Với bề dày kinh nghiệm và sự am hiểu chính sách đối ngoại sau khi đã kinh qua các vị trí thượng nghị sĩ và phó tổng thống, ông Biden đã đắc cử và tuyên thệ nhậm chức ngày 20-1 năm ngoái với cam kết đánh bại COVID-19, hồi sinh kinh tế và khôi phục vị thế dẫn đầu thế giới của nước Mỹ. Sau một năm, dù chính sách của ông Biden phần nào cho các đồng minh và đối tác ở châu Á thấy sự nghiêm túc và tôn trọng từ Mỹ, nhưng vẫn còn các vấn đề chưa có lời giải cụ thể.
Thiếu đột phá
Giai đoạn đầu cầm quyền của ông Biden khá sôi nổi khi ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức, ông quyết định đưa nước Mỹ trở lại hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, tham gia Tổ chức Y tế thế giới, đảo ngược các quyết định của người tiền nhiệm Donald Trump. Ông cũng tiếp đón lãnh đạo Hàn Quốc, Nhật Bản tại Washington, gửi các bộ trưởng và Phó tổng thống Kamala Harris đến châu Á, tổ chức họp thượng đỉnh với Nhật Bản, Ấn Độ, Úc trong Bộ tứ kim cương QUAD.
Việc tập hợp QUAD, không chỉ nhằm kiềm chế Trung Quốc mà còn tập trung cho các ưu tiên khác như phân phối vắc xin, được coi là một trong những thành tựu quan trọng nhất của ông Biden trong năm đầu tiên.
Theo giới quan sát, các chính sách của ông Biden chủ yếu chỉ kế thừa của người tiền nhiệm. Hai bài phát biểu quan trọng của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin vào tháng 7-2021 và Phó tổng thống Harris vào tháng 8-2021 tại Singapore có cùng thông điệp nước Mỹ sẽ giữ cam kết lâu dài tại khu vực.
Trên tạp chí Foreign Policy, nhà phân tích James Crabtree của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế châu Á bình luận các chính sách mà Mỹ theo đuổi tại châu Á trong năm qua đều chưa thật rành mạch và suôn sẻ.
Đối với Trung Quốc, theo định hướng "cạnh tranh trong khuôn khổ an toàn" như cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã nêu, Washington hầu như tránh cạnh tranh trực tiếp nhưng vẫn "mập mờ" với khái niệm "đối phó" với Trung Quốc.
Trong khi đó, việc tập trung các đồng minh của Mỹ đã không mấy suôn sẻ khi thỏa thuận AUKUS với Úc và Anh đã khiến Washington làm mất lòng đồng minh quan trọng là Pháp. Điều này cũng khiến những nước đứng giữa ở Đông Nam Á thêm bất an. "Tình hình khá yên bình tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có vẻ như là một thành công (với Mỹ)", ông Crabtree nhận định.
Với quan điểm tương tự, chuyên gia về chính sách châu Á và an ninh quốc gia Mỹ Van Jackson cho rằng dù không bốc đồng và thất thường như chính quyền tiền nhiệm, song sự thiếu mạch lạc và "mập mờ" với Trung Quốc khiến chính sách của chính quyền ông Biden tại khu vực khó có đột phá.
Chờ chiến lược kinh tế cụ thể
Những gì xảy ra trong năm qua, như sự rút quân nhiều hỗn loạn của Mỹ tại Afghanistan, phần nào cho thấy Washington không thể là "giải pháp cho mọi vấn đề" như nhận định của ông Andrew Oros, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Washington. Chuyên gia này cho rằng Mỹ cần phải xác định ưu tiên chiến lược trong năm 2022.
Cách tiếp cận châu Á của Washington đến nay vẫn là ưu tiên về quân sự. Nhưng theo giới phân tích, vấn đề của Mỹ tại khu vực còn đến từ khoảng cách giữa sức mạnh quân sự và ảnh hưởng kinh tế.
"Chính quyền ông Biden đang xây dựng một chính sách kinh tế mới nhằm thúc đẩy sự can dự ở châu Á, dù chưa làm gì nhiều để đạt được điều đó. Dù vậy, Mỹ cũng đang phải tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong khi giải quyết khủng hoảng về chuỗi cung ứng", ông Crabtree nói.
Hãng tin Kyodo News dẫn lời chuyên gia kinh tế Matthew Goodman tại Trung tâm Chiến lược và nghiên cứu quốc tế cho rằng Mỹ cần hiện thực hóa khuôn khổ kinh tế tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
"Chính quyền Mỹ cần bắt đầu phát triển và công bố chiến lược kinh tế cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với cốt lõi là chương trình nghị sự thương mại chủ động", cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius cũng đã nêu quan điểm tương tự trong một bài viết chung trên trang The Hill cuối năm 2021.
Theo giới chuyên gia, chính sách đối ngoại của Mỹ trong năm 2022 sẽ còn phụ thuộc vào các yếu tố như dịch COVID-19, các vấn đề liên quan chuỗi cung ứng, lạm phát và những biến động trong chính trị Mỹ.
"Khi chính quyền của ông Biden bước vào năm thứ hai, có nhiều câu hỏi hơn là đáp án cho việc "cạnh tranh trong khuôn khổ an toàn" với Trung Quốc nghĩa là gì, và cam kết mạnh mẽ hơn với các đồng minh, đối tác đem lại điều gì", ông James Crabtree bình luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận