TTCT - Nguồn cảm hứng từ các nhân viên tuyến đầu và đội ngũ chuyên gia đang đóng góp thầm lặng trong đại dịch đã khiến số lượng thí sinh ứng tuyển vào các nhóm ngành y tế, khoa học tăng vọt. Sinh viên Trường Y Đại học Stanford. Ảnh: StanfordĐại dịch COVID-19 đã một lần nữa nhắc nhở thế giới về tầm quan trọng sống còn của một nền y tế khỏe. Dù điều kiện làm việc căng thẳng và những vất vả, hy sinh của nhân viên y tế được khắc họa hằng ngày trên mặt báo, một thế hệ sinh viên tương lai ở nhiều nước đã được truyền cảm hứng để lựa chọn ngành này làm bến đỗ trên giảng đường đại học.Bên cạnh đó, nhóm ngành khoa học đã được nhiều người săn đón khi là những trụ cột trong việc tìm ra vắc xin, phương thuốc cũng như nghiên cứu về sự lây lan của virus corona. Với một thế hệ trẻ đang đứng trước ngã rẽ lớn đầu tiên trong đời, đại dịch vừa là thử thách vừa là cú hích cần thiết để họ đưa ra lựa chọn phù hợp cho bản thân và đáp ứng nhu cầu của xã hội. “Tôi nghĩ đại dịch này đã cho tôi và các bạn đồng trang lứa thấy công việc tương lai của mình sẽ có tác động lớn đến như thế nào”- Miriam Cepeda (sinh viên chương trình dự bị y khoa Đại học Columbia)Ngành y tỏa sángTừ nhỏ Isabella Tincher (23 tuổi) đã ước mơ trở thành một kiến trúc sư, bắt nguồn từ sở thích tự tay xếp những ngôi nhà bằng giấy nho nhỏ cho những con thú cưng đồ chơi của mình. Mọi thứ thay đổi vào mùa hè năm ngoái khi cô được nhận vào làm nhân viên thời vụ cho một bệnh viện ở Houston, bang Texas (Mỹ).Công việc chính của Tincher là đo thân nhiệt cho bệnh nhân để sàng lọc COVID-19, đồng thời thông dịch tiếng Tây Ban Nha và giải thích cho người nhà bệnh nhân hiểu về các quy tắc an toàn khi thăm bệnh. Tincher cho biết cô hoàn toàn bị ấn tượng bởi cách các bác sĩ trấn an bệnh nhân, ngay cả khi họ không nói cùng một ngôn ngữ.“Các bác sĩ đã rất tâm lý, nhất là trong những thời điểm khó khăn như hiện nay. Tôi tự nhủ đây chính là công việc mình muốn làm và là thứ xứng đáng để nỗ lực đạt được” - Tincher nói với báo Wall Street Journal. Từ mùa hè năm nay, cô đã bắt đầu theo học chương trình dự bị y khoa của Đại học Columbia, nơi các học viên được dạy kiến thức nền tảng để đủ điều kiện nộp đơn vào trường y.Tincher chỉ là một phần của làn sóng ngày càng đông sinh viên thừa nhận rằng cuộc khủng hoảng COVID-19 đã truyền cảm hứng cho họ theo đuổi ngành y tế và sức khỏe cộng đồng như một định hướng nghề nghiệp nghiêm túc. Theo thống kê của Hiệp hội Các trường y khoa tại Mỹ, số lượng đơn xin nhập học các trường y thuộc hiệp hội trong năm 2021 đã tăng 18% so với năm ngoái, trong đó nổi bật nhất là Trường Y Đại học Stanford với số ứng viên khóa 2021 tăng hơn 50% so với cùng kỳ.Tính đến tháng 4-2021, các chương trình cấp bằng sau đại học về y tế công cộng cũng đã thu hút lượng hồ sơ tăng xấp xỉ 40% so với năm trước, theo Hiệp hội Các trường và chương trình y tế công cộng của Mỹ. Các công ty cung cấp dịch vụ dạy kèm cho sinh viên chuẩn bị thi xét tuyển vào trường y cũng ghi nhận lượng khách hàng tăng đột biến, theo Wall Street Journal.“Chúng ta đang chứng kiến những nhân viên y tế trải qua giai đoạn khó khăn nhất. Nhưng đồng thời, tôi nghĩ đại dịch này đã cho tôi và các bạn đồng trang lứa thấy công việc tương lai của mình sẽ có tác động lớn đến như thế nào” - Miriam Cepeda, đang theo học chương trình dự bị y khoa tại Đại học Columbia, nói với Đài CNBC. Ảnh trên trang web fauci-effect.comTrưởng bộ phận tuyển sinh Trường Y Đại học Boston cho rằng một phần nguyên nhân nhiều sinh viên Mỹ chọn ngành y trong năm nay là do thần tượng bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu nước này và là nhân vật biểu tượng trong chiến dịch chống COVID-19 của Mỹ. Theo Đài NPR, cán bộ tuyển sinh của nhiều trường đã gọi tên hiện tượng này là “hiệu ứng Fauci” và tin rằng vị bác sĩ 80 tuổi là người đã truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ.Còn theo tiến sĩ Rafael Rivera Jr., phó trưởng phòng tuyển sinh của Trường Y Grossman, Đại học New York, những biến động trong thị trường việc làm là một yếu tố khác dẫn đến sự gia tăng đột biến số lượng ứng viên vào các trường y. “Bất cứ khi nào một thời kỳ bất ổn xuất hiện, đặc biệt là về kinh tế khi người dân lo lắng về khả năng tìm được việc làm, thì số lượng đăng ký học y khoa có xu hướng tăng lên. Mọi người nhận ra rằng bất kể điều gì đang xảy ra xung quanh, xã hội luôn cần bác sĩ, y tá và các chuyên gia y tế để chăm lo cho sức khỏe của họ” - Rivera Jr. nói với CNBC.Quy trình tuyển sinh cũng trở nên thuận tiện hơn do đại dịch, khi các trường chuyển sang phỏng vấn trực tuyến, miễn các yêu cầu về điểm MCAT (một bài thi chuẩn hóa dành cho ứng viên trường y) và gia hạn nộp đơn xin nhập học. Trường Y Grossman đang phát triển một thuật toán giúp sàng lọc ứng viên tự động và trả kết quả trong nháy mắt, đảm bảo mọi hồ sơ gửi đến đều được đối xử công bằng và giảm bớt tiêu cực từ thiên kiến cá nhân của cán bộ xét tuyển.Học y ở tuổi 43Ngành y không chỉ là lựa chọn của các bạn trẻ đứng trước ngưỡng cửa đầu đời. Ông Thomas Davila (43 tuổi) là một trường hợp rẽ hướng ở tuổi trung niên sau khi bị lay động bởi công việc ở tuyến đầu chống dịch. Là một cựu binh hải quân, Davila vừa bắt đầu công việc thư ký y khoa cho một phòng khám ở San Diego vào đầu năm ngoái thì đại dịch ập tới. Khi dịch bùng phát, ông được tập huấn để lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Tiếp xúc trực tiếp hằng ngày với các bệnh nhân là một trải nghiệm bước ngoặt trong đời Davila. “Mang lại sự thoải mái dù chỉ một chút cho họ, bằng cách nói rằng chúng tôi sẽ có kết quả trong vài ngày tới và sẽ liên hệ lại với họ, là thứ đã khiến tôi đi đến quyết định. Trong đầu tôi không còn chút nghi ngờ nào là mình muốn theo học ngành y” - Davila bộc bạch với Wall Street Journal. Đầu tháng 12-2020, Davila đã bắt đầu chương trình dự bị y khoa của Đại học Columbia, một khởi đầu chậm nhưng không bao giờ là quá muộn. Khoa học cũng lên ngôiMột trong số ít những câu chuyện tích cực rút ra từ đại dịch là sức mạnh của khoa học trong việc giúp ta hiểu và định hình thế giới xung quanh mình. Ngay từ đầu dịch, các nhà dịch tễ học đã lập biểu đồ dự báo sự tiến triển của virus corona, các chuyên gia hóa sinh đã bắt tay vào nghiên cứu hàng trăm ứng viên vắc xin ngừa COVID-19, và các nhà khoa học dữ liệu thì phân tích số liệu để đánh giá mức độ hiệu quả cũng như tác động kinh tế - xã hội của các chính sách phòng dịch. Vì thế, có lẽ không có gì ngạc nhiên khi ngày càng có nhiều người trẻ tuổi cảm thấy được truyền cảm hứng bởi các nhà khoa học mà họ xem thấy trên tivi hay đọc được trên mạng.Một cuộc thăm dò mới đây trên 1.000 trẻ từ 4 - 18 tuổi của Hiệp hội Khoa học Anh cho thấy 59% bị cuốn hút bởi nghề nghiệp trong lĩnh vực khoa học hơn so với trước đại dịch, theo báo The Guardian. Tại bang Tamil Nadu của Ấn Độ, chỉ tiêu tuyển sinh các ngành trí tuệ nhân tạo (AI) và khoa học dữ liệu đã tăng hơn gấp đôi so với năm ngoái để đáp ứng nhu cầu xã hội, trong khi số lượng cơ sở đào tạo đại học có tuyển sinh nhóm ngành này cũng tăng từ 50 lên 106 cơ sở trong năm nay, trở thành ngành hot thứ 2 chỉ sau khoa học máy tính, theo báo The Times of India.Các chuyên gia Ấn Độ dự báo những ngành này sẽ vẫn giữ được sức hấp dẫn ngay cả khi đại dịch kết thúc nhờ vào làn sóng chuyển đổi số đang diễn ra. “Trong vài năm tới, 1/10 nhân lực ngành IT sẽ là những nhà khoa học dữ liệu” - ông DK Venkatesh, phó chủ tịch Công ty dịch vụ tư vấn Virtusa nói với The Times of India.Đối với Tanisha Lohia, một học sinh cuối cấp III ở Essex (Anh), đại dịch đã mở rộng tầm mắt của em về số lượng các ngành nghề khoa học để lựa chọn khi lên đại học. “Trước đây em biết mình muốn sử dụng khoa học trong cuộc sống hằng ngày, nhưng không thực sự hiểu được ý nghĩa của việc trở thành một nhà khoa học nghiên cứu. Bây giờ thì em đã biết chắc mình muốn nghiên cứu về các phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với các bệnh khác nhau, và nếu có thể thì tìm ra cách ngăn chặn bất cứ căn bệnh nào trong tương lai có cơ chế đột biến giống như COVID-19” - Lohia nói với The Guardian.Theo giám đốc điều hành của Hiệp hội Khoa học Anh Katherine Mathieson, đại dịch đã tạo sự chú ý cần thiết cho những con đường sự nghiệp ít được biết đến. “Người trẻ nhận thấy rằng để đóng góp kỹ năng của mình vào việc ứng phó với các cuộc khủng hoảng toàn cầu thì không chỉ có một con đường duy nhất để đi” - bà Mathieson nhận xét. Không chỉ sinh học và y tế là những ngành có liên quan rõ ràng nhất đến đại dịch, Mathieson nhấn mạnh bất kỳ ngành khoa học nào cũng sẽ cho phép phát triển tư duy và thể nghiệm các kỹ năng phân tích, giải quyết vấn đề và nghiên cứu: hóa học để điều chế thuốc; vật lý để tìm ra những cách tốt hơn để phát hiện bệnh tật; và toán học và khoa học máy tính là nền tảng để xây dựng các mô hình lây nhiễm bệnh dịch.Số lượng ứng viên các ngành khoa học cũng gia tăng tương ứng với sự quan tâm của xã hội dành cho chúng. Theo ông Mike Nicholson, giám đốc tuyển sinh Đại học Bath (Anh), lượng đơn vào ngành hóa sinh của trường đã tăng 30% so với cách đây 2 năm; khoa học y sinh tăng 50%; dược phẩm và dược học tăng từ 10 - 20%; và khoa học tự nhiên tăng 30%. Riêng 2 ngành khoa học máy tính và toán học dù không có sự tăng trưởng đột biến về số lượng thí sinh nhưng vẫn đang duy trì đà phát triển ổn định suốt nhiều năm qua nhờ vào triển vọng việc làm tốt dành cho sinh viên ra trường.Nam sinh 16 tuổi Donald Campbell đã sử dụng thời gian rảnh rỗi trong lúc ở nhà vì giãn cách để khám phá sở thích khoa học của mình. Sau khi giành hai giải CREST danh giá (một chương trình do Hiệp hội Khoa học Anh khởi xướng để khuyến khích tìm hiểu nhóm ngành STEM trong nhà trường), các công trình của em được một giáo sư đại học chú ý và người này đã khuyến khích Campbell viết thành bài báo để gửi đăng trên một tạp chí học thuật. Được làm việc cùng các học giả “đã kích thích sự quan tâm của em và cho em thấy rằng có rất nhiều cơ hội để học hỏi ngoài những gì được dạy trong trường học” - Campbell nói với The Guardian.Nhưng dù triển vọng việc làm là quan trọng, điều quan trọng hơn là chọn đúng ngành mình thực sự hứng thú, theo bà Ghislaine Dell, cố vấn nghề nghiệp tại Đại học Bath. Bà khuyên các sinh viên tương lai nên ưu tiên chọn các ngành học rộng với nhiều khả năng rẽ hướng trong tương lai, trừ khi đã có khái niệm rõ ràng về con đường sự nghiệp mình muốn đi. Suy nghĩ thấu đáo và chín chắn về lựa chọn của mình tất nhiên là không thể thiếu. “Sự nghiệp khoa học không nhất thiết phải là khoác lên mình chiếc áo trắng của phòng thí nghiệm” - bà Dell gợi ý.■Muôn kiểu khó của học y mùa dịchDù số lượng sinh viên tăng vọt, tốc độ tăng trưởng vị trí bác sĩ nội trú chỉ ở mức 1%/năm hiện nay đang khiến nhiều trường y ở Mỹ đau đầu tìm đầu ra cho sinh viên mình, trong khi Hiệp hội Các trường y tại Mỹ (AAMC) dự báo nước này sẽ thiếu 139.000 bác sĩ vào năm 2033. Đại dịch cũng khiến việc học thực hành của sinh viên y gặp khó khăn. “Vì COVID, tôi không có trải nghiệm thực hành lâm sàng như mong muốn sau khi ra trường” - anh Cary, một sinh viên mới tốt nghiệp Đại học Vassar, nói với báo The Nation. Để thích nghi, một số trường ở Mỹ chuyển sang sử dụng công nghệ thực tế ảo để dạy trực tuyến thay thế cho các buổi thực hành trên xác thật. Y tế từ xa cũng là một giải pháp giúp các sinh viên y được thăm khám và chẩn bệnh cho bệnh nhân thật khi không thể đi lâm sàng ở bệnh viện. “Khi dịch vụ y tế thay đổi, việc giáo dục sinh viên y cũng buộc phải thay đổi theo” - tiến sĩ Alison Whelan, giám đốc giáo dục y khoa tại AAMC, nói với tờ Time. Tags: Đại họcSinh viênKhoa họcNgành yĐại dịchKhoa học dữ liệu
Bầu cử Mỹ: Hòa ở điểm bỏ phiếu đầu tiên, ông Trump tiếp tục vận động xuyên đêm NGỌC ĐỨC 05/11/2024 Đúng 0h ngày 5-11 (giờ địa phương), người dân Dixville Notch (bang New Hampshire) bỏ những lá phiếu đầu tiên trong ngày bầu cử Mỹ năm 2024.
Người vợ của Anh hùng biệt động Sài Gòn Trần Văn Lai: Hòa bình rồi, tôi không còn làm vợ bé... HỒ LAM 05/11/2024 Ngày đất nước thống nhất, bà Đặng Thị Tuyết Mai, người vợ sau của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai mừng khấp khởi: 'Hòa bình rồi! Chồng tôi làm cách mạng, tôi không có làm 'vợ bé' của ai hết...'
Cận cảnh đôi đũa bằng ngà hải mã của vua Hàm Nghi được cho có thể phát hiện chất độc NHẬT LINH 05/11/2024 Ba hậu duệ của vua Hàm Nghi đã dành tặng lại 4 cổ vật, cũng là kỷ vật được vua sử dụng thuở sinh thời cho Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, trong đó có đôi đũa của nhà vua.
20 trẻ mầm non phải vào viện do nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột TTXVN 05/11/2024 Chiều 5-11, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu cho biết sức khỏe 20 trẻ mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột đã ổn định.