16/06/2015 12:10 GMT+7

Một thanh niên Nga tự nguyện hiến đầu mình

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Bệnh nhân tự nguyện tham gia ca phẫu thuật ghép đầu lần đầu tiên sẽ là thanh niên 30 tuổi người Nga, Valery Spiridonov, mắc hội chứng Werdnig-Hoffmann (teo cơ tủy sống).

Bác sĩ phẫu thuật thần kinh người Ý Sergio Canavero vừa trình bày ca phẫu thuật ghép đầu lần đầu tiên  - Ảnh: Nationalpost

Bác sĩ phẫu thuật thần kinh người Ý Sergio Canavero vừa trình bày tại hội nghị y khoa thường niên dành cho các bác sĩ phẫu thuật ở bang Maryland, Mỹ về kế hoạch thực hiện ca phẫu thuật ghép đầu người đầu tiên trên thế giới vào cuối năm 2017.

Theo Aljazeera, ông Sergio Canavero khẳng định tỉ lệ thành công của ca phẫu thuật sẽ là 90%. Ông nói: “Hẳn nhiên vẫn có tỉ lệ rủi ro nhất định, tôi không thể phủ nhận điều đó. Tuy nhiên tôi chỉ công bố khi tôi thực sự chắc chắn mình có thể làm được”.

Người bệnh tình nguyện tham gia phẫu thuật của bác sĩ Sergio Canavero là thanh niên 30 tuổi người Nga Valery Spiridonov. Anh này vẫn liên lạc hằng ngày với người cần cấy ghép qua video chat.

Spiridonov nói: “Nếu ca phẫu thuật thành công, tôi nghĩ mình sẽ tháo bỏ được tất cả những giới hạn đang gánh chịu hiện nay, tôi sẽ độc lập hơn và điều này sẽ thay đổi hoàn toàn cuộc sống của tôi. Chúng tôi đang bước một bước đi lớn trong khoa học và tôi hi vọng nó sẽ thành công”.

Bác sĩ Canavero cho biết rất ít người mắc hội chứng Werdnig-Hoffmann như Spiridonov có thể vượt qua bệnh trạng. Ông nói: “Anh ấy là một người dũng cảm và anh ấy đang rơi vào tình trạng rất khủng khiếp. Bạn phải hiểu rằng với anh ấy, y học phương Tây đã không thể làm gì. Y học phương Tây đã thất bại”.

Để tiến hành ca phẫu thuật ghép đầu người tốn kém khoảng 15 triệu USD, bác sĩ Canavero sẽ cần tới sự hỗ trợ của rất nhiều đồng nghiệp.

Bác sĩ phẫu thuật thần kinh chuyên về phẫu thuật tim và ngực Raymond Dieter cho rằng một trong những vấn đề đáng quan tâm nhất trong ca phẫu thuật ghép đầu là làm thế nào để giữ cho não sống trong suốt thời gian tiến hành phẫu thuật.

Ông nói: “Chẳng hạn như khi làm phẫu thuật ghép tim, thận, gan, bạn sẽ phải giữ đông lạnh tất cả những nội tạng này để có thời gian đủ lâu tiến hành các thủ thuật ghép nối mạch máu và bắt đầu cho hệ tuần hoàn hoạt động trở lại. Chúng tôi đã thấy nhiều giáo sư chỉ trích công việc của ông Canavero, nhưng bạn biết đấy, cũng đã từng có rất nhiều ý kiến phản đối ở lần ghép tim đầu tiên, nhưng nay thì phẫu thuật đó đã rất phổ biến”.

Ca phẫu thuật ghép đầu người của giáo sư Canavero sẽ cần sự giúp đỡ của hơn 100 nhân viên y tế và sẽ mất khoảng 36 tiếng thực hiện. Nó sẽ được tiến hành hoặc ở Mỹ hoặc ở Trung Quốc.

Ông Canavero dự định sẽ chọn tháng 12-2017 để thực hiện phẫu thuật.

Ông nói: “Tôi đã tự chuẩn bị không chỉ về mặt khoa học, mà còn về mặt tâm lý để đương đầu với tất cả những công kích từ nhiều mặt trận. Để chứng minh những gì bạn muốn làm, tại sao bạn lại muốn làm, bạn sẽ phải tự mình chuẩn bị. Đây là một ranh giới, ranh giới cuối cùng. Bởi kết quả của nó sẽ có những ảnh hưởng vượt qua vấn đề tôn giáo, văn hóa, tương lai và tất cả mọi điều".

Mời bạn đọc xem video bệnh nhân tình nguyện tham gia ca phẫu thuật ghép đầu lần đầu tiên:

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên