14/01/2019 15:10 GMT+7

Một số điểm cần chú ý trong ung thư khoang miệng

Nguồn: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
Nguồn: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Ung thư khoang miệng bao gồm: Ung thư lưỡi, ung thư sàn miệng, ung thư niêm mạc má, ung thư khẩu cái mềm, ung thư khẩu cái cứng,…

Một số điểm cần chú ý trong ung thư khoang miệng - Ảnh 1.

Ung thư lưỡi. Ảnh: healthline.com

Phần lớn những ung thư niêm mạc và vùng hàm mặt chưa được phân chia ranh giới rõ ràng. Tuy nhiên gần đây người ta quan niệm rằng ung thư khoang miệng bao gồm: Ung thư lưỡi, ung thư sàn miệng, ung thư niêm mạc má, ung thư khẩu cái mềm, ung thư khẩu cái cứng, ung thư vùng tam giác hậu hàm,… Ung thư khoang miệng chiếm khoảng từ 10 - 12% trong tổng số các loại ung thư. Theo một số tác giả thì tỷ lệ các ung thư hay gặp nhất trong ung thư khoang miệng là ung thư lưỡi (52%), tiếp đến là sàn miệng (16%),…

Theo một số tác giả thì nguyên nhân gây các ung thư trong khoang miệng liên quan nhiều đến rượu, thuốc lá, do vệ sinh răng miệng kém, những nhiễm khuẩn mạn tính,… Tuy nhiên cơ chế cho đến nay còn chưa rõ ràng.

Triệu chứng:

- Nhưng tổn thương vùng khoang miệng thường dễ nhìn và khám trực tiếp hơn những tổn thương ung thư ở sâu như vùng hầu họng, thực quản, dạ dày,… nên có thể phát hiện được sớm nên nếu được thăm khám sớm thì tiên lượng điều trị sẽ tốt.

- Những triệu chứng cơ năng thường xuất hiện sớm và thường gây ảnh hưởng đến chức năng ăn uống và phát âm, đau và dễ chảy máu. Nên nếu bệnh nhân có những triệu chứng này nên đến khám kiểm tra và theo dõi để phát hiện bệnh sớm.

- Những triệu chứng thực thể quan trọng nhất để có thể phát hiện sớm thường gặp trong ung thư khoang miệng là:

+ Tổn thương loét: Thường đáy gồ ghề, có thể loét đơn thuần hoặc có những nhú phủ trên những mảnh tổ chức hoại tử, có mùi hôi thối, dễ chảy máu, sờ thấy bờ gồ ghề, cứng chắc, ít hoặc không di động, ranh giới không rõ, và có thể thấy thâm nhiễm ra các vùng và tổ chức xung quanh.

+ Tổn thương sùi: Thường là những nụ nhỏ, gồ, như hình súp - lơ, có thể kết hợp tổn thương loét, chảy máu.

Do tổn thương thực thể chủ yếu là tổn thương sùi, loét, chảy máu,… nên người ta khuyến cáo với những người có tổn thương loét dù nhỏ mà tồn tại ở 1 vị trí cố định trên 1 tháng là có chỉ định sinh thiết để xác định bản chất tổn thương. Nhiều trường hợp bệnh nhân loét miệng kéo dài, chủ quan không đến khám mà để lâu, đến khi phát hiện ra bệnh thường giai đoạn cũng khá muộn, do các ung thư trong khoang miệng di căn khá sớm.

+ Di căn ung thư vào các hạch đầu mặt cổ thường xảy ra sớm, đặc biệt là với những ung thư của lưỡi và sàn miệng. Sớm nhất là di căn vào các nhóm hạch vùng dưới cằm, dưới bờ hàm và hạch cổ, có thể di căn 1 bên mà cũng có thể di căn 2 bên. Hạch di căng to dần gây chèn ép đường thở, xâm lấn vào các mạch máu lớn gây khó thở, đau đầu, và hoại tử gây chảy máu ồ ạt vùng hàm mặt dẫn đến tử vong rất nhanh.

Chẩn đoán và phát hiện bệnh

- Trong ung thư việc phát hiện bệnh sớm và điều trị sớm thì khả năng chữa khỏi bệnh và thời gian sống sau điều trị càng cao. Người ta thấy rằng ung thư phát sinh không phải là một hiện tượng đơn thuần, mà là một quá trình phát triển chậm từng giai đoạn, do nhiều yếu tố:

+ Giai đoạn sinh vật có thể kéo dài 8 - 10 năm. Ở giai đoạn này chủ yếu là những biến đổi về gen, nó biểu lộ ở bào tương và nhân của tế bào. Giai đoạn này rất khó phát hiện và hiện nay người ta đang tập trung nghiên cứu, một số người đã đề xuất điều trị ung thư dự phòng khi có những biến đổi ung thư ở gene. Ví dụ cắt dự phòng ung thư vú như trường hợp của diễn viên Angelina Jolie khi phát hiện có gen BRCA1;

+ Giai đoạn tiền ung thư trong 1 - 2 năm. Giai đoạn này bắt đầu biểu lộ ở mô thành tổ chức ung thư và bắt đầu có biểu lộ triệu chứng ra ngoài và qua thăm khám sớm có thể phát hiện được. Ở giai đoạn này thường là những ung thư tại chỗ, chưa có di căn nên có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên có thể chưa có biểu hiện triệu chứng gì nên cũng gây khó khăn trong phát hiện tổn thương;

+ Giai đoạn 3 là giai đoạn lâm sàng khi u đã to khoảng 1 cm đường kính. Ở giai đoạn này là giai đoạn biểu hiện ra bệnh, u có thể phát triển nhanh hay chậm, di căn sớm hay muộn phụ thuộc rất nhiều vào từng loại ung thư, giai đoạn này điều trị sớm vẫn có thể có kết quả tốt.

- Việc phát hiện sớm tiên lượng rất tốt do đó những tổn thương loét nhỏ ở miệng, mà tồn tại lâu trên 1 tháng nhất là những người trên 40 tuổi nên được làm sinh thiết để xác định tổn thương, không nên để đến lúc tổn thưởng đã sùi loét, thâm nhiễm thì giai đoạn bệnh cũng đã muộn và tổ chức ung thư đã đi căn thì hiệu quả điều trị sẽ rất thấp.

- Như vậy, chỉ cần khám lâm sàng của các bác sĩ chuyên khoa có thể định hướng chẩn đoán và các bác sĩ sẽ xác minh thêm bằng các xét nghiệm tế bào, hay sinh thiết tổn thương làm giải phẫu bệnh sẽ xác định được tổn thương đang có là lành tính hay ác tính. Nếu xác định ác tính sẽ được các bác sĩ chỉ định cho làm các xét nghiệm khác để xác định giai đoạn của bệnh như chụp CT, MRI hiện đại hơn là PET-CT để có định hướng cho điều trị bệnh.

Điều trị

- Về điều trị ung thư khoang miệng người có nhiều phương pháp tuy nhiên, với những người được phát hiện sớm thì phẫu thuật là phương pháp tốt nhất, thường người ta phẫu thuật cắt rộng tổn thương và nạo vét hạch vùng cổ. Trong ung thư lưỡi và sàn miệng người ta khuyến cáo là nên vét hạch dưới hàm, dưới cằm và vùng cổ kể cả ung thư còn ở giai đoạn sớm do những ung thư vị trí này di căn rất sớm. Ngoài phẫu thuật, người ta có thể sử dụng các phương pháp khác như xạ trị, hoá chất, miễn dịch,… Có thể kết hợp một hay nhiều phương pháp để điều trị sao cho có hiệu quả cao nhất. Không có 1 công thức nào để chỉ dẫn điều trị ung thư mà phải tuỳ từng trường hợp cụ thể.

- Hiện nay việc điều trị các ung thư trong khoang miệng rất khó khăn do tổn thương phức tạp, khi mổ thường phải cắt rộng và nạo vét hạch triệt để thường để lại những khuyết tổ chức lớn ảnh hưởng rất nhiều đến chức năng ăn uống, hô hấp nên phải sử dụng các vạt tổ chức để tạo hình và phục hồi lại những khuyết tổ chức đó ngay trong phẫu thuật. Đặc biệt với những tổn thương ung thư lưỡi và sàn miệng, nếu không được tái tạo lại lưỡi và sàn miệng bệnh nhân sẽ rất khó khăn khi ăn uống, nuốt, giao tiếp phát âm,… và chất lượng cuộc sống thấp.

Tóm lại, ung thư khoang miệng có những nét đặc biệt cần hết sức chú ý. Tốt nhất là phải hết sức cảnh giác trước mọi tổn thương có tính chất mạn tính, kéo dài, mọi vết loét mới xuất hiện nhất là người trên 40 tuổi mà không có nguyên nhân rõ rệt. Hãy nghi ngờ là có ung thư và cần khám lâm sàng kỹ lưỡng, có thể làm xét nghiệm tế bào nếu có nghi ngờ, và khám ở những nơi có bác sĩ chuyên khoa, đặc biệt ở những cơ sở có kinh nghiệm để phát hiện sớm, tránh bỏ qua những trường hợp nghi ngờ để lại hậu quả đáng tiếc sau này. Ung thư khoang miệng có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu phát hiện sớm, nếu phát hiện muộn thì tiên lượng rất xấu do ung thư di căn sớm…


Nguồn: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên