21/11/2014 09:50 GMT+7

Một quá khứ cần được khép  lại

CÁT KHUÊ
CÁT KHUÊ

TT - Bước vào một rạp phim do Nhà nước sở hữu, có bao giờ bạn đọc được dòng chữ này: “Chúng tôi biết bạn có nhiều lựa chọn. Cảm ơn đã chọn cụm rạp chúng tôi ngày hôm nay”?

Rạp Toàn Thắng (102 Châu Văn Liêm, Q.5, TP.HCM) nay đã bị đập bỏ để xây dựng một khu thương mại, giải trí phức hợp, dự kiến khánh thành năm 2015 - Ảnh: Quang Định
Rạp Toàn Thắng (102 Châu Văn Liêm, Q.5, TP.HCM) nay đã bị đập bỏ để xây dựng một khu thương mại, giải trí phức hợp, dự kiến khánh thành năm 2015 - Ảnh: Quang Định

Nhưng đấy chính là một câu chạy trên màn hình trước khi chiếu phim của một hệ thống rạp tư nhân tại TP.HCM - BHD Cineplex.

Nhiều lần tôi rủ con gái vừa tốt nghiệp đại học đến rạp Tháng Tám xem phim miễn phí - phòng 3D. Thế nhưng con gái bảo: Con thà mua vé đến rạp tư nhân còn hơn là đến rạp của mẹ - vừa chật chội, cũ kỹ, vừa thiếu tiện ích. Con gái tôi nói không sai. Đến như tôi cũng thấy thèm mỗi khi có dịp ghé qua các rạp của tư nhân. Sự thật ấy thật đáng buồn...
Bà NGÔ THỊ PHƯƠNG LIÊN (trưởng phòng nghiệp vụ Công ty Điện ảnh Hà Nội)

1 Thời thế đã khác xưa, nên thời huy hoàng của rạp phim nhà nước cũng đã trôi qua. Và hiện tại tư nhân đang làm và làm tốt vai trò của họ khi nhịp nhàng điều tiết thị trường từ đầu tư sản xuất phim, phát hành phim và kinh doanh rạp chiếu.

CGV hiện đã mở đến 18 cụm rạp, Lotte là 15 cụm rạp. Tại TP.HCM, Galaxy Cinema cũng đang sở hữu bốn cụm rạp và sẽ khai trương cụm rạp thứ năm vào cuối năm nay. BHD Cineplex cũng đang sở hữu hai cụm rạp. Platinum Cineplex cũng quản lý đến năm cụm rạp tại Hà Nội...

Quan trọng hơn, hệ thống rạp này đa số đều theo chuẩn quốc tế đáp ứng được các công nghệ điện ảnh hiện đại như âm thanh Dolby Digital cập nhật, tiêu chuẩn 3D hoặc thậm chí là 4DX...

Trong khi đó, hệ thống rạp nhà nước đại đa số vẫn dùng máy chiếu phim 35mm, thiết bị âm thanh lạc hậu. Và hàng chục năm ở trong cái vòng luẩn quẩn: khi cơ sở hạ tầng xuống cấp thì không đáp ứng được phim chiếu “nước một” (chiếu vòng đầu tiên tại VN, đôi khi trùng giờ với thế giới), phải chấp nhận chiếu nước hai hoặc ba.

Mà như thế thì đương nhiên khán giả không lựa chọn dù giá vé có rẻ hơn đi chăng nữa. Cái khó bó thành cái nghèo, càng không bán được vé càng không có tiền thì càng không thể nâng cấp hạ tầng và vẫn cứ khó!

Trả lời PV Tuổi Trẻ tại Hải Phòng, ông Bùi Thế Lâm (Trung tâm Phát hành phim Hải Phòng) cho biết trung tâm đã đề nghị xem xét chuyển đổi để từ tự chủ thành tự chủ một phần, bởi lôi kéo khán giả quay trở lại với rạp nhà nước đang trở thành nhiệm vụ bất khả thi, dù rất cố gắng.

Cũng tìm cách xoay xở, ông Hồ Xuân Đài (Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Thừa Thiên - Huế) khi trao đổi với PV Tuổi Trẻ tại Huế đã cho biết trung tâm dự kiến đề nghị tìm đối tác liên kết đầu tư rạp chiếu phim hiện đại trên cơ sở địa thế vàng mà rạp Hoàn Mỹ và Gia Hội đang sở hữu...

Còn ở TP.HCM, theo ông Hoàng Em - phó giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông điện ảnh Sài Gòn, sau giải phóng, riêng quốc doanh phát hành phim và chiếu bóng (tiền thân của công ty ông) tiếp quản 41 rạp trong TP (số rạp còn lại được giao cho các trung tâm tổ chức biểu diễn, sở văn hóa hoặc giao về các quận huyện), năm 1984 thì chuyển đổi tên và giảm số rạp quản lý xuống 12 nhưng đến giờ chỉ còn ba cụm rạp là Đống Đa, Thăng Long, Toàn Thắng.

2 Khi chấp nhận và chờ đợi được thừa nhận kinh tế VN là một nền kinh tế thị trường thì chúng ta không thể cứ bám vào vàng son quá khứ để tiếc nuối.

Giống với các hãng phim nhà nước phải chấp nhận cổ phần hóa để bình đẳng cạnh tranh với tư nhân trong một thị trường điện ảnh phát triển lành mạnh, có lẽ đã đến lúc hệ thống rạp phim nhà nước cũng phải chấp nhận hiện trạng này.

Tất nhiên, ý kiến của ông Phạm Văn Họa (Fafilm VN) không phải không có lý khi cho rằng: “Đồng bào nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn luôn quan tâm đến nghệ thuật điện ảnh, các điểm chiếu bóng lưu động vẫn thu hút người xem bởi tính sinh hoạt văn hóa cộng đồng có giao lưu gặp gỡ.

Nhà nước cần quan tâm đến đời sống văn hóa điện ảnh của khu vực này bằng cách đầu tư đủ kinh phí cho các đội chiếu bóng lưu động hoạt động, cung cấp đủ nguồn phim và không nên chuyển đổi mục đích sử dụng các rạp chiếu phim đang có ở khu vực này”.

Đó chính là vấn đề phải được đặt lên bàn cân của các nhà quản lý, để xem cái gì cần níu giữ, cái gì cần đổi thay, nhất là với đa số các cụm rạp nhà nước đang ngắc ngoải như hiện tại?

3 Trở lại với câu nói “Chúng tôi biết bạn có nhiều lựa chọn. Cảm ơn đã chọn cụm rạp chúng tôi ngày hôm nay”, đó chắc chắn là câu trả lời: khán giả mới chính là người quyết định sự tồn tại của rạp phim chứ không phải là bầu sữa ngân sách nhà nước để luôn chờ đợi, xin xỏ, trông mong!

Trong hệ thống các rạp chiếu phim do Nhà nước quản lý ở Hà Nội, hoạt động hiệu quả chỉ có Trung tâm Chiếu phim quốc gia - Ảnh: Đức Triết
Trong hệ thống các rạp chiếu phim do Nhà nước quản lý ở Hà Nội, hoạt động hiệu quả chỉ có Trung tâm Chiếu phim quốc gia - Ảnh: Đức Triết

Tìm cách phục vụ khán giả tốt nhất

Trong sự cạnh tranh khốc liệt của các cụm rạp tư nhân, nếu như một loạt cụm chiếu phim của Nhà nước điêu đứng đến nỗi đa số phải đóng cửa thì vẫn còn một địa chỉ đứng vững - Trung tâm Chiếu phim quốc gia (87 Láng Hạ) của Bộ VH-TT&DL.

Đi vào hoạt động từ năm 1998, trung tâm đã có giai đoạn hết sức khó khăn vì cũng giữ kiểu hoạt động cho thuê mặt tiền làm nhà hàng, siêu thị, chỉ dành lối nhỏ vào rạp.

Thế nhưng hơn năm năm qua, bộ mặt của trung tâm đã thay đổi hoàn toàn khi phần cho thuê được thu về và cải tạo thành phòng chiếu, nâng từ ba phòng chiếu phim nhựa và hai phòng chiếu video lên thành 10 phòng chiếu và tất cả phòng chiếu đều được trang bị hệ thống trình chiếu bằng công nghệ hiện đại: máy kỹ thuật số, hệ thống âm thanh số 7.1 cũng như tổ hợp dịch vụ để đáp ứng nhu cầu khán giả một cách tốt nhất.

Từ năm 2012 chuyển sang cơ chế tự chủ 100% nên trung tâm duy trì cường độ hoạt động tối đa với 60-65 suất chiếu/ngày. Ước tính hai năm trở lại đây, trung tâm phục vụ mỗi năm hơn 1,5 triệu lượt khán giả, doanh thu hơn 100 tỉ đồng/năm.

Ông Nguyễn Danh Dương, giám đốc Trung tâm Chiếu phim quốc gia, cho biết: “Chúng tôi phải mạnh dạn cạnh tranh dựa trên chính tiềm năng của mình bằng việc đầu tư công nghệ mới, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ khán giả một cách tốt nhất với hệ thống phòng chiếu hiện đại nhất, dịch vụ tiện ích nhất...”.

ĐỨC TRIẾT

CÁT KHUÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên