Từ năm 2018 đến nay, ông T.V.N. (hẻm 479, quốc lộ 13, KP 3, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, TP.HCM) đã nhiều lần nộp hồ sơ tách thửa và nhiều lần bị trả về, chỉnh sửa, bổ sung theo hướng dẫn mà vẫn chưa xong.
5 năm nộp - trả hồ sơ tách thửa
Theo hồ sơ, năm 1999 cha mẹ ông N. mua thửa đất hơn 800m2 tại hẻm 479, gồm gần 700m2 là đất ở đô thị, còn lại là đất trồng cây lâu năm. Cha mẹ ông N. cất căn nhà ba tầng để gia đình ở và dãy phòng trọ (13 căn) cho thuê.
Thửa đất gia đình ông N. tiếp giáp hai mặt hẻm. Mặt phía bắc rộng 22m giáp hẻm 479, mặt phía tây rộng khoảng 37m giáp hẻm nối ra đường Đinh Thị Thi.
Tháng 8-2018, ba ông N. qua đời. Ông N. thay gia đình làm thủ tục tách thửa đất thừa kế cho mẹ và năm anh em ông.
Tháng 10-2018, ông N. nộp hồ sơ vào Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận Thủ Đức (cũ) xin tách thửa đất thành tám thửa có mặt tiền theo hẻm đất phía tây. Trong tháng 10-2018, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Lê Xuân Tùng có văn bản trả hồ sơ (số 3788) nêu lý do hẻm phía tây là hẻm đất, rộng 2,1 - 3,1m, chưa đảm bảo lộ giới và hạ tầng kỹ thuật.
Theo hướng dẫn, đầu tháng 12-2018 ông N. phá dỡ dãy nhà trọ 13 căn kề hẻm phía tây thửa đất để lùi vào khoảng 1,3m bề rộng, hiến đất mở rộng hẻm (lộ giới hẻm là 4,5m). Sau vài lần điều chỉnh hồ sơ bản vẽ và vướng dịch Covid-19 đợt đầu giãn cách nên đến cuối năm 2019 ông N. nộp hồ sơ tách thửa lần 2.
Tuy nhiên đến ngày 7-2-2020, ông Lê Xuân Tùng lại có văn bản trả hồ sơ với lý do hiện trạng hẻm phía tây là đường đất, chưa đảm bảo hạ tầng kỹ thuật. Đồng thời yêu cầu ông N. mở rộng phần hẻm phía bắc có lộ giới quy hoạch là 6m. Từ đó, ông N. đã lùi phần đất vào gần 1m dọc hẻm phía bắc và nâng cấp hẻm phía tây.
Sau khi thực hiện xong, ông N. nộp hồ sơ tách thửa lần 3 vào cuối tháng 4-2020. Đến ngày 15-5-2020, ông Lê Xuân Tùng lại có văn bản từ chối với lý do tạm ngưng chờ kết luận mới của UBND quận Thủ Đức về điều kiện tách thửa.
"Tưởng đâu đã suôn sẻ rồi. Trả đi trả lại hoài tôi thiếu điều muốn khóc ròng...", ông N. trần tình.
"Không biết chờ tới bao giờ, quá mệt mỏi"
Theo hướng dẫn, tháng 10-2020, ông N. làm đơn xin chấp thuận chủ trương tự nguyện hiến đất mở rộng hẻm, đầu tư hạ tầng. Tuy nhiên, do vướng dịch Covid, giãn cách xã hội nên đến tháng 9-2021 ông N. mới được Phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức Nguyễn Hữu Anh Tứ (đầu năm 2021 đã có TP Thủ Đức) chấp thuận chủ trương bằng văn bản (số 6125) cho phép tự đầu tư hạ tầng kèm hiến đất mở rộng phần hẻm phía tây.
Tuy vậy, đến 23-2-2022 UBND TP Thủ Đức mới cấp giấy phép thi công hạ tầng hẻm cho ông N. sau hàng loạt chỉnh sửa hồ sơ.
Tháng 3-2022, hạ tầng hẻm đã hoàn tất nên ông N. nộp hồ sơ nghiệm thu. Tiếp tục vài lần chỉnh sửa đến tháng 3-2023 TP Thủ Đức mới có văn bản nghiệm thu.
Tiếp đó, ông N. nộp lại hồ sơ tách thửa đến Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Thủ Đức. Tuy nhiên, cán bộ kiểm tra hiện trạng thì thấy trên đất đang có nhà ba tầng gia đình ông đang ở trong khi bản vẽ thì thể hiện đất trống nên đã có văn bản trả hồ sơ (ngày 18-7-2023), trong đó có hướng dẫn ông N. điều chỉnh cho đúng bản vẽ. Đồng thời ông N. phải bổ sung thêm quyết định thu hồi đất hẻm đã hiến.
Từ đó, ông N. đã phải tự đập bỏ căn nhà trên đất và gia đình ông phải đi thuê nhà để ở.
"Trong khi việc thu hồi đất hiến mở rộng hẻm thuộc trách nhiệm của Phòng Tài nguyên - Môi trường TP Thủ Đức phải chủ động làm, được nêu rõ trong văn bản 6125 mà nay tôi vẫn phải làm đơn xin và chờ đợi lãnh đạo UBND TP Thủ Đức ký thu hồi.
Tính ra từ năm 2018, để tách thửa cho các thành viên mà gia đình tôi phải tháo dỡ 13 phòng trọ để hiến đất làm hẻm, đập bỏ căn nhà ba tầng, giá trị gần 70m2 đất hiến làm hẻm và chi phí đo vẽ, xây dựng... thì gia đình tôi tốn hơn 9 tỉ đồng. Nay lại tiếp tục chờ không biết đến bao giờ mới được tách thửa. Chúng tôi quá mệt mỏi...", ông N. than thở.
Chủ tịch UBND TP Thủ Đức:
Sẽ kiểm tra về hồ sơ tách thửa
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Tùng, chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho hay sẽ cho kiểm tra về hồ sơ tách thửa mà Tuổi Trẻ phản ánh.
Về nguyên nhân hồ sơ của người dân bị trả lại nhiều lần mặc dù đã làm theo hướng dẫn trước đó của mỗi lần trả, ông Nguyễn Hải Long, trưởng phòng tư vấn pháp lý Công ty Luật TNHH AGL, chỉ ra rằng do thời gian giải quyết thủ tục ngắn nên để đảm bảo không trễ ISO của cơ quan thì người phụ trách hồ sơ sẽ có tư tưởng hướng dẫn tạm thời để phát hành văn bản trả hồ sơ nhằm kịp đúng hạn ISO mặc dù có thể họ biết hướng dẫn này chưa giải quyết được toàn bộ gốc rễ của hồ sơ.
Ví dụ trả hồ sơ vì lý do hẻm đất hiện hữu chưa đảm bảo hạ tầng kỹ thuật nhưng thủ tục cụ thể làm sao để người dân hoàn thiện được điều kiện này thì không có hướng dẫn rõ, khiến người dân cứ nghĩ rằng tự mình mở hẻm đủ lộ giới là được, nhưng đến khi người dân mở hẻm đủ lộ giới xong lại tiếp tục vướng vì chưa có quyết định thu hồi đất của Nhà nước, hiện trạng trên đất không giống với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp...
Đồng thời, còn tồn tại tâm lý ở các đơn vị khác cho rằng việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai là nhiệm vụ của riêng ngành tài nguyên và môi trường. Thậm chí giữa văn phòng đăng ký đất đai và phòng tài nguyên và môi trường cấp huyện cũng còn khoảng cách do khác đơn vị quản lý.
Trong khi đó, thủ tục tách thửa cho người dân là thủ tục cần có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều đơn vị như tài nguyên, xây dựng, giao thông, quy hoạch... Việc phối hợp chưa thực sự rõ ràng khiến quy trình giải quyết thủ tục cho người dân không được đảm bảo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận