06/12/2015 18:01 GMT+7

Một người Singapore tử tế

ĐOÀN CƯỜNG
ĐOÀN CƯỜNG

TT - 12g trưa, ông già Harold Chan (73 tuổi, quốc tịch Singapore) cùng các nhân viên của Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng lên lịch trình làm việc với các gia đình nạn nhân da cam và bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng.

Ông Harold Chan - Ảnh: Đ.Cường
Ông Harold Chan - Ảnh: Đ.Cường

Suốt năm ngày qua từ khi đặt chân đến Đà Nẵng, người đàn ông gầy gò, hai má tóp rọp ấy luôn bận rộn với công việc ở xứ người.

Anh có biết tôi ấn tượng nhất điều gì không? Đó là tất cả họ không từ bỏ hi vọng dù biết con, cháu họ bị chất độc da cam là vô phương cứu chữa

Ông HAROLD CHAN

Cú sốc... da cam

Sáng 29-11, Harold Chan có mặt tại Bệnh viện Đà Nẵng để trao hệ thống máy chụp cộng hưởng từ MRI trị giá 1,5 triệu USD do ông tài trợ từ số tiền tiết kiệm cả đời của mình. Hệ thống máy MRI này được sử dụng cho mục đích nhân đạo, khám, chẩn đoán và điều trị miễn phí cho các nạn nhân chất độc da cam và người nghèo bất hạnh tại Đà Nẵng. Sáng 30-11, Harold Chan tiếp tục có buổi làm việc với các bác sĩ của Bệnh viện Đà Nẵng về việc vận hành, khám sàng lọc để chuẩn bị việc chẩn đoán, điều trị những nạn nhân da cam đầu tiên.

Nếu ai đó đi trên đường phố Đà Nẵng vô tình gặp ông lão Harold Chan, hẳn sẽ chẳng ai nghĩ người đàn ông có dáng nhỏ thó, vẻ khắc khổ, lùi xùi này lại là người đã “tặng” mấy chục tỉ đồng để giúp đỡ nạn nhân da cam ở VN.

Câu chuyện đưa ông già người Singapore đến với Đà Nẵng cũng thật tình cờ. Nhưng ông nói rằng đó là cái “duyên”. Khoảng sáu tháng trước vô tình xem truyền hình, Harold Chan thấy hình ảnh một đất nước Việt Nam đổi mới sau chiến tranh. Nhưng rồi liền đó đập vào mắt ông là hình ảnh những trẻ da cam quằn quại trong đau đớn, những khuôn mặt đột biến, kỳ dị.

“Tôi đã đi nhiều nước từ Mỹ đến châu Âu... nhưng chưa từng thấy những hình ảnh khủng khiếp như ở Việt Nam. Dường như Việt Nam là duy nhất. Tôi chỉ có thể thốt lên một từ là: sốc” - Harold Chan cầm tấm hình chụp nạn nhân da cam lên vừa nói vừa minh họa. Gương mặt những đứa trẻ bị dioxin hủy hoại, bị tàn tật, dị biệt cứ ám ảnh mãi trong đầu Harold Chan. Nhiều đêm ròng ông không thể nhắm mắt ngủ khi những hình ảnh đó cứ chờn vờn trong đầu rồi chính nó thôi thúc ông đến với mảnh đất hình chữ S.

Harold Chan lên Internet để tìm hiểu về Việt Nam, những điểm nóng da cam ở đất nước này. Ông tìm được địa chỉ web của Hội Nạn nhân chất độc da cam và ông vỡ vạc ra nhiều điều. “Tôi biết Đà Nẵng là một điểm nóng và muốn đến đây dù tôi chẳng quen ai”- Harold Chan chân tình nói. “Vậy ông đã mất bao lâu mới quyết định đến Đà Nẵng?” - chúng tôi hỏi. Ông trả lời: “Ngay lập tức”. Đó là một ngày cuối tháng 4-2015.

“Tôi cúi đầu, gọi họ là anh hùng”

Một buổi sáng thứ bảy, bà Nguyễn Thị Hiền - chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam - vừa bước chân ra khỏi hội để đến bệnh viện khám bệnh thì nhận được điện thoại của nhân viên nói có một vị khách du lịch đến thăm. Bà Hiền bỏ dở việc khám bệnh để về trụ sở. Vị khách đó là Harold Chan. “Gặp Harold Chan lần đầu, nhìn ông quá giản dị và có phần khắc khổ” - bà Hiền nhớ lại. Ngay khi đến Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng, Harold Chan đã được hội cho xem những hình ảnh thương tâm về trẻ da cam nhưng ông vẫn muốn đi đến từng nhà, bởi ông muốn kiểm chứng những lời bà Hiền nói có đúng không. “Chúng tôi bỏ ra nhiều ngày để đưa Harold Chan đến nhà các nạn nhân da cam ở Hòa Vang, Cẩm Lệ... dù ông chỉ nói mình là một khách du lịch” - bà Hiền kể.

Ngay buổi trưa hôm đó, Harold Chan đề nghị bà Hiền trực tiếp đưa ông lên Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam tại xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng). Chưa dừng lại ở đó, ông còn muốn đến 10 gia đình nạn nhân da cam để xem họ đang sống như thế nào. Ông được đưa đến gia đình nạn nhân da cam Hoàng Thị Thê ở Cẩm Lệ, có chồng nhiễm dioxin đã mất và bà đang nuôi hai đứa con cũng bị chất độc da cam. Đứng trước người phụ nữ ấy, Harold Chan chỉ biết cúi đầu. Rồi ông được đưa đến gặp gia đình ông Dấn ở Hòa Nhơn có hai đứa cháu nội, ngoại thì cả hai đều bị nhiễm dioxin, liệt toàn thân. “Anh có biết tôi ấn tượng nhất điều gì không? Đó là tất cả họ không từ bỏ hi vọng dù biết con, cháu mình bị chất độc da cam là vô phương cứu chữa. Ngày đứa con sinh ra không còn là ngày bình thường với họ nữa. 24 giờ mỗi ngày, họ vẫn bên những con cháu bị dị tật. Tôi chỉ biết cúi đầu mà gọi họ là anh hùng” - Harold Chan vừa hỏi rồi tự trả lời câu hỏi của mình.

Hành trình của ông già Singapore chưa dừng lại ở đó, ông còn được Hội Nạn nhân chất độc da cam đưa lên xã Hòa Bắc xa xôi của Đà Nẵng để dự một buổi lễ bàn giao nhà tình thương cho nạn nhân da cam. Tất nhiên, bỏ ra nhiều ngày lặn lội khắp vùng ven đô ở Đà Nẵng không phải là để đi du lịch như ông giới thiệu. Ngay bà Nguyễn Thị Hiền cũng không rõ dụng ý của ông là gì, bởi bà chỉ nghĩ có trách nhiệm giới thiệu cho một người nước ngoài biết thực tế nỗi đau da cam ở Đà Nẵng.

Sau những chuyến đi thực tế ấy, Harold Chan gặp lại bà Hiền và nghe bà trình bày về việc nuôi dạy 150 trẻ da cam chủ yếu dựa vào sự tự vận động của hội. Harold Chan được bà Hiền mời dự một chương trình truyền hình trực tiếp về trẻ da cam dịp 1-6 tại Đà Nẵng. Ông đã hủy vé máy bay về Singapore để ở lại tham dự chương trình. Trong buổi truyền hình đó, Harold Chan có hành động đầu tiên là hỗ trợ mỗi năm 720 triệu đồng cho trẻ em da cam Đà Nẵng. “Đến lúc đó tôi mới hiểu vì sao Harold Chan kỹ càng, tỉ mỉ đi thực tế từng gia đình nạn nhân, đến các cơ sở, gặp gỡ, trao đổi vì ông muốn những đồng tiền đó đi đến đúng mục đích và đúng địa chỉ” - bà Hiền chia sẻ.

Hệ thống máy chụp cộng hưởng từ MRI trị giá 1,5 triệu USD mà ông Harold Chan tài trợ cho Đà Nẵng - Ảnh: Đoàn Cường
Hệ thống máy chụp cộng hưởng từ MRI trị giá 1,5 triệu USD mà ông Harold Chan tài trợ cho Đà Nẵng - Ảnh: Đoàn Cường

Ông bụt xứ Sing

Và sau những chuyến đi thị sát, Harold Chan nhận thấy rằng: “Mọi người ở đây chăm sóc cho nạn nhân chất độc da cam rất tốt. Nhưng điều đó là chưa đủ, họ thiếu máy móc, thiết bị hiện đại”. Harold Chan đã có nhiều cuộc trao đổi với bà Hiền và đến thăm Bệnh viện Đà Nẵng. Chứng kiến cảnh bệnh nhân quá tải phải xếp hàng dài chờ chụp máy, Harold Chan đi đến quyết định “sắm” hệ thống máy chụp cộng hưởng từ MRI trị giá 1,5 triệu USD để giúp các nạn nhân da cam, bệnh nhân nghèo, bất hạnh... có cơ hội điều trị tốt hơn. Bà Hiền còn tiết lộ thêm Harold Chan đang tài trợ xây dựng một khu nhà nội trú (rộng khoảng 100m2) để chăm sóc, phục hồi chức năng cho trẻ em da cam. Khu nhà này được đầu tư khoảng 1,3 tỉ đồng và sắp đưa vào hoạt động.

Gặp Harold Chan, dường như chỉ thấy ở ông sự nhiệt huyết với công việc mình làm. Khi hỏi về gia đình, cuộc sống của mình, người đàn ông này thường từ chối khéo và không muốn nói nhiều vì ông cho rằng điều đó không đáng kể. Harold Chan cho biết trước đây ông làm cho hãng máy tính nổi tiếng IBM và sau đó lập công ty riêng tại Singapore. Ông không thừa nhận mình giàu có mà chỉ nói rằng mình có nhiều may mắn khi vợ và cô con gái đều khỏe mạnh. “Tôi muốn dùng số tiền tiết kiệm của mình để làm một việc hữu ích cho những người thật sự đang cần” - Harold Chan cho biết.

Nói về những tình cảm của mình dành cho nạn nhân da cam Đà Nẵng, Harold Chan chia sẻ: “Tôi muốn họ được tiếp cận với những kỹ thuật điều trị hiện đại. Mặt khác, tôi cũng mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam hãy cùng giúp đỡ nạn nhân da cam. Tôi nghĩ đây không chỉ là vấn đề nhân đạo của một Đà Nẵng hay một Việt Nam mà là của cả nhân loại này”.

ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên