Đó là một trong những ký ức thời trẻ mà ông Đoàn Ngọc Hùng (64 tuổi, nguyên bí thư Đoàn Lực lượng Thanh niên xung phong TP.HCM) bồi hồi nhớ lại vào buổi sáng tháng 3 này, khi sắp đến ngày kỷ niệm 93 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26-3-1931 - 26-3-2024).
Kết nạp Đoàn, bầu làm bí thư trong một ngày
Nơi khuôn viên rợp bóng cây ở trụ sở Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố tại quận 5, ông Hùng trong bộ đồng phục xanh rêu truyền thống với dáng vẻ xông xáo, nước da sạm nắng, vui vẻ tiếp chúng tôi.
Nhắc về thời hoạt động Đoàn với giọng lúc sôi nổi, lúc trầm lắng, ông khiến người nghe mường tượng nét đẹp gian khổ của những ngày tháng chưa xa lắm.
Ông kể: "Tháng 7-1975, tôi gia nhập Lực lượng Thanh niên xung phong. Một tháng sau, tôi nhận được giấy trúng tuyển, quay về học hệ trung cấp sơn mài. Học xong, tôi làm việc tại một xí nghiệp mỹ nghệ".
Thời điểm đó, bước chân Lực lượng Thanh niên xung phong tạo nên bài ca thôi thúc người trẻ dấn thân lao động, kiến thiết đất nước. Tháng 11-1983, ông Hùng trở thành một trong số người trẻ mặc chiếc áo xanh ở Nông trường Thanh Niên huyện Duyên Hải (Cần Giờ ngày nay). "Thanh niên mà, phải có sự nghiệp, có sự phấn đấu. Tự điều đó đưa mình vô khuôn để sống", ông đúc kết.
Vậy là 23 tuổi ông mới được kết nạp Đoàn. Điều khiến ông vừa hạnh phúc, vừa cảm nhận trách nhiệm trên vai, là sáng tổ chức họp chi đoàn và xét kết nạp, chiều làm lễ kết nạp và tối được giao nhiệm vụ bí thư chi đoàn. "Một ngày 3 sự kiện đối với tôi là kỷ niệm không thể nào quên", ông cười.
Gần 7 năm công tác nơi duyên hải, ông vừa làm bí thư chi đoàn vừa là đại đội phó chính trị, nhiệm vụ cùng đơn vị quản lý những người vướng tệ nạn xã hội từ thành phố đưa xuống.
Những kỷ niệm hoạt động Đoàn kể sao cho hết! Lúc đó miền duyên hải này chưa có điện, thiếu thốn nước ngọt, lại không trồng được cây ăn trái, chỉ chăn nuôi, trồng dừa. "Sơn hào hải vị" đối với ông và đồng đội có khi là trên đường đi lao động bắt con cá bống, con ếch cho vô túi áo gài lại, "chiều về rồi tính".
Những trưa miền biển nắng như thiêu như đốt, họ gối đầu gác cuốc, ụp nón tai bèo che mặt trong giấc ngủ vội… Ông cũng nhớ mãi những ngày đi lao động, cả đội bơi qua hai con sông, một tay vác cuốc, một tay bơi.
Ông luôn tâm niệm đoàn viên thanh niên phải làm gương. Ông sống trong môi trường kỷ luật ăn sâu vào tư tưởng, trách nhiệm, không thể làm ẩu. Và tất cả mọi người đều giống nhau, ăn chung, làm chung, thậm chí đi lao động cán bộ chỉ tiêu nặng hơn.
Được đơn vị giao tổ chức các hoạt động cho đoàn viên, ông hăng hái lắm. Những tối thứ bảy, đơn vị tổ chức văn nghệ để cán bộ, học viên có những giây phút quên đi mệt nhọc. Ông bộc bạch: "Tôi đâu có học đàn, thấy người ta quẹt quẹt mình cũng quẹt, thường hay hát Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ và Đoàn ca.
Nhận thấy trong tiểu đội nhiều anh em dân ruộng chưa biết chữ nên mỗi tối ông tập hợp mọi người học bổ túc văn hóa. Ông kể: "Tôi hướng dẫn từ người chưa biết chữ cho đến lớp 9, biết gì dạy đó, không có giáo án". Thậm chí khi ra ngoài, có người siêng học thì ông bẻ cành cây, quẹt con số, bày phép tính cộng.
Làm những điều thiết thực
Về lại thành phố, từ năm 1990, ông Hùng trải nhiều năm làm công tác Đoàn. Ông làm phó bí thư, rồi bí thư Đoàn Lực lượng Thanh niên xung phong TP.HCM. Đến năm 1999, ông làm phó giám đốc Trường Giáo dục - Đào tạo và Giải quyết việc làm số 1 tại Đắk Nông.
Trong bốn năm ở nơi này, ông lập ra chi hội thanh niên từ những học viên trong lớp cai nghiện có tiến bộ.
"Chủ nhật hằng tuần, chúng tôi vận động đoàn viên trẻ lao động, đắp đường, trồng cây gây rừng... Mình là phó giám đốc, phải đi đầu và yêu cầu bí thư chi bộ, bí thư Đoàn cũng đi đầu", ông nói.
Ông nhớ nhất đêm 31-12-1999, thời khắc chuyển sang thiên niên kỷ mới. Mọi người tập hợp, nghe một chị đảng viên kể về quá trình phấn đấu, mang tính chất giáo dục tâm lý. Họ trò chuyện cùng nhau đến khi nghe Chủ tịch nước chúc Tết trên tivi, hát bài hát về Đoàn thanh niên rồi mới giải tán.
Mùa World Cup 2002, đơn vị ông có chiếc tivi 30 inch để theo dõi, lúc đó vậy là "oách" lắm. "Một đoàn viên leo lên nóc nhà trực ăng ten, dưới mà nghe "mất sóng rồi" là trên quay điều chỉnh. Đêm đó coi mà vui, không còn khoảng cách giữa người già, người trẻ, giữa cán bộ, hội viên và học viên cai nghiện. Đó là kỷ niệm gắn bó với rừng", ông xúc động.
Về lại thành phố, ông làm việc ở Đảng ủy Lực lượng Thanh niên xung phong. Năm 2004, ông lập ra bản tin Thanh niên xung phong phát hành mỗi tháng một lần.
Làm công tác Đoàn giai đoạn này, ông phụ trách các hội thi văn nghệ, hội thao. Ông nghĩ ra nhiều trò chơi và lấy giáo dục truyền thống gắn với từng trò chơi.
"Các bạn trẻ sau này không phải đi đào đê như thế hệ trước, mà có những bạn làm doanh nghiệp, làm văn phòng… Mình tổ chức trò chơi để anh em biết câu chuyện thế hệ trước", ông nói giản dị.
Chào "bí thư Đoàn"
Mấy chục năm trôi, nhiều người giờ vẫn chào ông với cái tên thân thương "bí thư Đoàn". Về hưu 5 năm nay, ông vẫn tham gia tổ chức các hoạt động của Lực lượng Thanh niên xung phong. Những dịp mùng 5 Tết, ông hay mời các cựu cán bộ Đoàn trong lực lượng đến nhà, ôn lại thời tuổi trẻ.
Ông có hai người con trai đều hăng say hoạt động Đoàn. Bây giờ mỗi ngày ông bận rộn với những cuộc hội họp, gặp gỡ đồng đội cũ và vẫn gắn bó với hoạt động Đoàn, tham gia văn nghệ các dịp lễ kỷ niệm.
Nở nụ cười, ông nói chiều nay đi tập bài hát. Đôi mắt và dáng người trong bộ đồng phục đã giữ 30 năm nay có nét gì đó kiên cường, khiến người trẻ chúng tôi tự nhủ mình phải cố gắng nhiều hơn để sống một cuộc đời cháy bỏng.
Về phong trào Đoàn hiện nay, ông Đoàn Ngọc Hùng nhắn nhủ thanh niên dù đi đầu nhưng cần vận dụng hợp lý trong thời đại công nghệ.
Thanh niên sẵn sàng làm bất cứ điều gì khi tổ chức phân công, đừng so đo tính toán thiệt hơn. Với giai đoạn công nghệ thông tin hiện nay, người đoàn viên phải làm chủ kỹ thuật công nghệ, đừng phụ thuộc người khác.
Nhân dịp Tháng thanh niên, mừng Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26-3, Tuổi Trẻ Online kính mời anh chị đoàn viên các thế hệ gửi bài viết chia sẻ kỷ niệm, cảm xúc về những ngày hoạt động sôi nổi, cũng như hiến kế đóng góp cho phong trào của Đoàn giai đoạn hiện nay. Bài viết xin gửi về [email protected]. Báo Tuổi Trẻ trân trọng cảm ơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận