Tối 27 tết vừa qua, anh Nguyễn Văn Nguyên (bìa trái), một nông dân ở Hà Tĩnh, đã cùng vợ khai trương Ngôi nhà tri thức ở Tràng Lưu, xã Lộc Yên, Hương Khê, Hà Tĩnh với 140 đầu sách - Ảnh: N.Q.T.
Năm 2020 này, Việt Nam đảm trách nhiệm vụ chủ tịch ASEAN và thành viên không thường trực HĐBA Liên Hiệp Quốc. Việt Nam cũng nổi lên như một tên tuổi gánh vác các sứ mệnh quốc tế. Đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, tên Việt Nam đã được xướng lên tại Ấn Độ với việc một công dân Việt "cõng" sách sang tặng người Ấn.
Đó là ông Nguyễn Quang Thạch - người khởi xướng phong trào đưa sách về nông thôn. Ngày 1-2, ông Thạch sẽ trở lại Ấn Độ để vận động, thúc đẩy quyền đọc sách cho trẻ em Ấn Độ nói riêng và toàn cầu nói chung. Ngay trước ngày lên đường, ông Nguyễn Quang Thạch dành riêng cho Tuổi Trẻ cuộc phỏng vấn về một Việt Nam trách nhiệm, gánh vác, chung tay cùng giải quyết những vấn đề của thế giới.
* Hơn 10 năm trước ông đi xe máy xuyên Việt, rồi sau đó đi bộ xuyên Việt để thức tỉnh xã hội về văn hóa đọc, giờ ông chuẩn bị sang Ấn Độ đi bộ để vận động xã hội quan tâm tới việc đọc sách của trẻ. Phải chăng mục tiêu ở trong nước đã hoàn thành, và đã đến lúc để ông lan tỏa ra phạm vi toàn cầu?
- 10 năm trước, khi tôi đi xe máy xuyên Việt trong ngày tết để kêu gọi các dòng họ làm tủ sách, lúc đó mới có 31 tủ sách Dòng họ được xây dựng. Sau 10 năm, số tủ sách Dòng họ, tủ sách Phụ huynh, tủ sách Lớp học, tủ sách Giáo xứ... đã tăng hơn 40.000 bởi sự chung tay hành động của nhiều nhóm trong xã hội.
Bên cạnh phong trào đưa sách về lớp học, dòng họ, nhà thờ, nhà chùa, nhà tù, mừng tuổi sách đã trở thành hoạt động của nhiều cá nhân trong 5 năm qua. Không những thế, tặng sách ngày Noel, Tết dương lịch đã diễn ra nhiều nơi.
Chúng ta cũng thấy những dịch chuyển về chính sách từ phía Chính phủ như Bộ GD-ĐT ban hành công văn 6841 để thúc đẩy hệ thống tủ sách Phụ huynh/tủ sách Lớp học theo sự vận động của "Sách hóa nông thôn".
Ngày sách quốc gia, Đề án thúc đẩy văn hóa đọc, Luật thư viện đã ra đời... Từ những thực tế này, tôi chắc chắn rằng các mục tiêu mình đặt ra sẽ dần hoàn thành bởi khu vực nhà nước và dân sự trong vài năm tới.
Hãy học tập con mối, con kiến nhỏ bé, chính sự cần cù và hành động vì cộng đồng mà những con vật nhỏ bé kia đã tạo ra những tổ mối, tổ kiến gấp hàng tỉ lần kích thước và trọng lượng của chúng. Chúng ta thấu hiểu rằng sự tụ trội và đột sinh thành cường quốc sẽ đến khi tất cả chúng ta dâng trái tim trong sáng mình vì một Việt Nam được tôn trọng.
Nguyễn Quang Thạch
* Ông có thể chia sẻ lý do tại sao có ý tưởng sang Ấn Độ đi bộ để kêu gọi đọc sách, và tại sao lại là Ấn Độ chứ không phải nước khác?
- Tôi sang Ấn Độ để thực hiện cam kết với chính mình khi thấy báo chí đưa tin nhiều phụ nữ Ấn Độ bị cưỡng hiếp và treo cổ. Sự ám ảnh về cái ác thúc giục tôi "sẽ sang Ấn Độ làm tủ sách". Tôi cũng thực hiện cam kết với UNESCO trong lễ nhận giải thưởng Phổ biến tri thức vào tháng 9-2016: "Chúng ta hãy nắm tay nhau xây dựng một thế giới hòa bình, dân chủ, nhân văn và sáng tạo bằng việc tăng cường quyền đọc sách cho trẻ em trên toàn thế giới".
Hơn nữa, Ấn Độ là nước đông dân, hơn 200 triệu trẻ em thiếu sách và hơn 400 triệu người nghèo. Những con số đó là nỗi buồn của Ấn Độ và thế giới chúng ta nhưng lại là con số thúc giục tôi hành động. Thử thách và thành công ở Ấn Độ sẽ thúc đẩy quyền đọc sách của trẻ em ở các nước nghèo khác dễ dàng hơn.
* Ông đặt mục tiêu gì cho chuyến đi này?
- Mục tiêu dài hạn mà tôi, các bạn Ấn Độ và Việt Nam đặt ra là "Sách cho trẻ em Ấn Độ. Sách thúc đẩy quyền đọc sách cho trẻ em toàn cầu. Sách để chống biến đổi khí hậu". Tôi tiếp tục dùng sức mạnh bước chân như là tâm lực để thu hút hàng trăm triệu cha mẹ học sinh nông thôn Ấn Độ, cựu học sinh nông thôn Ấn Độ và tầng lớp trung lưu Ấn và Ấn kiều tham gia xóa nạn đói sách ở nông thôn.
Tôi hi vọng hành động của chúng tôi sẽ tác động đến cách làm chính sách của các quốc gia có hệ thống thư viện yếu kém, chưa có phương pháp huy động nguồn lực bản địa, cũng như sẽ tác động đến khung thiết kế của UNESCO về phổ biến tri thức ở các nước đang phát triển. Các hoạt động và cách làm của chúng tôi sẽ được gửi đến mạng lưới UNESCO trên toàn cầu để các bài học được chia sẻ và địa phương hóa.
Mục tiêu ngắn hạn của chuyến đi là sức mạnh bước chân, các mô hình tủ sách thành công của Việt Nam, chiến lược vận động chính sách, phương pháp huy động nguồn lực bản địa... được truyền thông ở Ấn Độ. Sáng kiến đọc sách và trồng cây, trồng cây gây sách ở Việt Nam sẽ được chia sẻ ở Ấn Độ. Chúng tôi sẽ cùng các bạn Ấn Độ trồng cây từ nguồn lực đóng góp và kêu gọi của chị Vũ Thị Thu Hà, người vừa gọi quỹ thành công để trồng 10.000 cây xanh trong năm 2020.
Ông Nguyễn Quang Thạch (thứ tư từ trái qua) tặng sách cho học sinh trường tiểu học ở xã Koregaon, huyện Satara, bang Maharashtra, Ấn Độ ngày 14-11-2019 - Ảnh: NVCC
* Một Việt Nam có trách nhiệm với thế giới gần đây đã xuất hiện trên lĩnh vực ngoại giao, quân sự, giờ đây bắt đầu với lĩnh vực văn hóa, giáo dục...
- Hồi nhỏ, tôi thường nghe câu "bốn biển là anh em". Lớn lên, qua học tập, qua hiện thực hóa mục tiêu cuộc đời làm một cuộc cách mạng thư viện cho nông thôn Việt Nam, tôi xem xã hội là nhà của mình, thế giới là ngôi nhà chung, hiển nhiên tôi phải có trách nhiệm với cả hai. Tôi ý thức sâu sắc rằng giá trị của quốc gia trong nhân loại đều đến từ các nỗ lực của cá nhân ở các lĩnh vực khác nhau.
Thế giới hiện có 750 triệu người mù chữ, 264 triệu trẻ em không đến trường, hơn 500 triệu học sinh nông thôn đói sách, thì việc người Việt chung tay đưa ra giải pháp thư viện giá thấp mà tất cả nước nghèo đều có thể áp dụng, lại tham gia xây dựng các tủ sách mẫu, cùng với dùng sức mạnh bước chân để phát xạ tâm lực và trách nhiệm để thúc đẩy quyền đọc sách cho trẻ em ở các nước nghèo là cách đưa hai tiếng Việt Nam vào tâm thức nhân loại.
Chúng ta có trách nhiệm và yêu nhân loại bao nhiêu thì nhân loại sẽ đẹp lên bấy nhiêu. Tất cả người Việt cần ý thức rằng muốn thoát khỏi sự yếu kém của chính mình, chúng ta cần hành động cao thượng vì nhân loại. Chính những hành động cao thượng sẽ nuôi dưỡng và đánh thức nội sinh của chúng ta mà trong ngắn hạn chúng ta chưa nhận ra nhưng thành quả to lớn sẽ hữu hình trong tương lai.
* Không ít người cho rằng ông bao đồng khi gần như hi sinh công việc, gia đình và cả bản thân để lo cho xã hội, trước là Việt Nam, giờ là các nước đang phát triển và phát triển. Ông nghĩ sao?
- Mọi sinh vật sinh ra trên trái đất này đều có lý của nó. Con người cũng vậy, sự có mặt của tôi trong một dòng họ và làng quê với nhiều biến động lịch sử đã hình thành cho tôi năng lực định dạng được vai trò bản thân đối với xã hội.
Khi đã thấy vai trò của mình thì cá nhân thấu hiểu các giá trị cốt lõi mà anh ta lựa chọn và hệ giá trị anh ta sẽ dựng xây cho xã hội. Thành ra, tôi không thấy mình hi sinh gì, mà thực sự tôi đã và đang sống với niềm đam mê, niềm hạnh phúc đến với tôi mỗi ngày. Tôi ý thức được rằng nhờ có hoang mạc, mình mới có cơ hội trồng cây.
Vì nông thôn đói sách, tôi mới có cơ hội nghiên cứu tạo mô hình, cơ hội xây dựng các chiến lược truyền thông và vận động chính sách, cũng như áp dụng mô hình. Vì phải chứng kiến cái ác, cái đói, nỗi thống khổ của đồng loại, trái tim tôi mới có cơ hội đau cho người khác. Nỗi đau dành cho người khác là cơ hội để trái tim tôi đánh thức sự thông minh của nó. Từ đó, trí não mới tìm các giải pháp để hiện thực hóa điều mình muốn cho một xã hội tốt đẹp hơn và một nhân loại yêu thương nhau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận