Lịch sử hiện đại của Việt Nam ghi dấu hai cuộc chiến tranh vệ quốc kéo dài hơn một thế kỉ, để lại không biết bao nhiêu đau thương cho cả dân tộc. Trong chiến tranh, người phụ nữ là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến, chịu đựng gian khổ, hi sinh tất thảy cho độc lập của dân tộc.
Hình ảnh phụ nữ Việt Nam chịu thương, chịu khó, nhẫn nhịn trên phim, phản ánh cái nhìn hiện thực của những người làm phim trong một giai đoạn lịch sử nhất định.
Đã có một thời, điện ảnh ca ngợi đức hi sinh của người phụ nữ như một giá trị đạo đức tốt đẹp. Ngày nay, xã hội Việt Nam vẫn coi trọng đức hi sinh của phụ nữ, dù nhiều người cũng bắt đầu hiểu ra "tấm huy chương nào cũng có hai mặt".
Phụ nữ, nguồn cảm hứng của phim ảnh
Suốt chiều dài lịch sử điện ảnh Việt Nam, nhân vật nữ luôn chiếm ưu thế. Sau khi làm công trình 101 phim Việt Nam hay nhất, tác giả Lê Hồng Lâm đưa ra nhận định: "Nền điện ảnh Việt Nam là một nền điện ảnh âm tính".
Trong bài viết Điện ảnh Việt 2017: Cứ phim "gái" là thắng?, cây viết phê bình phim trên báo chí này tổng kết: 10 phim ăn khách nhất thì hết 7 phim "gái".
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, nhà báo Lê Hồng Lâm diễn giải: "Xem lại hàng trăm bộ phim Việt trong suốt chiều dài hơn 7 thập niên, tôi có thể nhận thấy rõ một điều là điện ảnh VN luôn ở tình trạng “âm thịnh dương suy”, hay nói cách khác, đó là một nền điện ảnh “âm tính”. Điều này được thể hiện qua hình tượng các nhân vật nữ trong phim Việt luôn giữ vai trò chủ đạo và số phận của họ có chiều sâu, tạo được nhiều đồng cảm hơn với khán giả.
Từ chị Tư Hậu trong bộ phim cùng tên đến chị Dịu trong Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (đều qua diễn xuất của Trà Giang), từ chị Nết (Như Quỳnh) trong Đến hẹn lại lên đến chị Dậu (phim cùng tên) chị Duyên trong Bao giờ cho đến tháng Mười - đều với diễn xuất của Lê Vân - và một loạt những người phụ nữ khác trong thời chiến cũng như thời hậu chiến và cả trong thời hiện đại qua sự hóa thân của Minh Châu, Lê Vi, Hồng Ánh, Mai Hoa, Kiều Trinh… đều làm nên những hình tượng nhân vật nữ nổi bật của điện ảnh Việt
Họ mạnh mẽ, chịu thương chịu khó và luôn tìm cách vượt qua nghịch cảnh nhưng chính họ lại không dám vượt qua hoặc bị trói chặt bởi những định kiến và lễ giáo của một xã hội “trọng nam khinh nữ” trước đây hay sự bất lực và thiếu vắng nam tính trong những năm gần đây.
Nói như nhân vật Triệu (Lê Vi) trong bộ phim Giải hạn (1996) của đạo diễn Vũ Xuân Hưng: “Cả ở nhà, cả ở ngoài đời, không ở đâu tôi được sống như mình mong muốn cả”. Triệu là hình ảnh khá nổi bật về phụ nữ “kiểu mới”, không cam chịu cảnh “con rùa chui xó bếp” mà tự đứng lên đi tìm sự “giải hạn” cho mình.
Triệu phần nào giống như hình ảnh của một “start-up” đang thịnh hành ngày nay; nhưng chính cô, cuối cùng lại không dám vượt qua thành trì cuối cùng (định kiến của xã hội) để đón nhận hạnh phúc mà cô xứng đáng được hưởng..."
Hình ảnh người phụ nữ hiện đại trong phim "Em chưa 18" (trái) và "Chàng vợ của em"
Vì sao nữ giới lại trở thành nhân vật chính của điện ảnh Việt Nam? Dưới con mắt của một người sáng tác, biên kịch Trịnh Đan Phượng (biên kịch phim Lời thú nhận của Eva, Bà nội không ăn pizza, Chỉ có thể là yêu, 100 ngày bên em) lý giải:
"Bản chất nữ giới vốn phức tạp, sống động, khó nắm bắt nên khi chọn nhân vật chính là nữ, biên kịch dễ dàng tạo nên những câu chuyện nhiều xung đột, các bước ngoặt kịch tính.
Khi tôi viết kịch bản tôi nhận thấy phim truyền hình và điện ảnh Việt đến giờ vẫn loanh quanh với thể loại tâm lý, tình cảm, gia đình nên có nhiều đất cho nhân vật nữ.
Trong khi các thể loại hành động, chiến tranh, lịch sử, khoa học… là nơi có thể tìm kiếm và xây dựng mẫu nhân vật nam chính thú vị, mạnh mẽ thì lại chưa phổ biến.
Thị hiếu, tâm lý và thói quen xem phim của người Việt cũng cho thấy những bộ phim có nhân vật chính là nữ dễ thu hút khán giả và thành công hơn".
Biên kịch này cho biết chị nhận thấy các nhà sản xuất phim truyền hình có xu hướng xây dựng các nhân vật chính là nạn nhân, bị đầy đọa, cuộc đời ba chìm bảy nổi, sau đó bắt đầu vươn lên, đương đầu với số phận. Nhờ thế phim mới có kịch tính, mới lấy được nước mắt của khán giả. Với dạng phim này, nhân vật nữ luôn là lựa chọn phổ biến.
Tôi thường chọn các nhân vật nữ để gửi gắm sự dữ dội trong phim, bởi tôi nghiệm ra rằng: sự bạo động nữ tính dễ mang tính thẩm mỹ, trong lúc sự bạo động nam tính thường mang tính hung hăng.
Elia Suleiman, biên kịch, đạo diễn Palestine
Dễ nhận thấy những bộ phim truyền hình "hot" gần đây nhất là những phim về nữ giới. Hai phim Sống chung với mẹ chồng, Cả một đời ân oán khai thác triệt để xung đột "kinh điển" mẹ chồng - nàng dâu. Còn khai thác rất sâu "nghề" mại dâm và cơ thể phụ nữ.
Trailer Cả một đời ân oán phần 2
Thị thiếu khán giả đã thay đổi
Trong cuộc ra mắt cuốn 101 phim Việt Nam hay nhất, sau khi "chê" người phụ nữ trong phim ảnh Việt Nam nhẫn nhịn, chịu đựng đau khổ, thay vì tìm cách vượt thoát, tác giả Phương Mai đặt cho hai nữ đạo diễn tham gia cuộc trò chuyện là Nhuệ Giang và Nguyễn Hoàng Điệp một câu hỏi:
"Nếu làm phim tiếp theo, hai chị sẽ xây dựng hình ảnh phụ nữ Việt thế nào?".
Câu hỏi của Phương Mai không chỉ phản ánh quan điểm của chị, một người phụ nữ hiện đại, đầy chủ động trong cuộc sống, mà còn là câu hỏi thể hiện thị hiếu của khán giả hiện đại.
Hình ảnh người phụ nữ trong phim Cuộc đời của Yến (trái) và Người trở về
Không phải ngẫu nhiên mà khán giả ngày nay chê những bộ phim điện ảnh nhà nước sản xuất như Cuộc đời của Yến, Người trở về là cũ kĩ. Với những phim kể về một thời kì lịch sử, nếu làm không khéo, thế hệ khán giả mới rất có thể "đọc" sự hi sinh của những người phụ nữ trong hai bộ phim này là sự hi sinh mù quáng.
Hay hai bộ phim truyền hình mới nhất Sống chung với mẹ chồng, Quỳnh Búp bê dẫu có hấp dẫn, nhưng không được đánh giá cao bởi tận dụng tối đa bi kịch của phụ nữ để tạo kịch tính cho phim.
Phim Quỳnh Búp bê khai thác đời sống của các cô gái mại dâm - Ảnh: VTV
Nếu xem phim xong mà khán giả không thấy cảm thông hơn với thân phận của những cô gái làng chơi, hay cảm thấy biết cách gỡ rối mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu, tức là bộ phim mới chỉ phản ánh ở mức độ bề mặt, thiếu những tầng sâu suy nghĩ, và chất nhân văn để nâng bộ phim lên.
Trong khi đó, phim ảnh thế giới đang thay đổi rất mạnh mẽ về cách nhìn nhận nữ giới. Phụ nữ được giao những vai siêu anh hùng, được thể hiện sự mạnh mẽ cả về thể chất, lẫn tinh thần. Họ có điều kiện để thể hiện thế giới nội tâm phong phú thay vì chỉ khoe thân trên màn bạc.
Sally Hawkins, nữ chính trong bộ phim được trao giải Phim xuất sắc của Oscar 2018 The Shape of Water, không có dung mạo xinh đẹp, nhưng đã quyến rũ khán giả toàn cầu nhờ vai diễn độc đáo trong bộ phim này. Trong phim chị thủ vai một cô gái câm, đầy dũng cảm, có trái tim thuần khiết, sẵn sàng yêu thương một cá thể mà xã hội loài người coi là "quái vật".
Oscar 2018 vinh danh hai bộ phim Three Billboards Outside Ebbing (trái) và The Shape of Water. Hai bộ phim này xây dựng hình tượng người phụ nữ rất độc đáo.
Bộ phim Three Billboards Outside Ebbing, giành hai giải tại Oscar 2018 đáng ra là một bộ phim bi. Nhân vật nữ chính sống được nhờ động lực trả thù. Nhưng nhà làm phim đã hóa giải thù hận đó bằng sự buông tay của kẻ thù vừa chủ động, vừa ngẫu nhiên, khiến bộ phim thật cảm động, nhân văn, sâu sắc.
Hay hiện tượng của phim truyền hình châu Á năm 2018 Diên hy cung lược sở dĩ được khán giả châu Á thích đến vậy vì nhân vật nữ chính có nhiều phẩm chất của phụ nữ hiện đại. Tinh thần mạnh mẽ, quả cảm, trí tuệ thông minh của cô đã khiến khán giả có thể chịu đựng được cuộc sống tăm tối, cổ hủ ở chốn hậu cung.
Điện ảnh, truyền hình là phương tiện có ảnh hưởng sâu sắc đến cách con người nhìn nhận về thế giới. Việc xây dựng hình ảnh nữ giới trong phim ít nhiều ảnh hưởng đến cách khán giả nghĩ về giới này. Câu hỏi: "Nếu làm phim mới, các chị sẽ xây dựng hình tượng phụ nữ thế nào?" của tác giả Phương Mai là một câu hỏi đáng suy nghĩ dành cho các nhà làm phim.
Không chỉ nữ đạo diễn mới quan tâm làm phim về các chị em, mà các nam đạo diễn cũng vậy. Hầu hết các bộ phim trong sự nghiệp của đạo diễn Thanh Vân là làm về nữ giới, phải kể tới: Chuyện tình ngõ hẹp, Đời cát, Người đàn bà mộng du…
Anh cho biết: "Để đi vào đời sống tinh thần, tôi nhạy cảm với sự đau khổ, run rẩy của người phụ nữ hơn. Tôi cảm thấy trái tim mình bắt được tần số của âm tính".
Nhà báo Lê Hồng Lâm thì chia sẻ: "Trong xã hội Việt Nam ngày nay, hình ảnh những người phụ nữ mạnh mẽ, tự “cởi trói” cho mình hình như chỉ tồn tại trong những bộ phim giải trí.
Còn với những bộ phim có hơi hướng nghệ thuật, các đạo diễn vẫn đang “đứng về phe nước mắt”, nơi mà mối quan tâm và sự đồng cảm của họ thường hướng đến những người phụ nữ, những thân phận chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội hay cùng lắm mới dừng lại ở sự thăm dò bản năng của nữ giới trong một vài bộ phim nghệ thuật, độc lập..."
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận