01/12/2019 06:22 GMT+7

Một thành phố Philippines trở thành kiểu mẫu không rác thải

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Thành phố nhỏ San Fernando ở Philippines đang trở thành kiểu mẫu cho những thành phố không rác trên thế giới. Họ đã làm được điều đó như thế nào?

Một thành phố Philippines trở thành kiểu mẫu không rác thải  - Ảnh 1.

Người dân phân loại và đổ rác cho các xe thu gom tại nhà - Ảnh: Quỹ Mẹ trái đất

Chúng tôi không chỉ tuyên chiến với rác thải trên đường phố. Chúng tôi còn phải vật lộn để thay đổi suy nghĩ và văn hóa, lối sống của người dân.

Bà Regina Rodriguez (người đứng đầu cơ quan môi trường của San Fernando)

Từ năm 2014, khi vấn đề rác thải nhựa chưa thu hút được sự chú ý như hiện nay, chính quyền San Fernando đã ra sắc lệnh cấm dùng bao bì nhựa để đựng thực phẩm. Dĩ nhiên đó là chuyện rất khó, bởi rác chất đống trên đường là cảnh tượng thường thấy ở San Fernando chỉ 3 năm trước đó.

Phải làm cho dân hiểu trước

Philippines đã ban hành luật quản lý chất thải rắn cách đây gần 20 năm, yêu cầu mỗi thôn xóm phải có các cơ sở thu hồi chất thải rắn (MFR). 

Các cơ sở này có nhiệm vụ như một nhà máy phân loại rác quy mô nhỏ, trước tiên nhận rác thải hỗn hợp từ cộng đồng rồi phân loại, tái chế. Nhưng người dân tại các thành phố nhỏ và có thu nhập thấp như San Fernando không quen với việc đó. Họ thường vứt rác ra đường cho đội thu gom rác của thành phố lo. Kể cả khi rác được đựng trong túi nilông, nước vẫn rỉ ra ngoài và bốc mùi hôi thối.

Chính quyền ban đầu tỏ ra bất lực vì người dân không hiểu vấn đề và cho rằng thật vô nghĩa khi ngồi nhặt chai nhựa để riêng ra, thực phẩm thừa đưa vào nhóm rác hữu cơ. Đối với họ, cách đơn giản và không mất thời gian nhất là vứt tất cả xuống sông hoặc đem ra bãi đất trống đốt bỏ là xong.

"Chúng ta không thể nào dành quá nhiều tiền để xử lý chất thải tại các bãi rác được. Tiền đó phải dành cho giáo dục, y tế và những phúc lợi khác của người dân", thị trưởng hiện nay của San Fernando - ông Edwin Santiago chia sẻ những trăn trở trong những ngày đầu tiên làm lãnh đạo.

Thưởng cho người phân loại tốt

Năm 2011, chính quyền San Fernando bắt tay với Quỹ Mẹ trái đất (MEF) - một thành viên của Tổ chức GAIA Philippines, để làm các chiến dịch tuyên truyền và giáo dục chuyên sâu cho người dân thành phố. Tuy nhiên, mọi chuyện chỉ thực sự chuyển biến khi ông Edwin Santiago lên làm thị trưởng năm 2013.

Người dân lúc này cũng đã ít nhiều hiểu được tầm quan trọng của việc phân loại rác. Hằng ngày xe thu gom rác sẽ đến từng thôn xóm để nhận rác từ các hộ gia đình. Tuy nhiên số rác đến bãi rác của thành phố vẫn còn cao và khiến ông Santiago băn khoăn: làm thế nào để cả những thứ sắp vứt đi cũng mang lại giá trị cho người dân?

Lãnh đạo San Fernando cho rằng trước hết cần phải làm tốt việc phân loại rác tại nhà. Họ nảy ra ý tưởng làm một chương trình truyền hình chỉ để nói về vấn đề này. 

Tiền bán phế liệu bằng cả tháng lương

San Fernando hiện có khoảng 160 công nhân thu gom và phân loại rác với mức lương trung bình 4.800 peso/tháng (khoảng 2,1 triệu đồng). Riêng tiền bán phế liệu của họ có tháng lên tới 4.700 peso, gần bằng tháng lương trung bình.

Ở mỗi tập được phát sóng vào thứ sáu hằng tuần, người dẫn chương trình sẽ bất ngờ ghé vào các hộ gia đình và xem cách họ phân loại rác ra sao. Năm gia đình phân loại tốt nhất, đúng cách nhất sẽ được thưởng 2.000 peso (khoảng 900.000 đồng). Ngược lại, nếu làm chưa đúng, họ sẽ được hướng dẫn làm thế nào cho phải. Chính quyền thành phố tỏ ra rất hài lòng trước mức độ lan tỏa và hiệu quả mang lại của chương trình.

Làm xong việc tuyên truyền, chính quyền bắt tay vào việc ra luật để xử lý người vi phạm. Năm 2015, San Fernando cấm hoàn toàn việc sử dụng túi nilông. Nếu một cơ sở kinh doanh vi phạm đến lần thứ 4, chính quyền sẽ rút giấy phép kinh doanh. Việc giám sát thực hiện được phân chia rõ ràng: các cơ quan thành phố lo các doanh nghiệp, các thôn xóm lo các hộ gia đình.

Tỉ lệ rác đến bãi rác của thành phố hiện nay chỉ ở mức 20% thay vì 85% như trước đây do người dân nhận thấy lợi ích từ việc ủ rác hữu cơ và bán hoặc tái chế rác thải rắn như chai nhựa. "Bí mật cho thành công này là sự hợp tác của người dân. Bạn sẽ không thể làm được gì nếu người dân không hiểu và không hưởng ứng" - thị trưởng Santiago chia sẻ.

Du lịch không rác thải nhựa Du lịch không rác thải nhựa

TTO - Ngày 9-9, tại hội thảo "Du lịch không rác thải nhựa", cộng đồng các doanh nghiệp tham gia hoạt động du lịch tới Hội An, Mỹ Sơn đã ký cam kết thúc đẩy mạnh mẽ chiến dịch du lịch không rác thải nhựa.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên