16/12/2018 06:29 GMT+7

Một thời Hà Nội hát - Chuyện tình tà áo xanh

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Trong rạp Đại Đồng trên phố Hàng Cót đêm đông, những người trẻ lãng mạn ấy và cả những người của Hà Nội cũ đã không ít lần nghẹn ngào khi gặp lại một thời Hà Nội hát, một thời Hà Nội lãng mạn đến khó tin.

Một thời Hà Nội hát - Chuyện tình tà áo xanh - Ảnh 1.

Giang Trang mang 'tà áo xanh' lên sân khấu hát những ca khúc của Đoàn Chuẩn - Ảnh: BTC

Từng cặp đôi xúng xính áo quần, khép nép vào nhau hơn trong cái lạnh đêm đông, bước vào rạp hát có tuổi đời gần trăm năm, quây quần ngồi bên nhau, nghe lại những tình khúc thấm đẫm phong vị "tư sản lãng mạn" của "huyền thoại đô thị" Đoàn Chuẩn - Từ Linh.

Dưới ánh đèn vàng mộng mị chỉ đủ hiu hắt trong rạp hát mà từng bức tường như thấm đẫm tiếng đàn lời ca của những tháng ngày xa xôi, họ nghe Thu quyến rũ, Tình nghệ sĩ, Cánh hoa duyên kiếp, Lá đổ muôn chiều, Chuyển bến, Tà áo xanh, Chiếc lá cuối cùng, Gửi người em gái miền Nam, Gửi người em gái miền Nam...

Và cùng hồi tưởng những năm tháng nghèo khó, bom đạn mà một rạp hát ở Hà Nội vẫn đêm đêm đỏ đèn đón những bước dập dìu tài tử giai nhân.

Giang Trang mặc áo xanh hát Tà áo xanh tại rạp Đại Đồng mà Đoàn Chuẩn từng là ông chủ - Video: THIÊN ĐIỂU

Trong đêm - Chuyện tình tà áo xanh, ba ca sĩ Trí Trung, Giang Trang, Hoàng Lân và tiếng đàn guitar Hawaii của nghệ sĩ Đoàn Đính (con trai cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn), cùng với những khán giả của đêm nhạc đã thật sự phục dựng lại một không khí của một "Hà Nội thời ơ kìa" như cách mà đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp - người dẫn chương trình nhiều lần gọi tên.

Một thời Hà Nội hát - Chuyện tình tà áo xanh - Ảnh 3.

Đạo diễn Hoàng Điệp cùng nhà phê bình Mai Anh Tuấn và con trai của hai ông Đoàn Chuẩn, Từ Linh kể những câu chuyện của 'Hà Nội một ơ kìa' - Ảnh: THIÊN ĐIỂU

Điều đặc biệt, chính Đoàn Chuẩn là chủ rạp Đại Đồng, nơi duy trì các buổi biểu diễn âm nhạc với nhiều bài hát lãng mạn vẫn được biểu diễn xen kẽ các bài hát mới, nhưng ông lại không công bố bài hát nào của mình tại đây.

Thế nên, điều ngạc nhiên là, phải đợi hơn 60 năm sau, chính ở cái rạp của nhạc sĩ tài hoa mà nay đã trở thành một sàn nhảy cổ điển, lại diễn ra đêm nhạc đầu tiên của chính ông.

Một thời Hà Nội hát - Chuyện tình tà áo xanh - Ảnh 4.

Khán giả của đêm nhạc phần lớn là người trung tuổi mong tìm gặp lại một đêm nhạc cũ của rạp Đại Đồng - Ảnh: THIÊN ĐIỂU

Cũng lần đầu tiên, giọng hát "Nàng thơ của ông" - ca sĩ Mộc Lan lần đầu tiên được cất lên trong rạp Đại Đồng, dù chỉ qua băng tư liệu - bài Chuyển bến.

Đó là một nỗ lực đầy ân tình dành cho nàng thơ của "huyền thoại đô thị" Đoàn Chuẩn mà những người trẻ hôm nay đã quyết tâm làm.

Tấm lòng trong trẻo lãng mạn ấy đương nhiên làm xúc động những khán giả, nhà văn Trương Quý, đạo diễn Hoàng Điệp nhiều lần xúc động đến rơi nước mắt.

Một thời Hà Nội hát - Chuyện tình tà áo xanh - Ảnh 5.

Nhưng cũng có những khán giả trẻ hơn, thuộc thế hệ những người lớn lên trong mỹ cảm của chủ nghĩa lãng mạn vừa được chiêu tuyết - Ảnh: THIÊN ĐIỂU

Các ca sĩ Giang Trang, Hoàng Lập, Trí Trung thì hát như thể bài hát ấy được viết riêng cho chính mình. Giang Trang, nữ ca sĩ duy nhất trong đêm nhạc - giao lưu còn tinh tế mang trên mình một "tà áo xanh".

Tuy có một không ít những lần trục trặc về âm thanh khiến cả nghệ sĩ lẫn khán giả… bối rối, nhưng bằng tình yêu với những vàng son quá khứ, khán giả đều trìu mến và rộng lượng bỏ qua. Họ muốn dành trọng vẹn trái tim mình cho niềm xúc động được một lần sống lại cái không khí của một thời Hà Nội lãng mạn, hào hoa, phong tình, ghi dấu ấn đậm nét của người nhạc sĩ tài ba Đoàn Chuẩn.

Một đêm nhạc - giao lưu hồi cố trong một tinh thần rất hiện đại nhờ những người trẻ mộng mơ của Hà Nội. Chất hiện lại nằm ở tình thần tự do, phóng khoáng, dám làm việc khó của những người trẻ.

Một thời Hà Nội hát - Chuyện tình tà áo xanh - Ảnh 6.

Trương Quý, Giang Trang- những người trẻ lãng mạn muốn phục dựng lại không khí của rạp Đại Đồng thời vàng son - Ảnh: BTC

Trương Quý, Nguyễn Hoàng Điệp, Giang Trang, Trí Trung, Hoàng Lân…là lứa bạn trẻ của Hà Nội may mắn được tiếp xúc với sự tái sinh của chủ nghĩa lãng mạn những năm 1980.

Nhà phê bình Mai Anh Tuấn nói, đây là thời kỳ mà nhiều văn chương, âm nhạc của thời lãng mạn được chiêu tuyết trở lại. Trương Quý thuộc thế hệ được lớn lên trong cái hương đầu mùa của chủ nghĩa lãng mạn tái sinh.

Có lẽ vì vậy mà Trương Quý muốn viết về Hà Nội một thời hát chính là một sự đáp đền tinh thần lãng mạn, vì chính điều đó đã giúp anh đi xa hơn trong con đường nghiên cứu văn chương của mình.

Một thời Hà Nội hát - Chuyện tình tà áo xanh - Ảnh 7.

Ca sĩ Trí Trung là người đã cùng Trương Quý ngụp lặn trong mỹ cảm lãng mạn của Hà Nội những năm tháng tuổi trẻ - Ảnh: THIÊN ĐIỂU

Và lứa 7x, 8x được hưởng hương đầu mùa của thời chiêu tuyết chủ nghĩa lãng mạn ấy đã cùng chung chia giấc mơ đẹp của nhà văn Trương Quý để làm được một việc khó đến mộng mơ, theo một cách rất tự do phóng khoảng của những người trẻ.

Đó là phục dựng lại không khí của rạp Đại Đồng của "thiếu gia" tài danh và hào hoa Đoàn Chuẩn 63 năm trước. Họ hồi cố nhưng lại tìm lại được những năng lượng rất tích cực để tiếp tục những sáng tạo cho chính thế hệ của mình.

Đêm nhạc - giao lưu sẽ được tiếp nối tại Ơ kìa Hà Nội vào đêm 16-12. Ngoài những bản tình ca nổi tiếng thì chương trình còn hứa hẹn những cuộc thảo luận chuyên sâu - kỹ càng và tỉ mỉ về Đoàn Chuẩn âm nhạc và trong đời thường.

Cùng với đó, những nhân vật thú vị bước ra từ cuốn du khảo Một thời Hà Nội hát sẽ góp mặt để chia sẻ về huyền thoại hào hoa Đoàn Chuẩn.

Một thời Hà Nội hát

TTO - Những câu chuyện khó quên của đời sống giải trí Hà Nội, trong và sau giai đoạn tạm chiếm, 1947-1954, đã được Nguyễn Trương Quý tái dựng trong Một thời Hà Nội hát, trước tiên xoay quanh nhạc sĩ Đoàn Chuẩn.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên