08/12/2021 17:22 GMT+7

Một phụ nữ bị thủng mũi sau hơn 3 năm nâng mũi

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TTO - Đơn vị phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ - Bệnh viện Da liễu TP.HCM đã tiếp nhận và điều trị một trường hợp tai biến nhiễm khuẩn thủng đầu mũi sau phẫu thuật nâng mũi cách đây hơn 3 năm.

Một phụ nữ bị thủng mũi sau hơn 3 năm nâng mũi - Ảnh 1.

Bệnh nhân được thực hiện thủ thuật tháo sụn mũi và xử lý nhiễm khuẩn - Ảnh: BVCC

Ngày 8-12, Bệnh viện Da liễu cho biết đó là chị N.T.D.T., 28 tuổi, ngụ ở quận 12. Chị T. đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM khám trong tình trạng đầu chóp mũi bị sưng đỏ, vật liệu nâng mũi bị lộ ra ngoài ở phần đầu mũi.

Chị T. kể hơn 3 năm trước, chị đã đến một thẩm mỹ viện và được nâng mũi bằng sụn sinh học với giá khoảng 28 triệu đồng.

Tháng 5-2021, đầu mũi chị xuất hiện một nốt nhọt với triệu chứng sưng, đỏ… Nghĩ đây là nhọt da thông thường và do dịch bệnh, nên chị T. ra nhà thuốc mua thuốc kháng sinh về uống nhưng tình trạng không cải thiện.

Vài tuần sau da đầu mũi bắt đầu bị thủng, "sụn silicon" lộ ra bên ngoài. Thấy diễn tiến ngày càng xấu, chị T. đã liên hệ lại với cơ sở thẩm mỹ nhưng do dịch bệnh, cơ sở chưa mở cửa lại nên giới thiệu qua đơn vị phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ - Bệnh viện Da liễu TP.HCM. 

Tuy nhiên, thời gian đó sợ dịch bệnh nên gần 5 tháng sau chị T. mới quay lại Bệnh viện Da liễu điều trị.

PGS.TS.BS Phạm Hiếu Liêm, phó trưởng khoa y, trưởng bộ môn phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, trưởng đơn vị phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ - Bệnh viện Da liễu TP.HCM, cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn, thủng đầu mũi lộ vật liệu cấy ghép.

"Thứ nhất, có thể do vật liệu nâng mũi là sụn nhân tạo không đảm bảo tính ‘trơ’ gây tình trạng dị ứng, nhiễm khuẩn. Thứ hai, có thể do vật liệu nâng mũi quá dày và dài hoặc chất liệu cứng, nhất là đối với miếng độn silicon hình chữ "L" với đoạn trụ mũi dài thì nguy cơ tổn thương da và lòi sụn nơi đầu mũi càng cao. 

Thứ ba, có thể bệnh nhân có nhiễm khuẩn tiềm ẩn trước đây và nhiễm khuẩn này diễn ra từ từ mà bệnh nhân không để ý nên không biết cho đến khi xuất hiện triệu chứng lạ, cụ thể ở bệnh nhân này là nổi nhọt ở đầu mũi. 

Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như không đảm bảo vô khuẩn khi phẫu thuật, chăm sóc hậu phẫu… cũng là nguyên nhân gây nhiễm trùng".

Tại Bệnh viện Da liễu, bệnh nhân được chỉ định thực hiện thủ thuật tháo vật liệu cấy ghép. Các bác sĩ đã lấy sụn mũi silicon hình chữ "L" ra ngoài. Trong quá trình tháo sụn mũi, đã có một lượng mủ vừa phải, đặc chảy ra cùng. Tiếp đó các bác sĩ đã tiến hành làm sạch khoang, cắt lọc mô hoại tử, chuẩn bị cho việc tạo hình lại mũi.

Bệnh nhân khi gặp tình trạng này không những ảnh hưởng nặng nề về mặt hình thể chức năng mà còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ khuôn mặt.

Nếu phát hiện, xử lý sớm thì kết quả thường tốt hơn. Biến chứng để lại sẽ là một vết sẹo nhỏ nơi đỉnh mũi. Khoảng 6 tháng sau khi mũi ổn định, vết sẹo lành, bệnh nhân có thể tái tạo - nâng mũi lại.

"Khi muốn nâng mũi, người dân cần chọn nơi thực hiện uy tín. Sau phẫu thuật nâng mũi nếu thấy có các dấu hiệu lạ tại vùng mũi phải đi khám ngay để được phát hiện sớm và xử lý triệt để nếu có biến chứng xảy ra", bác sĩ Hiếu Liêm nhấn mạnh.

Những lưu ý khi phẫu thuật nâng mũi L- line Những lưu ý khi phẫu thuật nâng mũi L- line

Nếu như dáng mũi S - Line với hình dáng uốn lượn chữ S mềm mại là xu thế sửa mũi của những năm trước thì ngày nay, làm đẹp xu thế mũi L- line đang nổi lên như một hiện tượng.


THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên