17/12/2016 08:20 GMT+7

Một số lưu ý về đường một chiều

NGỌC ẨN - QUANG KHẢI ghi
NGỌC ẨN - QUANG KHẢI ghi

TTO - Sau khi báo Tuổi Trẻ ngày 16-12 thông tin Sở GTVT TP.HCM đề xuất tổ chức giao thông một chiều trên nhiều tuyến đường, nhiều chuyên gia, đại diện chính quyền địa phương có ý kiến về việc này.

Đường Trường Chinh (Q.Tân Bình, TP.HCM) được đề xuất thành đường một chiều - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đường Trường Chinh (Q.Tân Bình, TP.HCM) được đề xuất thành đường một chiều - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Xin giới thiệu một số ý kiến dưới đây:

* Ông Lâm Thiếu Quân (chuyên gia giao thông):

Đường một chiều là xu hướng của các nước

Theo tôi, việc tổ chức giao thông đường một chiều trên một số tuyến đường khu vực trung tâm và cửa ngõ TP như Sở GTVT TP đề xuất là điều cần nên làm.

Từ lâu rồi tôi cũng đã có góp ý TP nên thực hiện đường một chiều để giải quyết vấn đề giao thông ở TP.

Bởi vì khi tổ chức đường một chiều thì tốc độ xe chạy nhanh hơn và thời gian dừng chờ ở đèn tín hiệu giao thông sẽ ngắn hơn do xung đột giữa hai dòng xe lưu thông qua giao lộ ít hơn nhiều so với đường hai chiều.

Về an toàn giao thông, đường một chiều tốt hơn và chỉ xảy ra va quẹt nhỏ so với đường hai chiều có nhiều nguy cơ xe đối đầu, tai nạn giao thông nặng nề hơn.

Ở Hà Nội, nhất là ở khu phố cổ thuộc trung tâm TP đã triển khai các tuyến đường một chiều, giúp giao thông tại đây rất tốt. Có thể nói ở nhiều nước trên thế giới đều tổ chức đường một chiều ở khu vực trung tâm TP và đây là xu hướng chung của các TP đang phát triển.

Tại TP Luân Đôn (Anh), Roma (Ý), Paris (Pháp), nhiều tuyến đường đã xây dựng cách đây cả trăm năm lúc đó chưa có ôtô nên có mặt đường hẹp.

Thế nhưng khi ôtô phát triển mạnh họ cũng phải chuyển sang đường một chiều mới đủ sức đáp ứng nhu cầu xe lưu thông. TP.HCM cần tuyên truyền cho người dân ý thức giao thông trên đường một chiều.

Bởi vì khi tổ chức đường một chiều sẽ gây ảnh hưởng đến các hộ kinh doanh ở phía bên trái đường. Ngoài ra, khi thực hiện đường một chiều cần tổ chức tốt về giao thông, làm một số công trình phụ ở các góc đường để ngăn xe không leo lên vỉa hè gây mất an toàn giao thông.

* Ông Nguyễn Quốc Hiển (trưởng khoa công trình giao thông Trường ĐH GTVT TP.HCM):

Khảo sát việc ảnh hưởng đến các tuyến đường xung quanh

Việc chuyển đổi đường từ hai chiều sang đường một chiều là cần thiết để giải quyết bài toán kẹt xe. Tuy nhiên đổi lại thì quãng đường đi lại của người tham gia giao thông sẽ dài hơn và có thể việc tiếp cận nhà dân, cơ quan, công sở sẽ khó khăn hơn.

Trên thực tế, việc tổ chức giao thông một chiều không chỉ ảnh hưởng đến bản thân tuyến đường đó mà còn ảnh hưởng đến giao thông tại các tuyến đường xung quanh.

Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần đánh giá kỹ cho từng tuyến đường cụ thể. Tốt nhất nên có các khảo sát đầy đủ và sử dụng các mô hình giao thông hỗ trợ cho việc tính toán và đánh giá trên phạm vi khu vực 2-3 km xung quanh các tuyến đường.

Theo tôi, trước khi tổ chức đường một chiều cần phải thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, có chỉ dẫn lộ trình thay thế rõ ràng trên đường để người đi đường hiểu rõ, tránh những lộn xộn trong thời gian đầu thực hiện đường một chiều.

* Ông Châu Minh Hiếu (phó chủ tịch UBND Q.Tân Bình):

Khó thực hiện vì trùng tuyến metro số 2

Cho đến thời điểm này, UBND Q.Tân Bình chưa được Sở GTVT TP hỏi ý kiến về việc chuyển một số tuyến đường trên địa bàn quận như Trường Chinh, Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ thành đường một chiều.

Việc chuyển một số tuyến đường từ hai chiều thành một chiều có thể góp phần giảm ùn tắc giao thông nhưng đối với tuyến đường Trường Chinh, chúng tôi đang lo ngại sẽ khó tổ chức được thành đường một chiều.

Bởi trong vài năm tới khi triển khai tuyến đường sắt đô thị số 2 (metro số 2) trùng với tuyến đường này, khi đó cứ vài trăm mét trên trục đường này sẽ xây dựng nhà ga đón trả khách.

Với mặt đường chật hẹp như hiện nay, việc xây dựng thêm các hàng rào công trình của metro càng làm cho mặt đường chật hẹp thêm. Khi đó, đường Trường Chinh sẽ có nguy cơ ùn tắc dù tổ chức giao thông hai chiều hay một chiều.

Tuy nhiên, khi đường Trường Chinh thành đường một chiều thì nguy cơ ùn tắc có khả năng lan rộng tới đường Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ vì các tuyến đường này khi đó đã là vòng đường một chiều khép kín.

Theo tôi, Sở GTVT TP cần bàn bạc kỹ với UBND Q.Tân Bình liên quan đến vấn đề này để tìm một giải pháp tốt nhất.

Đồ họa: VĨ CƯỜNG
Đồ họa: VĨ CƯỜNG


Phương án giảm xung đột giao thông

Việc một chiều hóa theo cặp đường là đúng, nhưng cặp đường đó phải gần nhau, thông thường không cách nhau quá 300m. Cặp đường Trường Chinh - Cộng Hòa cách nhau nhiều (đến 500m ở vị trí đường Bình Giã, 400m tại đường Núi Thành, Ấp Bắc).

Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến hành trình quay xe của các xe đi hướng đường này muốn tới điểm đến bên đường kia (bị kéo dài nhiều), khiến các xe có xu hướng mất phương hướng nhiều hơn.

Khi một chiều hóa cặp đường Trường Chinh - Cộng Hòa, người đi đường sẽ sử dụng các đường Ấp Bắc, Núi Thành, Bình Giã, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Bình làm chỗ quay đầu xe.

Nếu theo phương án của Sở GTVT TP đề xuất dẫn đến phát sinh thêm 4 điểm giao cắt với các xe rẽ trái vào/ra các đường quay đầu xe (xem hình).

Phương án ít ảnh hưởng và làm giảm phức tạp giao cắt theo hình vẽ như tôi đề xuất không còn giao cắt cho các dòng xe này.

Phương án này chỉ đổi chiều đường Trường Chinh và Cộng Hòa so với phương án của Sở GTVT TP, xe từ Hoàng Văn Thụ qua Trường Chinh sẽ sử dụng đường Xuân Hồng.

Trong tổ chức giao thông, việc loại bỏ được một xung đột giao cắt không chỉ có ý nghĩa rất lớn đến giảm độ phức tạp, nguy hiểm của điểm giao cắt mà còn nâng cao khả năng thông hành của nút giao thông và tuyến đường.

TS VĂN HỒNG TẤN 
(giảng viên bộ môn cầu đường Trường ĐH Bách khoa,
ĐH Quốc gia TP.HCM)

NGỌC ẨN - QUANG KHẢI ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên