Nhân viên cứu hộ chuyển người mắc kẹt bằng thuyền ở Rong Thủy, khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây của Trung Quốc ngày 11-7 - Ảnh: XINHUA
Theo Thời Báo Hoàn Cầu, sau một tháng mưa lớn gần như liên tục, mực nước ở các sông Dương Tử, Hoài Hà cũng như các hồ Động Đình, Bà Dương và Thái Hồ đã vượt quá mức báo động cao nhất. Các khu vực từ Trùng Khánh, Giang Tây, An Huy, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tô và Chiết Giang bị lũ lụt nghiêm trọng, gây thương vong và thiệt hại về tài sản.
Ông Tập khẳng định Trung Quốc đang bước vào giai đoạn kiểm soát lũ quan trọng và chỉ đạo cấp ủy và chính quyền các cấp tăng cường trách nhiệm, đi đầu để hướng dẫn công tác kiểm soát lũ, tăng cường phối hợp, phân bổ nhân lực, vật tư khoa học và bảo vệ tính mạng, của cải của người dân.
Đồng thời, nhà chức trách các địa phương phải nghĩ ngay cho kế hoạch tái thiết, phục hồi, hỗ trợ nạn nhân để người dân sớm quay trở lại cuộc sống bình thường, đảm bảo người nghèo không rơi trở lại vào tình trạng nghèo khó sau thảm họa.
Theo Tân Hoa xã ngày 12-7, mực nước báo động đã vượt mức cao nhất từng ghi nhận năm 1998 tại hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc, hồ Bà Dương ở tỉnh Giang Tây.
Công chúng đang theo dõi chặt chẽ về khả năng giữ nước của đập thủy điện Tam Hiệp và liệu Trung Quốc có bị lũ lụt trầm trọng như 22 năm trước hay không. Năm 1998, lũ lụt làm 4.150 người chết với thiệt hại kinh tế khoảng 22,9 tỉ USD.
Số liệu cập nhật mới nhất tính tới cuối tuần này cho thấy đã có 141 người đã thiệt mạng hoặc mất tích, 33,85 triệu người và 27 khu vực cấp tỉnh ở Trung Quốc đã chịu ảnh hưởng.
Các chuyên gia về cứu trợ thiên tai cho rằng tăng trưởng kinh tế đã khiến Trung Quốc dễ bị lũ lụt và dễ tổn thất lớn hơn.
Giang Tây đã bước vào tình trạng thời chiến với mức cảnh báo lũ lụt ở mức cao nhất. Nhà chức trách và người dân tất cả đều trắng đêm hộ đê bằng bao cát và liên tục kiểm tra các vị trí đê xung yếu dọc theo bờ hồ Bà Dương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận