26/04/2019 11:30 GMT+7

Trả tự do cha giết con không tìm ra xác: thực thi nguyên tắc 'suy đoán vô tội'?

Luật sư NGUYỄN VĂN ĐỨC (Đoàn Luật sư TP.HCM)
Luật sư NGUYỄN VĂN ĐỨC (Đoàn Luật sư TP.HCM)

TTO - Không đủ chứng cứ buộc tội thì phải xác định người bị tình nghi, bị can, bị cáo không có tội và phải trả tự do cho họ, là sự đòi hỏi chính đáng, đảm bảo quyền con người, quyền công dân của mọi cá nhân.


Một quyết định nhân văn trong thực thi nguyên tắc suy đoán vô tội - Ảnh 1.

Công an TP Đà Nẵng đã làm mọi biện pháp nhưng chưa tìm thấy xác nạn nhân dưới sông Hàn - Ảnh: TTO

Vấn đề này đang gây nhiều tranh cãi, Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu quan điểm của luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM).

Việc Công an TP Đà Nẵng quyết định trả tự do cho "người cha khai giết con rồi ném xác xuống sông Hàn gây rúng động dư luận trong thời gian qua" cần được ủng hộ bởi đã mạnh dạn áp dụng nguyên tắc "suy đoán vô tội" trong tố tụng hình sự.

Đây là một nguyên tắc tiến bộ, nhân văn đã được Hiến pháp 2013 và Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015 quy định, phù hợp với xu thế chung của thế giới được thể hiện tại Công ước của Liên Hợp quốc về quyền dân sự và chính trị năm 1966.

Mọi người cần được đối xử công bằng

Ở góc độ cá nhân, tôi ủng hộ quyết định này. Trong thời gian tới, các cơ quan tố tụng trong cả nước cần có những quyết định nhân văn như thế để nguyên tắc "suy đoán vô tội" không chỉ là những câu chữ trên giấy mà được thực thi trên thực tế, thân phận pháp lý của nhiều người bị tình nghi, bị can, bị cáo được đảm bảo đối xử một cách công bằng.

Theo thông tin được báo chí đăng tải, vào ngày 1-2-2019, Bùi Văn Hời (47 tuổi, trú huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) tự đến cơ quan công an của TP Đà Nẵng đầu thú, khai đã có hành vi bóp cổ con gái là bé Bùi Thị Uyển Nh (8 tuổi) đến chết và cho vào bao, ném xác xuống sông Hàn. 

Cơ quan điều tra Công an TP Đà Nẵng đã tiến hành nhiều biện pháp tìm kiếm thi thể nạn nhân nhưng vẫn chưa tìm thấy thi thể nạn nhân. Do đã làm rất nhiều biện pháp nghiệp vụ cần thiết mà chưa tìm thấy thi thể nên công an phải thả nghi can Hời.

Về nguyên tắc, việc nghi can Hời tự khai nhận đã thực hiện hành vi giết người cũng chỉ là một nguồn của chứng cứ theo điều 87 BLTTHS 2015. Do vậy, để xác định lời khai này có đúng sự thật hay không thì còn phải thu thập nhiều chứng cứ khác, trong đó thi thể nạn nhân là một trong những chứng cứ quan trọng. 

Bởi lẽ, theo Điều 98, BLTTHS năm 2015, lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án; không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội.

Ngoài lời khai của Hời, theo Công an TP Đà Nẵng, hiện tại không còn chứng cứ nào khác thì chưa đủ cơ sở để xác định nghi can này thực hiện hành vi giết người. Điều 15 BLTTHS quy định: "Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội".

Không đủ cơ sở chứng minh nghi can thực hiện tội phạm thì cơ quan tiến hành tố tụng TP Đà Nẵng trả tự do cho ông Hời là hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc "suy đoán vô tội" được ghi nhận trong Hiến pháp 2013 và BLTTHS 2015.

Phù hợp quy định của hiến pháp và luật pháp quốc tế

Khoản 1 điều 31, Hiến pháp 2013 đã hiến định: "Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật".

Quy định này hoàn toàn phù hợp với khoản 2 Điều 14 Công ước của Liên Hợp quốc về quyền dân sự và chính trị năm 1966, theo đó mọi người đều có quyền hưởng tự do và an ninh cá nhân, không ai bị bắt hoặc bị giam giữ vô cớ. Người bị buộc là phạm một tội hình sự có quyền được coi là vô tội cho tới khi tội của người đó được chứng minh theo pháp luật.

Nguyên tắc này đã được cụ thể hóa tại điều 13 BLTTHS 2015: "Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội".

Quyết định trả tự do cho ông Hời cần được nhìn nhận là sự đổi mới về tư duy của người và cơ quan tiến hành tố tụng, bởi mọi sự nghi ngờ về hành vi phạm tội của người bị buộc tội cần được giải thích theo hướng có lợi cho người đó. 

Tư duy này khác hoàn toàn với lối suy diễn từ trước nay theo hướng "suy đoán có tội", "thà xử nhầm hơn bỏ sót" đã từng ăn sâu vào nhận thức của không ít người tiến hành tố tụng. Đặt trong bối cảnh, mặc dù Hiến pháp 2013 và BLTTHS 2015 đã có hiệu lực thi hành, nhưng vẫn còn không ít người và cơ quan tiến hành tố tụng quen với nếp nghĩ cũ: đã bị khởi tố là phải có tội thì mới thấy giá trị của việc Công an Đà Nẵng trả tự do cho ông Hời.  

Cũng cần nói thêm, việc áp dụng nguyên tắc "suy đoán vô tội" không đồng nghĩa với việc bỏ lọt tội phạm. Bởi, nếu trong thời gian tới, các cơ quan tố tụng có đủ chứng cứ để chứng minh ông Hời có hành vi giết con thì ông ta vẫn có thể bị khởi tố và xét xử về hành vi này.   

Rúng động nghi án cha giết con phi tang xác xuống sông Hàn

TTO - Trưa 25-2, hai phó giám đốc Công an Đà Nẵng là đại tá Trần Mưu và đại tá Trần Đình Chung có mặt tại bờ sông Hàn để chỉ đạo công tác điều tra nghi án cha giết con và phi tang xác xuống sông.

Luật sư NGUYỄN VĂN ĐỨC (Đoàn Luật sư TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên