Một ngôi sao tĩnh lặng

PRIMO LEVI 11/03/2020 08:03 GMT+7

TTCT - Ngày xưa, ở một nơi nào đó trong vũ trụ ở rấ xa nơi đây, có một ngôi sao tĩnh lặng...

 

 Minh họa

Ngày xưa, ở một nơi nào đó trong vũ trụ ở rất xa nơi đây, có một ngôi sao tĩnh lặng, nó di chuyển tĩnh lặng trong sự mênh mông của bầu trời, bao quanh là một đám hành tinh tĩnh lặng mà chúng ta không có gì để báo cáo. Nó rất lớn và rất nóng, và khối lượng của nó thì khổng lồ: đây là lúc mà những khó khăn của một người đưa tin bắt đầu. Chúng ta đã viết “rất xa”, “lớn”, “nóng”, “khổng lồ”: nước Úc ở rất xa, con voi thì lớn và ngôi nhà thì lớn hơn, sáng nay tôi tắm nước nóng, ngọn Everest khổng lồ. Rõ ràng là có gì đó trong ngữ vựng của chúng ta đang không có tác dụng.

Nếu chuyện này phải được viết ra thì chúng ta phải có can đảm để loại bỏ toàn bộ các tính từ có xu hướng gây ra sự kinh ngạc: chúng sẽ có tác động ngược lại, làm nghèo nàn câu chuyện. Với một cuộc thảo luận về các vì sao, ngôn ngữ của chúng ta là không đủ và có vẻ buồn cười, như người ta lấy lông vũ đi cày. Nó là một thứ tiếng sinh ra cùng chúng ta, thích hợp để miêu tả những vật thể ít nhiều lớn và có tuổi thọ bằng với chúng ta; nó có kích thước của chúng ta, nó con người. Nó không vượt quá những gì mà các giác quan mách bảo. Cho đến cách đây hai hay ba trăm năm, nhỏ có nghĩa là con ghẻ; không có gì nhỏ hơn và vì thế không có gì để miêu tả nó. Biển và trời thì lớn, trên thực tế là lớn như nhau; lửa thì nóng. Mãi đến thế kỷ thứ 13 người ta mới cảm thấy cần đưa vào ngôn ngữ thường ngày một từ thích hợp để đếm những đối tượng có số lượng “rất” lớn, và với trí tưởng tượng ít ỏi, từ “triệu” được tạo ra. Một thời gian sau, với trí tưởng tượng càng ít ỏi hơn, “tỉ” được tạo ra, mà người ta còn không buồn cho nó một ý nghĩa chính xác, vì từ này ngày nay mang giá trị khác nhau ở các nước khác nhau.

Ngay cả với những so sánh hơn hẳn người ta cũng không đi được quá xa: một tòa nhà rất cao thì cao hơn bao nhiêu lần một tòa nhà cao? Chúng ta cũng không mong chờ được gì từ những so sánh hơn hẳn mang đầy tính ngụy trang, như “mênh mông” “khổng lồ” “phi thường”: để nói đến những thứ ta muốn nói ở đây, những tính từ ấy lạc quẻ một cách vô vọng, bởi ngôi sao mà chúng ta bắt đầu ở kia lớn gấp mười lần Mặt trời của chúng ta, và Mặt trời thì lớn và nặng gấp “nhiều” lần Trái đất, mà kích thước của Trái đất thì vốn đã lấn át kích thước của chúng ta đến mức chúng ta chỉ có thể thể hiện nó bằng một nỗ lực mãnh liệt của trí tưởng tượng. Tất nhiên là có thứ ngôn ngữ mảnh mai và thanh lịch của những con số, bảng chữ cái của những lũy thừa 10, nhưng đấy sẽ không phải là một câu chuyện theo nghĩa nó muốn là một câu chuyện; tức là, một ngụ ngôn đánh thức được những tiếng vọng, câu chuyện mà mỗi người chúng ta có thể cảm nhận được những phản chiếu xa xôi của chính mình và của loài người trong đó.

Ngôi sao tĩnh lặng này đáng lẽ không tĩnh lặng đến thế. Có lẽ nó quá lớn: trong tác động nguyên thủy xa xôi nơi mọi thứ được tạo ra, nó đã nhận được một di sản quá đòi hỏi. Hoặc có lẽ nó chứa trong mình một sự mất cân bằng hay một sự nhiễm trùng, như vẫn gặp với một số người. Thông thường, các ngôi sao sẽ âm thầm đốt cháy chất hydro vốn tạo nên chúng, hào phóng đãi năng lượng cho khoảng không, cho đến khi hư hao thành một sự mỏng manh đường hoàng và kết thúc sự nghiệp như những ngôi sao lùn trắng khiêm tốn. Song ngôi sao nói trên, khi hàng tỉ năm đã trôi qua kể từ khi nó ra đời và những ngôi sao đồng hành với nó đã bắt đầu cạn dần, không hài lòng với số phận của mình và trở nên bồn chồn - đến mức sự bồn chồn của nó trở nên rõ ràng ngay cả với những người “rất” xa và bị giới hạn trong một đời “rất” ngắn chúng ta.

Các nhà thiên văn học Ả Rập và Trung Hoa nhận thức được sự bồn chồn này. Các nhà thiên văn học châu Âu thì không: những người châu Âu ở thời kỳ đó, thời kỳ của đấu tranh, hết mực tin rằng thiên đường của các ngôi sao là bất biến, là hệ hình và vương quốc của sự bất biến, đến mức họ xem việc theo dõi những thay đổi là vô nghĩa và báng bổ. Không thể có, theo định nghĩa là không thể có sự thay đổi. 

Nhưng một nhà quan sát tận tụy người Ả Rập, chỉ được trang bị đôi mắt tinh tường, sự kiên nhẫn, sự khiêm nhường, và tình yêu với sự hiểu biết những công trình của Chúa, đã nhận ra rằng ngôi sao này, ngôi sao mà ông rất gắn bó, không phải là bất biến. Ông đã theo dõi ngôi sao trong 30 năm và nhận ra nó dao động giữa cường độ thứ tư và thứ sáu trong sáu cường độ được miêu tả nhiều thế kỷ trước bởi một người Hi Lạp cũng tận tụy như ông, và như ông, cũng tin rằng quan sát các ngôi sao là một con đường đưa người ta đi xa. Ông cảm thấy phần nào như thể đó là ngôi sao của mình: ông muốn đặt dấu ấn của mình lên nó, và trong ghi chép của mình ông gọi nó là al-Ludra, trong phương ngữ của ông có nghĩa là “kẻ thất thường”.

Al-Ludra dao động, nhưng không thường xuyên: không như một con lắc mà đúng hơn là như một người lưỡng lự giữa hai lựa chọn. Đôi khi nó hoàn tất chu kỳ của mình trong một năm, đôi khi trong hai năm, đôi khi trong năm năm, và không phải lúc nào nó cũng dừng lại ở độ sáng thứ sáu, độ sáng thấp nhất mà mắt người còn nhìn thấy được: có những lúc nó biến mất hoàn toàn. Ông đã đếm được bảy chu kỳ trước khi ông mất: ông sống thọ, nhưng cuộc đời của một con người thì luôn ngắn ngủi một cách đáng thương so với cuộc đời của một ngôi sao, ngay cả khi nó hành xử theo một cách làm khơi dậy những nghi ngờ về sự vĩnh hằng của nó.

Sau cái chết của nhà quan sát người Ả Rập, al-Ludra, tuy đã được trao cho một cái tên, vẫn không thu hút được nhiều sự quan tâm, vì có rất nhiều ngôi sao biến quang, và cũng vì, bắt đầu từ năm 1750, nó thu nhỏ thành một cái đốm, gần như chỉ nhìn thấy được qua những ống kính thiên văn tốt nhất lúc bấy giờ. 

Nhưng năm 1950 (và thông điệp bây giờ mới đến được với chúng ta), căn bệnh mà chắc hẳn đã gặm nhấm nó từ bên trong đã đạt đến một cơn khủng hoảng, và ở đây, lần thứ hai, câu chuyện của chúng ta đi vào một cơn khủng hoảng: giờ thất bại không phải là các tính từ nữa mà là các thực tế. Chúng ta vẫn chưa biết gì nhiều về sự chết đi sống lại đầy biến động của các ngôi sao: chúng ta biết rằng khá thường xuyên, một cái gì đó bùng lên trong cơ chế nguyên tử trong nhân của một ngôi sao và ngôi sao phát nổ, ở quy mô không phải hàng triệu hay hàng tỉ năm mà trong hằng giờ và hằng phút. Chúng ta biết những sự kiện ấy là thuộc hàng dữ dội nhất mà bầu trời nắm giữ; nhưng chúng ta chỉ hiểu - một cách đại khái - nó như thế nào, mà không hiểu vì sao. Chúng ta sẽ thỏa mãn với cái như thế nào.

Người quan sát nào, với sự bất hạnh của mình, vào ngày 19-10-1950, lúc mười giờ sáng theo giờ chúng ta, mà đứng trên một trong những hành tinh yên lặng của ngôi sao al-Ludra, sẽ thấy, “trước mắt anh ta” như người ta nói, vầng mặt trời dịu dàng của mình phình lên, không phải một chút mà là “rất nhiều” và sẽ không còn ở đó mà chứng kiến được lâu. Trong một phần tư giờ anh ta sẽ buộc phải tìm nơi trú ẩn trước cái nóng không thể chịu được - và điều này chúng ta có thể khẳng định độc lập với bất cứ giả thuyết nào về kích thước và hình dạng của người này, miễn là anh ta, như chúng ta, được tạo nên từ những nguyên tử và phân tử - và trong vòng nửa giờ lời chứng của anh ta, cùng với lời chứng của toàn bộ đồng loại của anh ta, sẽ chấm dứt.

Bởi thế, để hoàn thành câu chuyện này chúng ta phải dựa trên một lời chứng khác, lời chứng của những công cụ trên Trái đất của chúng ta, mà với những công cụ ấy, cái sự kiện kia, trong sự kinh hoàng nội tại của nó, xảy ra dưới một hình thức bị pha loãng đi “rất” nhiều, và ngoài ra còn bị chậm lại bởi hành trình dài đi qua địa hạt ánh sáng đã đưa tin tức đến với chúng ta. Sau một giờ, các đại dương và băng (nếu có) của hành tinh không còn yên lặng kia sẽ sôi lên; sau ba giờ, đất đá tan chảy và các ngọn núi đổ xuống các thung lũng với dạng dung nham. Sau mười giờ, toàn bộ hành tinh sẽ hóa thành hơi, cùng với mọi công trình tinh xảo và tinh tế mà sự lao động do tình cờ và cần thiết gộp lại, qua vô số lần thử sai, có lẽ đã tạo ra ở đó, cùng với mọi nhà thơ và nhà thông thái mà có lẽ cũng đã soi xét bầu trời ấy và tự hỏi giá trị của rất nhiều đốm sáng nhỏ trên kia là gì mà không thấy câu trả lời. Đó là câu trả lời.

Sau một ngày của chúng ta, bề mặt của ngôi sao đã chạm đến quỹ đạo của những hành tinh xa xôi nhất của nó, xâm chiếm bầu trời của chúng và cùng với phần còn lại của sự yên tĩnh của nó, lan rộng ra mọi hướng - một làn sóng năng lượng cuồn cuộn mang tin tức được tiết chế của thảm họa.

Ramón Escojido đã ba mươi tư tuổi và có hai đứa trẻ xinh xắn. Với vợ anh có một mối quan hệ phức tạp và căng thẳng: anh là người Peru và cô người gốc Áo, anh cô độc, khiêm tốn và lười biếng, cô tham vọng và háo hức tham gia vào đời sống xã hội. Nhưng đời sống xã hội nào bạn có thể mơ đến nếu bạn sống trong một đài thiên văn ở độ cao 920m, cách thành phố gần nhất một giờ bay và bốn trăm cây số cách một ngôi làng Anh Điêng, bụi bặm vào mùa hè và băng giá vào mùa đông? Judith yêu và ghét chồng mình, vào những ngày xen kẽ, đôi khi ngay cả trong cùng một khoảnh khắc. Cô ghét sự khôn ngoan của anh và bộ sưu tập vỏ ốc của anh; cô yêu cha của những đứa con của cô và người đàn ông nằm dưới những tấm chăn vào buổi sáng.

Họ đạt được một thỏa thuận mong manh vào những chuyến đi chơi cuối tuần. Đó là tối thứ sáu và họ đã sẵn sàng với niềm rộn ràng tíu tít cho chuyến du ngoạn hôm sau. Judith và bọn trẻ đang bận rộn sắp đồ; Ramón lên đài quan sát để chuẩn bị tấm kính ảnh đêm. Buổi sáng anh đã phải vật lộn để giải thoát mình khỏi bọn trẻ, chúng làm anh ngợp với những câu hỏi bâng quơ: Cái hồ ở bao xa? Nó có đóng băng không? Anh có nhớ cái bè cao su không? Anh vào phòng tối để rửa kính; anh sấy khô và đặt nó dưới tấm kính anh thực hiện bảy ngày trước. Anh xem xét cả hai dưới kính hiển vi: tốt, chúng giống hệt nhau; anh có thể rời đi trong yên bình. Nhưng rồi anh do dự và nhìn kỹ hơn, và nhận ra có một cái gì mới - không phải cái gì to tát, một cái đốm chỉ vừa nhận ra được, nhưng nó không xuất hiện trên tấm kính cũ. Khi cái gì như thế xuất hiện, một trăm lần thì chín mươi chín lần nó là một hạt bụi (người ta không thể nào quá sạch ở nơi làm việc), hoặc một khiếm khuyết cỡ hiển vi trong nhũ tương; nhưng cũng có xác suất rất nhỏ rằng nó là một tân tinh, và người ta phải làm báo cáo, phải được xác nhận. Tạm biệt cuộc du ngoạn: anh sẽ phải chụp lại tấm ảnh vào hai đêm tiếp theo. Anh sẽ nói gì với Judith và bọn trẻ? ■

Nguyễn Huy Hoàng (dịch từ bản tiếng Anh của Ann Goldstein)

Primo Levi sinh năm 1919 ở Turin, Ý. Là một nhà hóa học, ông bị bắt trong Thế chiến thứ 2 do tham gia phong trào kháng chiến chống phát xít và bị đưa đến Auschwitz năm 1944. Trải nghiệm trong trại tử thần và những chuyến đi đến Đông Âu sau này là chủ đề của những cuốn hồi ký, tiểu thuyết, truyện ngắn, tiểu luận và thơ của ông. Ông qua đời ở Turin năm 1987.

Với Một ngôi sao tĩnh lặng, Primo Levi cho thấy làm sao mà một câu chuyện giản dị về ngắm sao có thể trở thành một suy ngẫm về ngôn ngữ, trí tưởng tượng, và sự vô tận của vũ trụ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận