Ông Phan Ngọc Thanh - Ảnh: Lâm Thiên |
Ông là Phan Ngọc Thanh (88 tuổi, xã Xuân Trường, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng).
Ông bị viêm tuyến tiền liệt, bác sĩ yêu cầu mổ nhưng ông xin về nhà uống thuốc chứ không mổ. Ông cho biết gia đình ông là gia đình liệt sĩ, ông là thương binh nên mọi chi phí Nhà nước lo hết nhưng ông tủi thân vì không có ai chăm lo cho mình trong những ngày nằm viện.
Không được lấy của ai bất kỳ cái gì
Hằng tháng, khi đón xe lên Đà Lạt, ông thường ghé vào tiệm thuốc tây mua thuốc về uống. Đầu năm nay, trong một lần mua thuốc tại cửa hàng quen, ông được người ta bán dư số thuốc hơn thường lệ. Về nhà, ông chỉ uống đúng phần mình định mua, số thuốc dư còn lại ông sốt ruột đợi từng ngày tết qua nhanh, tiệm thuốc mở cửa để mang trả lại.
“Họ bán cho bố (ông vẫn thường xưng bố mỗi lúc đến văn phòng đóng góp tiền từ thiện) một bịch thuốc lớn nhưng chỉ lấy bấy nhiêu tiền như mọi khi. Bố nghĩ họ bán dư cho bố rồi. Họ nhầm thì mình nên giúp họ chứ đừng lấy của họ con ạ”.
Ông Thanh kể thêm khi gia đình ông chuyển từ Đà Nẵng vào Đà Lạt những năm 1940, nhà ông rất khổ, không có cơm ăn. Mọi người xung quanh giúp đỡ từng lon gạo, viên thuốc... “Khi mẹ bố bệnh, trong nhà không có một đồng, bà con cho từng viên thuốc để uống, bó rau để ăn. Giờ mình cho thì cho chứ không được lấy bất kỳ cái gì của ai. Người ta sẽ trách mình con ạ. Như vậy không được đâu” - ông nói.
Mạnh thường quân “nhà nghèo”
Nhà ông Thanh nằm sau chợ Cầu Đất (xã Xuân Trường, cách TP Đà Lạt chừng 30km). Đó là căn nhà gỗ cũ kỹ, bốn bên vách ván đã mục nát. Trước cửa nhà ông có một cái chuông nhỏ bằng đồng. Mỗi khi có ai vào nhà nó lại kêu leng keng. Thế là ông biết có người đến chơi với mình.
Bước vào trong nhà, nhìn quanh, gọi mãi nhưng chẳng thấy ông đâu, mọi người đi về phía bếp thì có một phòng ngủ. Ở đó không gian tối và rất im lặng, ông nằm bất động trên chiếc giường nhỏ, sốt mê man. Sau một lúc lâu ông mới mở mắt ra được. Thấy chúng tôi, cố gượng dậy, ông cho biết mình đã bệnh gần một tuần nay, không ăn uống gì được. Ông sống một mình kể từ khi vợ mất. “Bà ấy đi năm 2000. Đó là tấm ảnh duy nhất của bà ấy” - ông kể, tay chỉ tấm di ảnh người vợ được đặt ngay đầu giường.
“Lúc hai vợ chồng nằm ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM bố không có tiền. Mỗi ngày bố đi xin cơm từ thiện để hai vợ chồng ăn. Mọi người thấy thương nên giúp đỡ. Người cho tiền, người cho sữa, cho gạo” - ông Thanh hồi tưởng thời nuôi vợ ở bệnh viện.
Sau chín tháng điều trị, vợ ông mất vì ung thư. Ngày ông đưa bà về nhà, mọi người trong bệnh viện lại chung tay mỗi người một ít tiền để ông lo hậu sự cho vợ. Lúc đó ông chỉ biết khóc vì xúc động. “Người dưng nhưng sao họ tốt với mình quá. Ơn nghĩa đó không biết làm sao để báo đáp” - ông nói.
Và rồi ông nguyện với lòng sẽ giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ như mình khi xưa. Ông quyết định dành dụm lương hưu, lặn lội mang đến báo Tuổi Trẻ nhờ chuyển số tiền ấy cho các bệnh nhân Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.
Ngồi bên di ảnh vợ, ông Thanh nói: “Mình gần đất xa trời rồi, mai mốt cũng sẽ mất đi nên làm được gì cho mọi người thì làm. Bây giờ sống nên cho hết đi để sau này ra đi thanh thản”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận