Bên cạnh việc tìm cách huy động thêm vốn, một số doanh nghiệp bất động sản cũng nỗ lực mua lại trái phiếu trước hạn, hoặc đàm phán với chủ nợ để trả sau.
Tăng mua lại trái phiếu trước hạn, đàm phán với trái chủ
Ngày 23-11, Bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán PDR) cho biết đã phát hành thành công hơn 67,1 triệu cổ phiếu. Toàn bộ số cổ phần này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng một năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.
Doanh nghiệp này sau đó dùng số tiền trên để thanh toán toàn bộ nợ gốc và lãi trái phiếu đã phát hành trong năm 2021 và 2022, đưa dư nợ trái phiếu về 0 vào cuối năm 2023.
Được biết, từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp đã tất toán 5 lô trái phiếu và mua lại trước hạn với tổng giá trị hơn 1.545 tỉ đồng.
Trước đó, theo thông tin từ Bộ Tài chính, một số ông lớn bất động sản khác như Novaland, Hưng Thịnh... đạt được thỏa thuận gia hạn trả nợ trái phiếu từ một tháng đến hai năm, lãi suất thỏa thuận tăng thêm 0,5-3% so với ban đầu.
Phía cơ quan quản lý thị trường nhận định việc doanh nghiệp chủ động đàm phán với trái chủ cũng góp phần ổn định tâm lý nhà đầu tư, có thêm thời gian cơ cấu lại và hồi phục hoạt động kinh doanh. Từ đó có nguồn tiền để trả nợ trái phiếu đến hạn.
Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho biết từ đầu năm đến giữa tháng 11 này, các doanh nghiệp huy động được hơn 233.700 tỉ đồng từ trái phiếu (hơn 88% phát hành theo hình thức riêng lẻ để bán cho nhà đầu tư chuyên nghiệp).
Đáng chú ý, trong khoảng thời gian đó cũng có tổng cộng hơn 200.900 tỉ đồng trái phiếu được mua lại trước hạn, tăng tới 14% so với cùng kỳ năm trước.
80% khó khăn đều liên quan đến pháp lý
Ông Đinh Quang Hinh - trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, khối phân tích của Chứng khoán VNDirect - chia sẻ các doanh nghiệp bất động sản cho rằng 70-80% khó khăn trên thị trường đều liên quan đến vấn đề pháp lý.
Để hỗ trợ, Chính phủ và các địa phương đang tích cực xử lý những vướng mắc pháp lý với các dự án bất động sản. Cơ quan quản lý ở TP.HCM cho biết đã giải quyết được khoảng 30% dự án bất động sản gặp khó về pháp lý, trong khi Hà Nội cũng giải quyết xong cho khoảng 60% dự án.
Trước vấn đề doanh nghiệp khó khăn về tài chính, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã triển khai giải pháp để tăng khả năng tiếp cận vốn.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ tín dụng bất động sản đạt 2,74 triệu tỉ đồng, tăng hơn 6% so với đầu năm và chiếm 21,5% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.
Tín dụng cho nhà phát triển bất động sản tăng cao hơn nhiều tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế. Đồng thời, lãi suất cho vay giảm so với đầu năm, thúc đẩy nhu cầu vay mua nhà (thế chấp) và cải thiện tình hình tài chính doanh nghiệp bất động sản vào năm tới.
"Sự ấm lên dần của thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ là chìa khóa quan trọng giải quyết khó khăn về vốn cho các nhà phát triển bất động sản trong những năm tới", ông Hinh nhìn nhận.
Ông Nguyễn Thế Minh - giám đốc phân tích chiến lược, Chứng khoán Yuanta Việt Nam - chia sẻ thị trường bất động sản đang ở trạng thái cân bằng hơn, không còn rủi ro xảy ra khủng hoảng đồng bộ như năm trước, đặc biệt khi Chính phủ nỗ lực hành động.
Dù tình hình đã có những điểm sáng, song vẫn cần lưu ý, theo dữ liệu của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, năm 2024 có giá trị đáo hạn trái phiếu cao nhất trong ba năm gần đây, đạt khoảng 329.500 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận