02/01/2021 14:23 GMT+7

Một năm COVID-19 thay đổi thế giới - Kỳ cuối: Đừng để bất ngờ lần nữa!

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Không một ai biết đại dịch kế tiếp sẽ ập đến vào lúc nào. Trong lúc hi vọng vào những tiến bộ y học và những điều tốt đẹp khác, nhân loại cần nhớ bài học về đại dịch COVID-19 để không bị bất ngờ thêm một lần nữa.

Một năm COVID-19 thay đổi thế giới - Kỳ cuối: Đừng để bất ngờ lần nữa! - Ảnh 1.

Một số quốc gia có trình độ quản lý logistics tốt, điển hình như Singapore, đang đặt mục tiêu trở thành kho dự trữ chiến lược cho khu vực và trung tâm trung chuyển vắcxin ngừa COVID-19 - Ảnh: AFP

Trước COVID-19, mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu được tối ưu hóa để xác định thời gian giao hàng nhanh nhất với mức giá thấp nhất có thể. Nhưng ngày nay, con người chấp nhận mức giá cao hơn cho một số hàng hóa miễn là chúng được giao nhanh chóng và đúng với nhu cầu cấp bách.

Ông Carlos Cordon (giáo sư về chuỗi cung ứng toàn cầu thuộc Viện Quản lý phát triển (Thụy Sĩ), nhận định COVID-19 đã làm thay đổi cách người ta nhìn chuỗi cung ứng)

Khi đại dịch đang hoành hành dữ dội ở Trung Quốc vào tháng 1 và tháng 2-2020, rất ít nhân viên y tế ở Mỹ tin rằng chỉ 2 tháng sau đó họ phải rơi vào hoàn cảnh tương tự các đồng nghiệp ở Trung Quốc: thiếu thốn khẩu trang và đồ bảo hộ y tế (PPE).

Nước xa không cứu được lửa gần

Tại Trung tâm y tế Garfield (ngoại ô Los Angeles, Mỹ), một chỉ đạo từ ban giám đốc bệnh viện đề tháng 5-2020 yêu cầu các nhân viên phải giặt khẩu trang N95 ít nhất 20 lần trước khi bỏ. Để tiết kiệm, chỉ một số khu vực đặc biệt trong bệnh viện mới cần đeo khẩu trang.

Tình hình vẫn không thay đổi đến cuối tháng 7 ngay cả khi ông Thông Nguyễn, một kỹ thuật viên tim mạch và hô hấp của Garfield, gục tại phòng làm việc. Ông nhận được kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 và qua đời không lâu sau đó. 

Con gái ông Thông cho biết cha chị đã cố gắng cảnh báo ban giám đốc về tình trạng thiếu PPE từ tận tháng 3 nhưng không được hồi đáp. "Ông ấy có thể đã không phải chết như vậy", chị Dinh Kozuki ấm ức.

Tình trạng thiếu PPE tại Trung tâm y tế Garfield có thể được bắt gặp trên khắp nước Mỹ và châu Âu. Thiếu dụng cụ bảo vệ, nhiều bác sĩ và nhân viên y tế tuyến đầu - những người được ví như quân tiên phong - đã ngã xuống vì nhiễm bệnh. Chỉ tính riêng tại Mỹ, gần 3.000 nhân viên y tế đã chết vì thiếu PPE.

Sau COVID-19, châu Âu và Mỹ sẽ phải rút kinh nghiệm cho việc quá phụ thuộc vào một nguồn cung. Vào tháng 2-2020, khi COVID-19 bắt đầu lan nhanh ở Trung Quốc, Liên minh châu Âu đã viện trợ khẩn cấp cho Trung Quốc 56 tấn PPE, nước sát khuẩn và khẩu trang y tế. 

Tại Mỹ, doanh số xuất khẩu khẩu trang và thiết bị y tế sang Trung Quốc đã tăng hơn 1.000% trong hai tháng 1 và 2. Một số nhà sản xuất khẩu trang của Mỹ như 3M cho biết họ không hề bị ngăn cản, thậm chí còn được khuyến khích "hỗ trợ Trung Quốc".

Mặc dù là nhà sản xuất khẩu trang lớn nhất thế giới, Trung Quốc vẫn đối mặt với việc thiếu hụt nguồn cung trong giai đoạn đầu của đại dịch. Chính quyền Bắc Kinh sau đó ra lệnh cấm xuất khẩu khẩu trang và các nguyên liệu làm khẩu trang, đồng thời tích cực thu mua các mặt hàng này từ những nước khác. 

Khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu vào tháng 3, một loạt nước phải xếp hàng chờ mua khẩu trang và PPE từ Trung Quốc, trong đó có châu Âu và Mỹ. Sự thiếu hụt vật tư y tế, như đã nói ở trên, đặt ra áp lực cho hệ thống y tế các nước này khi các y bác sĩ bị cách ly vì nhiễm bệnh.

Việc vận chuyển trở nên khó khăn vì các nước đã đóng cửa biên giới. Chất lượng khẩu trang và PPE nhập từ Trung Quốc trong giai đoạn này cũng bị đánh giá là tệ, không đồng bộ và không phù hợp với tiêu chuẩn đảm bảo an toàn của phương Tây do "nhà nhà Trung Quốc làm khẩu trang".

Vào tháng 4, trước phàn nàn của nhiều nước, chính quyền Bắc Kinh ra lệnh siết chặt kiểm tra chất lượng PPE xuất khẩu làm dấy lên lo lắng Trung Quốc "đầu cơ" giữa lúc thế giới gặp khó và phụ thuộc vào nước này. 

Một ví dụ khác là sự khó khăn của châu Âu khi tìm nguồn cung hoạt chất điều chế dược phẩm thay thế Trung Quốc và Ấn Độ, sau khi hai nước này cấm xuất khẩu các hoạt chất có tiềm năng điều chế thuốc trị COVID-19.

Một năm COVID-19 thay đổi thế giới - Kỳ cuối: Đừng để bất ngờ lần nữa! - Ảnh 3.

Thiếu đồ bảo hộ y tế cá nhân là nguyên nhân khiến nhiều nhân viên y tế, y bác sĩ tuyến đầu qua đời vì COVID-19 - Ảnh: Reuters

Thiết lập kho dự trữ chiến lược quốc gia

Tình trạng thiếu vật tư y tế có thể được giải quyết ngay lập tức nếu thiết lập kho dự trữ chiến lược quốc gia. Nhưng việc dự trữ cái gì trong kho này lại là chuyện khác, tùy thuộc vào định nghĩa của mỗi nước về mối đe dọa thảm họa và không phải nước nào cũng đủ sức để duy trì kho dự trữ chiến lược.

Một trong những lý do lớn nhất khiến Mỹ thất bại trong quá trình ứng phó ban đầu với đại dịch là do thiếu nguồn cung vật tư y tế cần thiết để đối phó với đợt bùng phát. Vì sự thất bại đó, các bang như New Jersey và New York phải tranh giành nhau nguồn cung khẩu trang, máy thở và PPE. 

Theo trang Vox, kho dự trữ chiến lược của Mỹ vốn được thiết lập lần đầu tiên vào năm 1999 với giả định sẽ xảy ra tấn công hóa học. Do đó, có rất ít thiết bị trong kho dự trữ hữu dụng khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Máy thở là một trong những thứ bị thiếu nhiều nhất và được bổ sung một cách gấp gáp dưới sức ép từ Chính phủ Mỹ. Một cuộc điều tra của Hãng tin Reuters mới đây cho thấy chỉ có 10% trong tổng số 140.000 máy thở được bổ sung có thể cứu được bệnh nhân COVID-19 bị hội chứng suy hô hấp cấp. 

Một bác sĩ ở New Jersey lo ngại con số 140.000 máy thở đang khiến người Mỹ cảm thấy "an toàn giả tạo". Mức độ tàn phá của đại dịch đối với nước Mỹ cho thấy đã tới lúc các nước cần có kho dự trữ chiến lược liên quan lĩnh vực sức khỏe, bên cạnh các kho dự trữ chiến lược cho mục đích khác.

Canada là một trong những nước duy trì kho dự trữ chiến lược khẩn cấp quốc gia. Kho này chứa rất nhiều thứ như thiết bị bảo hộ cá nhân, máy thở, cáng, máy chụp X-quang và phòng khám mini. Nó cũng bao gồm các loại dược phẩm như thuốc kháng sinh và kháng virus, thuốc giảm đau, thuốc gây mê... Giường, khăn tắm, chăn nệm và máy phát điện cũng được dự trữ trong kho này.

Theo đánh giá của một nhóm nghiên cứu thuộc Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH), kho dự trữ truyền thống kiểu này có thể đáp ứng ngay lập tức nhu cầu thiếu hụt. Tuy nhiên, bất lợi ở chỗ người ta phải xây dựng nhiều kho dự trữ tại nhiều địa điểm khác nhau để đảm bảo cung ứng nhanh chóng và chi phí bảo vệ, bảo dưỡng mỗi năm.

Dự trữ ảo cho nguy cơ thật

Để không tốn chi phí bảo vệ, bảo dưỡng khi xây dựng các kho dự trữ chiến lược, Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) đề nghị nghiên cứu mô hình kho dự trữ chiến lược ảo. Trong đó chính quyền sẽ hợp tác với các nhà cung cấp những mặt hàng cần thiết để xử lý dịch ngay thời điểm bùng phát.

Để làm được điều này, cần phải có một kế hoạch hậu cần toàn diện được xác định trước bao gồm danh sách các công ty đáng tin cậy sẽ cung cấp mặt hàng thiết yếu cần thiết, phương tiện vận chuyển và địa điểm cất giữ.

Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, kho dự trữ chiến lược ảo là một giải pháp "đáng đồng tiền bát gạo" hơn việc xây dựng và quản lý trực tiếp các kho dự trữ kiểu truyền thống. Nhược điểm lớn nhất của giải pháp này là niềm tin của chính quyền đối với bên cung cấp và năng lực đảm bảo hàng hóa có sẵn.

Một số quốc gia cũng có thể trở thành kho dự trữ chiến lược của khu vực bằng cách nhận hàng hóa dự trữ và bảo vệ hoặc phân phối khi cần thiết, tương tự như cách Thụy Sĩ trở thành ngân hàng của thế giới.

Một năm COVID-19 thay đổi thế giới - Kỳ 4: Du lịch khoác tấm áo mới Một năm COVID-19 thay đổi thế giới - Kỳ 4: Du lịch khoác tấm áo mới

TTO - Khép lại năm 2020, đại dịch COVID-19 tuy ảnh hưởng tiêu cực tới ngành du lịch nhưng cũng là cơ hội để 'ngành công nghiệp không khói' thay đổi theo chiều hướng bền vững hơn.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên