Một nữ độc giả Pháp đọc tạp chí Charlie Hebdo - Ảnh: DPA/AFP |
Sau vụ "tắm máu" khiến bảy nhà báo, hai cảnh sát và hai người khác thiệt mạng ở Paris một năm trước, Charlie Hebdo trở thành một trong những tờ báo nổi tiếng toàn thế giới, được đánh giá là biểu tượng của tự do ngôn luận. Số ra đầu tiên một tuần sau cuộc tấn công đã bán được tới 7,5 triệu bản.
Tuy nhiên những người còn ở lại với Charlie Hebdo cảm thấy rất cô độc trong cuộc chiến bảo vệ tự do ngôn luận trước mối đe dọa khủng bố - theo giám đốc tài chính Eric Portheault. Ông là người thoát chết bằng cách chui xuống gầm bàn khi hai tay súng cực đoan xông vào tòa soạn.
“Chúng tôi rất đơn độc. Chúng tôi hi vọng những báo khác cũng sẽ đăng hình biếm họa nhưng không ai muốn đi cùng chúng tôi bởi việc đó quá nguy hiểm. Làm việc này có thể nguy hiểm tính mạng” - AFP dẫn lời ông Portheault.
Trên thực tế, trước vụ tấn công khủng bố Charlie Hebdo sắp phải đóng cửa vì số phát hành giảm xuống dưới 30.000 bản. Thương hiệu hài châm biếm đầy khiêu khích của Charlie Hebdo bị xem là hết thời.
Hầu như chẳng ai biết các nhà báo của Charlie Hebdo được cảnh sát bảo vệ thường xuyên sau khi tạp chí đăng hình biếm họa nhà tiên tri Hồi giáo Mohammed năm 2006.
Con đường gập ghềnh
Bất chấp mối đe dọa đó, ít ai có thể tưởng tượng ra vụ thảm sát do anh em cực đoan Said và Cherif Kouachi thực hiện một năm trước.
Vụ tấn công do Al-Qaeda trên bán đảo Ả Rập (AQAP) tổ chức đã cướp đi sinh mạng của những họa sĩ biếm hàng đầu của Charlie Hebdo như Charb, Cabu và Wolinski khiến cả thế giới kinh hoàng.
Sau đó, cả nước Pháp bày tỏ sự ủng hộ đối với Charlie Hebdo. Rất nhiều người quyên góp tiền bạc cho tạp chí, hơn 200.000 người đăng ký mua báo thường xuyên.
Và bất chấp việc mất đi các nhân sự chủ chốt, Charlie Hebdo tiếp tục hoạt động, xuất bản ấn bản 16 trang mỗi thứ tư hàng tuần, châm biếm tất cả các tôn giáo và chính trị gia trên thế giới.
Tuy nhiên quãng thời gian vừa qua là vô cùng khó khăn với các nhà báo đã thoát chết như họa sĩ biếm Laurent Sourisseau, bút danh Riss.
Dù bị thương nặng, ông Riss, 49 tuổi, đã lên nắm quyền quản lý tạp chí. Nhưng nhiều nhân sự không hài lòng với ban lãnh đạo mới và đòi hỏi việc quản lý các khoản quyên góp minh bạch hơn.
Sau khi mâu thuẫn này được giải quyết thì họa sĩ biếm hàng đầu của Charlie Hebdo là Luz quyết định thôi việc vì vẫn còn bị ám ảnh với vụ thảm sát.
“Những người đã ra đi để lại khoảng trống khổng lồ. Những người khác không muốn hợp tác với chúng tôi vì quá nguy hiểm” - ông Portheault giải thích.
Địa chỉ bí mật
Hiện 20 nhân sự còn lại của Charlie Hebdo đã đến làm việc tại một tòa soạn bí mật, địa chỉ được giữ kín. Bất chấp mối nguy hiểm, các thành viên của tạp chí khẳng định họ sẽ tiếp tục châm biếm nước Pháp và cả thế giới.
“Chúng tôi không tự kiểm duyệt mình. Làm như vậy có nghĩa là bọn khủng bố đã chiến thắng” - ông Portheault nhấn mạnh.
Ông khẳng định nếu có sự kiện nào đó có thể dẫn tới việc vẽ biếm họa nhà tiên tri Mohammed, Charlie Hebdo sẽ tiếp tục làm điều đó.
Một số bức biếm họa gần đây của tạp chí cũng đã gây tranh cãi dữ dội ở nước ngoài. Ví dụ bức biếm họa vẽ nạn nhân Syria 3 tuổi Aylan bị chết đuối trên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ bị dư luận nước ngoài chỉ trích là phân biệt chủng tộc.
Sự phản đối căng thẳng đến mức ông Luz phải lên tiếng giải thích về ý nghĩa bức biếm họa. Các nhân sự trong tờ báo cũng vẫn phải sống trong cảnh lo sợ thường trực.
Dù vậy, hiện Charlie Hebdo đã có nguồn lực tài chính đáng kể và số lượng bạn đọc tăng vọt. Trong số ra ngày 7-1 nhân kỷ niệm một năm vụ thảm sát, Charlie Hebdo sẽ phát hành tới 1 triệu bản.
Ông Portheault hi vọng số phát hành của tạp chí sẽ ổn định ở mức 100.000 bản/tuần. “Chúng tôi sẽ không đầu hàng. Chúng tôi sẽ không để các đồng nghiệp của mình chết một cách vô nghĩa” - ông Portheault khẳng định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận