện tửTi viĐồ điện tửLịch sử
Bầu cử Mỹ: Đe dọa đánh bom làm gián đoạn bầu cử ở Georgia DUY LINH 05/11/2024 Năm mối đe dọa đánh bom đã làm gián đoạn bầu cử tại hai địa điểm ở Georgia, trong khi tại hạt Cambria, Pennsylvania xảy ra 'sự cố phần mềm'...
Vụ 20 trẻ mầm non vào viện nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột: Sẽ làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể DƯƠNG LIỄU 05/11/2024 Chiều 5-11, UBND huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu tổ chức họp báo đột xuất cung cấp thông tin về vụ việc trẻ nhập viện nghi ngộ độc do ăn nhầm thuốc diệt chuột tại Trường mầm non xã Giang Ma.
Chủ tịch Mỹ Châu Pharmacy và ca sĩ Quốc Kháng bị bắt vì 'chạy án' ĐAN THUẦN 05/11/2024 Bà Lê Thị Mỹ Châu (chủ tịch HĐQT Công ty Pharmacy Group) bị bắt tạm giam, vì móc nối với ca sĩ Quốc Kháng để 'chạy án' cho một bị can đang bị Công an TP.HCM tạm giam.
Nhận tiền giúp hoãn nhập ngũ, phó chỉ huy trưởng quân sự bị bắt LÊ TRUNG 05/11/2024 Nhận tiền của người khác để giúp hoãn gọi khám nghĩa vụ và hoãn nhập ngũ, phó chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự xã ở Quảng Nam bị bắt tạm giam.