Thần Lửa do hắt xì không bịt miệng nên gây ra hạn hán, cháy rừng… Những câu chuyện thần thoại bố kể con nghe không bao giờ tìm thấy trong bách khoa, từ điển. Đó là thần thoại của riêng bố và con.
Lúc con bốn tuổi, cả ngày bố kể con nghe những câu chuyện sử ta, sử Tàu. Gần mộ bà có một cột mốc bằng đá “trơ gan cùng tuế nguyệt”, người ta bảo đó là mộ vợ thứ tám của Mã Viện. Từ Mã Viện bố kể cho con nghe về Bà Trưng, Bà Triệu và các anh hùng dân tộc. Mỗi câu chuyện bố đều kết luận một câu và bảo con học thuộc. Con đã học thuộc nó như trẻ con đọc đồng dao mà cứ ngỡ những nhân vật lịch sử ấy sống cùng thời với nhau… Bằng những câu chuyện kể bố đã hun đúc nên tình yêu đất nước và niềm tự hào dân tộc trong tâm hồn con.
Lúc con năm tuổi, bố dạy con đọc thơ Tố Hữu và Nhật ký trong tù. Bài thơ đầu tiên trong đời con thuộc là Bác ơi. Phần thi năng khiếu của con trong chương trình “Bé khỏe bé ngoan” là đọc thuộc một bài thơ và con đã đọc Mới ra tù tập leo núi thay vì một bài thơ thiếu nhi như những đứa bạn cùng trang lứa. Con đã học tập bố đến mức có lỗi với cô giáo: con không thuộc một bài thơ thiếu nhi nào trong chương trình học mẫu giáo của mình…
Mùa lũ năm 1988, bãi chìm trong biển nước, bố đưa chị em con đi xem lũ, không phải vì nuông chiều mà vì muốn các con được chứng kiến những điều từ thực tế. Trong ánh mắt ngây thơ của con lúc bấy giờ lũ thật là đẹp, thật là kỳ vĩ. Dòng sông Lam xanh ngơ ngắt thường ngày đã biến thành màu đỏ ối, đầy những mái nhà, những trâu bò lợn gà từ thượng nguồn trôi dạt về xuôi. Con đâu hay niềm vui, sự hào hứng, phấn khích của con là nỗi đau, là mất mát của những người sống ven đê, để sau mùa lũ họ phải “gánh cả tên làng trong những chuyến di dân”…
Năm con học lớp 4, học lớp đặc biệt của huyện, xa nhà tới hơn 10 cây số, những ngày đầu tiên bố đưa con đến trường rồi đứng chờ trước cổng. Chiếc áo lính sờn vai nhưng nụ cười đầy mãn nguyện. Có bố, con thấy mình mạnh mẽ và có lẽ thành công của con bắt đầu từ những ngày tháng ấy. Sau này, ngày đầu tiên con bước tới giảng đường, bố lại đứng chờ con. Thượng Đình vào ngày đầu tháng 9 nắng vẫn vàng như mật ong, gió bụi, mùi xà phòng, thuốc lá hòa vào nhau nồng nàn chẳng kém gì “gió Lào cát trắng” quê mình. Vậy mà bố vẫn đứng chờ con, kiên tâm, nhẫn nại, hạnh phúc lẫn lo âu. Bốn năm đại học, mỗi lần bước vào cổng trường con đều ngoái lại, tưởng như sau lưng mình bố vẫn còn dõi theo…
Khi con lên lớp 5, vào những ngày nước nổi, bố dắt xe và cõng con qua vùng nước xiết. Chiều về nhá nhem bố lại đứng chờ con bên cầu, thấy bóng ai từ xa cũng hỏi to: Nhàn đấy hả con? Lớp 5, vào tháng tư, khi cây gạo cháy bùng lên những ngọn lửa cũng là lúc kỳ thi học sinh giỏi tỉnh bắt đầu. Bố đèo con bằng chiếc xe đạp cũ kỹ từ miền trung du quê mình dọc theo bờ sông Lam xuống thành phố Vinh, gần trăm cây số. Hết kỳ thi bố đưa con đến Cửa Lò để nhìn thấy biển rồi về thăm quê Bác. Đó là lần đầu tiên con đi xa, lần đầu tiên con nhìn thấy biển, lần đầu tiên con được vào làng Sen, làng Hoàng Trù và nhắc lại những câu thơ của Tố Hữu trong trường ca Theo chân Bác, lần đầu tiên bố kể cho con nghe những câu chuyện về thời niên thiếu của Người và căn dặn con “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn” …
Tháng tư năm ấy sẽ chẳng bao giờ mờ nhạt trong ký ức của con, lời dạy của bố năm nào giờ đã thành một cuộc vận động lớn. Từ bố con nhận ra tình yêu Đảng, tình yêu lãnh tụ phải xuất phát từ thẳm sâu trong trái tim mình, phải xuất phát từ ngưỡng vọng thiết tha và sự biết ơn vô bờ bến. Từ bố, con đã học được những bài học không qua sách vở, giáo trình nhưng đi thẳng vào trái tim.
Bố của con, một chiến sĩ nơi Thành cổ năm xưa. Bố vẫn giữ thói quen dậy sớm, khi đài phát thanh phát câu nói đầu tiên trong ngày. Bố dạy con hát những bài Vì nhân dân quên mình, Anh vẫn hành quân… và tập những động tác thể dục cơ bản của một… người lính. Bố cho con xem những giấy khen, những huân huy chương trong chiến trường và cả một sơ đồ tác chiến trong một đêm tiến vào Thành cổ. Con đã đọc những dòng nhật ký “hoa lửa” của bố khi viết về những đồng đội đã hi sinh “ngay chính tôi cũng không thể nào tưởng tượng được mình có thể sống sót để viết những dòng vội vã này. Sau lưng tôi tất cả đồng đội đã ngã xuống…”. Thời bình, bố trở về không kê khai một bản thành tích nào để Nhà nước tặng thưởng… Với bố, sự sống sót sau tháng ngày bom cày đạn xới đã là món quà lớn nhất mà cuộc đời và đồng đội thân yêu đã dành cho mình.
Bố kính yêu! Con đã lớn lên bên bố, một người bố bình thường, không giàu sang, không địa vị và quyền uy nhưng bố đã cho con rất nhiều. Cho con cuộc đời này? Những người bố khác đều làm được! Cho con tình yêu thương? Những người bố khác đều làm được!… Nhưng bố khác với họ, bố cho con thế giới quan của mình, cho con bản lĩnh để vượt qua những khó khăn, những thăng trầm trong cuộc sống, cho con biết yêu thương, biết trải lòng nhân ái, bao dung với những mảnh đời bất hạnh, cho con biết vươn lên tiến về phía trước. Chính bố đã cho con sức mạnh, một sức mạnh trường cửu của tình phụ tử.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận