Lập hàng trăm công ty trong hơn 3 tháng
Ngày 19-6, Chi cục Thuế Q.6 đã có văn bản cảnh báo gửi Cục Thuế TP.HCM và các chi cục thuế trên địa bàn TP.HCM.
Tại văn bản này, Chi cục Thuế Q.6 cho biết qua rà soát thông tin đăng ký doanh nghiệp (DN) của người đại diện pháp luật và tra cứu dữ liệu người nộp thuế trên ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS) đã phát hiện bà Nguyễn Thị Hương (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) đang làm đại diện pháp luật cho 116 công ty trên địa bàn TP.HCM. Trong đó, có 5 công ty đặt tại Q.6.
Trong số 5 công ty này, có 2 công ty đăng ký ngành nghề bán buôn đồ dùng gia đình đóng tại 337D Hậu Giang, P.5, Q.6. Một công ty đăng ký ngành nghề bán buôn thực phẩm có trụ sở trên đường Lê Trực, P.1, Q.6.
Hai công ty còn lại có một công ty đăng ký ngành nghề gia công cơ khí, xử lý và tráng phủ kim loại. Còn một công ty đăng ký ngành nghề sản xuất sắt, thép, gang.
Chi cục Thuế Q.6 cho biết đã kết hợp với UBND phường kiểm tra xác minh thực tế trụ sở của 5 công ty trên địa bàn quận này. Kết quả cho thấy 5 công ty đều không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh.
Căn cứ biên bản xác minh tình trạng hoạt động của người nộp thuế tại địa chỉ đăng ký, Chi cục Thuế Q.6 đã phát hành các thông báo về việc người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký với cơ quan thuế với cả 5 công ty trên.
Sau đó, Chi cục Thuế Q.6 rà soát thông tin đăng ký DN của người đại diện pháp luật và tra cứu dữ liệu trên hệ thống quản lý thuế đã phát hiện bà Nguyễn Thị Hương dùng căn cước công dân (CCCD) được cấp năm 2022 để đăng ký thành lập 116 công ty.
"Nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về thuế, vi phạm về hóa đơn của các tổ chức và cá nhân nêu trên, Chi cục Thuế Q.6 báo cáo Cục Thuế TP.HCM và thông báo đến các chi cục thuế có liên quan để phối hợp kiểm soát các DN rủi ro nêu trên" - văn bản cảnh báo của Chi cục Thuế Q.6 gửi các chi cục thuế nêu.
Lỗ hổng trong cấp phép đăng ký kinh doanh
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tiến Dũng - cục phó Cục Thuế TP.HCM - cho biết 116 DN này hầu hết là mới thành lập từ tháng 12-2023 đến tháng 3-2024.
"Chỉ trong vòng 3 - 4 tháng, cá nhân này liên tục thành lập hàng trăm DN. Khi thấy hiện tượng bất thường trên, các chi cục thuế đã mời đại diện DN lên để tuyên truyền nhưng chủ DN không lên. Sau đó khi cơ quan thuế đi kiểm tra thì các DN đều không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, có nơi địa chỉ không có thật", ông Nguyễn Tiến Dũng nói.
Về hóa đơn, sau khi DN thành lập, để được sử dụng hóa đơn điện tử, cơ quan thuế yêu cầu chủ DN phải hiện diện để đối chiếu CCCD. "Một mặt vừa là phổ biến chính sách pháp luật về thuế nhưng một mặt cũng là để nhận diện, nắm bắt, nhất là với những DN nhỏ.
Vì chủ DN chưa lên làm việc, khi kiểm tra DN lại không ở địa chỉ kinh doanh nên những DN này chưa được cấp phép sử dụng hóa đơn điện tử, cũng chưa phát sinh hoạt động kinh doanh", ông Dũng cho biết.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Thức, chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH Đại lý thuế BCTC, cho rằng qua sự việc trên cho thấy có lỗ hổng rất lớn trong cấp phép đăng ký kinh doanh.
"Vì sao trong thời gian ngắn, một cá nhân có thể dùng một CCCD để lập đến 116 công ty mà Sở Kế hoạch và Đầu tư không phát hiện và có biện pháp ngăn chặn, nhất là khi cơ quan thuế từng có văn bản cảnh báo.
Việc cấp phép thành lập DN nên có sự rà soát ngay từ khâu đăng ký, thủ tục có thể chậm một chút nhưng chắc còn hơn "thả gà ra đuổi". Thời gian qua vấn nạn thành lập DN ma sau đó mua bán hóa đơn, chiếm đoạt tiền hoàn thuế đã quá nhức nhối", ông Thức nói.
Đáng lưu ý 116 công ty này đều đăng ký tại TP.HCM và do người Việt Nam đăng ký thành lập nhưng lại với tên nước ngoài và do chi cục thuế quận huyện quản lý. Luật sư Trần Xoa, giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, cho rằng ngay từ đầu chủ DN đã "có ý đồ" khi lập hàng trăm DN và đặt tên nước ngoài như vậy.
Luật sư Trần Xoa cho rằng thời gian qua cơ quan thuế đã áp dụng nhiều biện pháp để bịt lỗ hổng lập DN ma nhằm mua bán hóa đơn bằng cách mời chủ DN lên để nhận diện chủ DN, có trường hợp còn kiểm tra trụ sở làm việc theo đăng ký kinh doanh… trước khi cấp phép sử dụng hóa đơn điện tử.
Tuy nhiên, để chống gian lận thuế, cần sự phối hợp của nhiều cơ quan, trong đó có đơn vị cấp phép là Sở Kế hoạch và Đầu tư, chứ một mình cơ quan thuế sẽ khó lòng làm nổi.
Chặn mua bán hóa đơn khống từ khâu đăng ký kinh doanh
Theo thông tin của Tuổi Trẻ, trước hàng loạt vi phạm về hóa đơn vừa qua, mới đây Tổng cục Thuế đã đề xuất hàng loạt biện pháp nhằm giảm thiểu và ngăn chặn.
Những đề xuất chính bao gồm:
1. Cung cấp thông tin về cá nhân và DN vi phạm cho Cục Quản lý đăng ký kinh doanh để cập nhật vào danh sách cảnh báo.
2. Yêu cầu cơ quan đăng ký kinh doanh kiểm tra kỹ lưỡng hồ sơ đăng ký DN mới và thay đổi nội dung đăng ký.
3. Đề xuất sửa đổi luật để cá nhân chỉ được thành lập DN mới sau khi hoàn thành nghĩa vụ thuế của DN cũ không còn hoạt động.
4. Đồng bộ hóa và xác thực thông tin định danh cá nhân của những người tham gia thành lập và quản lý DN.
5. Đề nghị rút ngắn thời gian thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN đối với các DN không còn hoạt động từ 1 năm xuống còn 90 ngày.
Lập doanh nghiệp mới tại nhiều quận
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, cá nhân này mở doanh nghiệp với tốc độ rất nhanh. Vào thời điểm tháng 3, Chi cục Thuế Q.10 phát hiện bà Nguyễn Thị Hương đứng đại diện pháp luật 89 DN. Khi đó, Chi cục Thuế Q.10 đã báo cáo Cục Thuế TP.HCM và gửi văn bản cho cơ quan công an. Tuy nhiên, đến tháng 6 con số này đã tăng lên 116 DN.
116 công ty do bà Nguyễn Thị Hương làm đại diện pháp luật trải đều các quận huyện tại TP.HCM. Trong đó tập trung nhiều nhất tại quận Tân Bình với 22 DN, tiếp theo là quận Tân Phú với 15 DN.
Tại Chi cục Thuế TP Thủ Đức, bà Nguyễn Thị Hương làm đại diện pháp luật 11 DN. Trong khi tại Chi cục Thuế Q.10 và Chi cục Thuế khu vực Q.7 - Nhà Bè, bà Nguyễn Thị Hương thành lập 10 DN, Q.5 có 9 DN.
Còn tại chi cục thuế Q.1, Q.3, Q.4, Q.6, Q.8, Q.11, Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, khu vực Q.12 - Hóc Môn, cá nhân này đứng đại diện từ 2 - 5 DN.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận