Ngày 8-9, Sở Y tế tỉnh Yên Bái vừa có thông tin về bệnh sốt mò trên địa bàn tỉnh trong tháng 8.
Cụ thể, huyện Mù Cang Chải ghi nhận nhiều nhất với 41 ca sốt mò, huyện Văn Chấn 22 ca, 4 ca tại thị xã Nghĩa Lộ, 6 ca tại huyện Văn Yên, 1 ca vãng lai có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Sơn La.
Tại huyện Trạm Tấu ghi nhận 20 ca mắc, trong đó có 1 trường hợp tử vong ở xã Xà Hồ.
Sốt mò là một bệnh khá phổ biến trong thời gian gần đây ở một số nước nhiệt đới.
Tại Việt Nam, khu vực con mò hay sinh sống là những vùng nông thôn hay trung du, miền núi nơi có cây cối rậm rạp, bụi cây.
Con mò sẽ đốt và truyền tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Rickettsia tsutsugamushi vào cơ thể người.
Bệnh sốt mò hay còn gọi là sốt bờ bụi, là một loại sốt phát ban do Rickettsia gây ra. Đây là vi trùng lây truyền từ chuột sang người thông qua vết cắn của ấu trùng con mò (Trombicula).
Bệnh có đặc điểm sốt kéo dài, trên cơ thể người bệnh có vết loét do côn trùng đốt, phát ban dạng sẩn và viêm hạch. Bệnh có diễn tiến từ nhẹ đến nặng, có thể gây tử vong.
Hiện nay, sốt mò Rickettsia vẫn còn xuất hiện ở nước ta nhưng chẩn đoán rất dễ bị bỏ sót do không để ý đến yếu tố dịch tễ, không quan sát kỹ nốt loét, theo dõi biểu hiện lâm sàng nên rất dễ nhầm với các bệnh khác.
Sở Y tế Yên Bái khuyến cáo người dân khi đi vào vùng rừng núi có cây cối rậm rạp cần mặc quần áo chẽn gấu, chân quấn xà cạp, chân tay đi bít tất, đi giày, gài ống quần và ống tay áo trong bít tất, không phơi quần áo, đặt ba lô hay nằm trên cỏ.
Khi có triệu chứng sốt đột ngột, xuất huyết, mệt mỏi, đau người, phát ban, nổi hạch, cần quan sát và kiểm tra kỹ trên cơ thể xem có nốt đốt như mô tả ở trên thì nghĩ đến đây là tổn thương do mò đốt và nên đến các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận