05/06/2020 09:26 GMT+7

Một quyết định sai, ngàn ngày đi kiện

QUỐC NAM
QUỐC NAM

TTO - Vì một quyết định sai của UBND huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), một gia đình ngư dân ở xã Ngư Thủy Trung (nay là xã Ngư Thủy) đã mất hơn 3 năm ôm đơn đi kiện khắp nơi.

Một quyết định sai, ngàn ngày đi kiện - Ảnh 1.

Hơn ngàn ngày đi kiện, vợ chồng bà Hiền phải ôm chồng đơn tính bằng kilôgam - Ảnh: QUỐC NAM

Huyện đã đối chiếu với các quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, nhưng trường hợp này không có căn cứ nào để bồi thường.

Ông Đỗ Tuấn Phong (chánh Thanh tra huyện Lệ Thủy)

Vụ việc bắt đầu từ việc đền bù sau sự cố môi trường biển do Công ty Hưng Nghiệp Formosa gây ra giữa năm 2016.

Quyết định thật từ chữ ký giả

Theo bà Nguyễn Thị Hiền - trú thôn Thượng Hải (xã Ngư Thủy, người đứng đơn), sau khi sự cố môi trường biển xảy ra, đến tháng 8-2016 chính quyền bắt đầu kê khai để đền bù cho các hộ dân có thiệt hại. 

Gia đình bà Hiền có một chiếc thuyền 10CV, có giấy đăng ký hoạt động do Phòng nông nghiệp huyện Lệ Thủy cấp đến ngày 26-8-2016. Chiếc thuyền này hằng ngày chồng bà, ông Nguyễn Đình Hiệu, và con trai là anh Nguyễn Đình Cường dùng đánh bắt hải sản trên biển. 

Tuy nhiên, chính quyền xã Ngư Thủy Trung thời điểm đó xếp cha con ông Hiệu vô danh sách người lao động gián tiếp trên bờ, chiếc thuyền không được đưa vào danh sách đền bù hỗ trợ.

Không đồng ý với việc này, cuối năm 2016 bà Hiền làm đơn khiếu nại lên UBND xã nhưng không được xã chấp nhận. Phía xã đưa ra một bản tự kê khai nói là của gia đình bà Hiền nộp lên thôn, sau đó thôn nộp lên xã. 

Trong đó có chữ ký xác nhận của cha con ông Hiệu dưới phần ghi là lao động gián tiếp trên bờ và hoàn toàn không có chiếc thuyền.

Bà Hiền tiếp tục khiếu nại lên UBND huyện. Ngày 31-7-2017, UBND huyện Lệ Thủy cũng có quyết định không công nhận khiếu nại của bà Hiền, đồng thời khẳng định quyết định của UBND xã Ngư Thủy Trung về khiếu nại của bà trước đó là đúng.

Ngày 4-10-2017, đại diện UBND huyện Lệ Thủy và xã Ngư Thủy Trung mời bà Hiền đến làm việc. Biên bản cuộc họp cho thấy đại diện chính quyền nói nếu bà Hiền cho rằng trong tờ khai không phải chữ ký của ông Hiệu và anh Cường thì đề nghị bà đi giám định chữ ký để làm rõ bản kê khai.

Vì vậy, bà Hiền lên Công an tỉnh xin giám định nhưng các cơ quan liên quan không thực hiện. Sau đó, gia đình bà Hiền phải lặn lội nhiều lần ra tận Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) nhờ giám định. 

Đến tháng 3-2018, viện này có kết luận kết quả giám định chữ ký trên tờ kê khai nói trên không phải là của ông Hiệu và anh Cường.

Tháng 6-2018, UBND huyện Lệ Thủy buộc phải ra quyết định với nội dung hủy quyết định trước đó và chi trả bồi thường bổ sung cho cha con ông Hiệu ở mức lao động trực tiếp và có một chiếc thuyền.

Chi phí giám định ai chịu?

Gia đình bà Hiền sống ở bãi ngang, bao quanh là cát trắng và quanh năm khô cằn. Cuộc sống thường ngày của gia đình bà chủ yếu dựa vào chiếc thuyền đánh bắt ven bờ. Nhưng bà nói bà quyết tâm theo đuổi vụ kiện vì bà muốn công bằng.

Sau khi có kết quả giám định, bà Hiền đã có đơn khởi kiện UBND huyện Lệ Thủy ra tòa, yêu cầu bị đơn phải bồi thường chi phí đi giám định chữ ký cho gia đình bà. Tổng số tiền bà Hiền tự tính toán cho quá trình đi giám định chữ ký là 175 triệu đồng. 

Trong đó bao gồm chi phí đi lại nhiều lần, chi phí ăn ở nhiều ngày, nhiều đợt ở Hà Nội và chi phí bù công lao động cho những người thực hiện việc đi giám định này trong mấy tháng từ khi bắt đầu đến khi có kết quả.

"Chúng tôi phải nghỉ việc đánh bắt rất nhiều ngày. Tiền dành dụm được đồng nào cũng đổ vào chi phí đi giám định. Thậm chí dùng cả tiền vay vốn chính sách của ngân hàng vô đó", bà Hiền nói.

Ngày 19-2-2020, TAND huyện Lệ Thủy mở phiên xét xử sơ thẩm vụ kiện đòi bồi thường của bà Hiền (theo phiếu chuyển của tòa án tỉnh). 

Tại phiên xử này, tòa không chấp nhận yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường của bà Hiền vì cho rằng huyện không có lỗi trong việc gây ra thiệt hại cho gia đình bà Hiền. Tòa cũng cho rằng việc bà Hiền đi giám định chữ ký là tự nguyện và xuất phát từ nhu cầu chứng minh của bà. 

"Dù khiếu nại được chấp nhận và chi phí cho người khiếu nại bỏ ra là thực tế thì Luật khiếu nại và Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước không bắt buộc cơ quan nhà nước phải bồi thường các thiệt hại này cho người khiếu nại", tòa nêu quan điểm.

Bà Hiền cho biết hiện bà đã nộp đơn kháng cáo lên TAND tỉnh Quảng Bình. "Khi chúng tôi khiếu nại về tờ phiếu khai giả, huyện phải có trách nhiệm đi xác minh xem giả thật ra sao rồi mới ra quyết định. 

Nhưng huyện không làm mà vẫn ra quyết định sai thì giờ huyện phải có trách nhiệm bồi thường chi phí cho chúng tôi. Và thực tế việc chúng tôi đi giám định cũng theo đề nghị của chính quyền huyện, xã trong cuộc họp trước đó", bà Hiền nói.

Có cơ sở để bồi thường nếu...

Luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng) cho rằng vụ việc này có cơ sở để bồi thường nếu xét quan hệ nhân - quả.

Cụ thể, trường hợp của bà Hiền không nằm trong 14 trường hợp mà điều 17 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định được bồi thường trong lĩnh vực hành chính.

Nhưng ở đây bà Hiền thực sự bị thiệt hại do các chi phí phải đi kiện tụng, xác minh, giám định chữ ký. Việc bà đi giám định chữ ký là thực hiện theo đề nghị của chính quyền để chứng minh chữ ký đó là giả mạo.

Việc chính quyền đẩy cho dân nghĩa vụ phải tự đi tìm người đã giả tờ kê khai là vô trách nhiệm. Đây chính là hậu quả của việc làm chưa hết trách nhiệm của cơ quan nhà nước.

Nó có mối quan hệ nhân - quả. Nó xác định rằng phía Nhà nước có lỗi gây ra các thiệt hại đó, có cơ sở để bồi thường.

Nói về phiên tòa phúc thẩm sắp tới, luật sư Cao cho rằng tòa phúc thẩm cần chứng minh hậu quả thiệt hại do các hành vi, quyết định có lỗi của cơ quan nhà nước gây ra cho bà Hiền để đánh giá vụ án được công tâm, hợp tình hợp lý.

Nếu không xem xét đến các khía cạnh đó mà bác khởi kiện của bà Hiền, dẫn đến các hành vi, quyết định hành chính sẽ tùy tiện làm sai. Người dân chịu hậu quả thiệt hại mà cơ quan nhà nước làm sai lại không chịu trách nhiệm gì là không hợp tình hợp lý.

"Cần có thêm quy định về trách nhiệm chịu chi trả bồi thường trong những trường hợp tương tự để bảo vệ người dân trước những hành vi có lỗi sai từ phía cơ quan nhà nước", luật sư Cao nói.

Tòa thụ lý vụ kiện đã… thi hành án xong Tòa thụ lý vụ kiện đã… thi hành án xong

TTO - Tháng 11-2019, TAND huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã thụ lý vụ án dân sự 'tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng' giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Duy Thanh (trú huyện Côn Đảo) và bị đơn là Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Côn Đảo.

QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên