Mở đầu cuộc trò chuyện ông Thắng nói: “Về những gì VPF đã làm được trong ba năm qua, hãy để các CLB và người hâm mộ đưa ra đánh giá sâu sát nhất. Riêng tôi sẽ nói về những gì VPF chưa làm được...”.
* Thưa ông, đâu là những việc VPF chưa làm được sau nhiệm kỳ đầu tiên?
- Nhiều người cho rằng VPF chỉ xài tiền do LĐBĐVN (VFF) kiếm được, mà cụ thể là nguồn tài trợ khoảng 100 tỉ đồng từ Eximbank. Nói thế oan cho VPF quá bởi ngoài khoản tiền ấy, VPF còn vận động được rất nhiều để chi trả cho mọi hoạt động, tổ chức giải, hỗ trợ lại cho các CLB, hỗ trợ VFF chăm sóc các đội tuyển quốc gia. Chúng tôi sẽ công khai, minh bạch về tài chính (đã được kiểm toán) tại đại hội sắp tới để các cổ đông là CLB biết rằng tiền hùn vốn của họ góp vào VPF vẫn được bảo toàn đầy đủ, không sứt mẻ dù chỉ 1 đồng.
Bóng đá VN hoạt động theo nếp mòn quá lâu, một mình VPF chưa đủ để thoát khỏi tư duy bao cấp, chờ đợi, ăn đong mà CLB cũng phải tự thân vận động đi tìm “bầu sữa” để tồn tại. Một kinh nghiệm quý giá mà Nhật Bản rút ra được sau 22 năm làm bóng đá chuyên nghiệp đó là sự tồn tại của một CLB không được phép phụ thuộc vào một nhà tài trợ duy nhất. Bởi khi doanh nghiệp ấy “hắt hơi sổ mũi” thì CLB sẽ lao đao lận đận ngay. Muốn sống mạnh, sống khỏe cần phải có sự hà hơi tiếp sức của rất nhiều doanh nghiệp.
* Trong ba năm qua VPF đã tổ chức rất nhiều đoàn, trong đó có đại diện CLB chuyên nghiệp, sang Nhật Bản tìm hiểu mô hình hoạt động. Theo đánh giá của ông, những chuyến đi ấy mang lại bài học bổ ích gì để ứng dụng cho cách làm bóng đá ở nước nhà?
- Thanh Hóa và SLNA có lẽ là hai CLB thích thú nhất với mô hình Nhật Bản qua việc toàn bộ các đội chuyên nghiệp ở J-League 1, 2 và 3 đều không gắn tên bất kỳ nhà tài trợ nào. Có thể vì chuyện này mà mỗi khi Thanh Hóa hay SLNA đi thi đấu họ luôn nhận được sự cổ vũ cuồng nhiệt của người địa phương đi làm ăn xa quê. Riêng mình, tôi nhận ra chỉ khi nào đội bóng thi đấu với tinh thần màu cờ sắc áo, tính địa phương luôn được nêu cao thì sự cổ vũ của khán giả mới luôn ở mức cao nhất.
Do đó phải làm cho người hâm mộ hiểu rõ đội bóng chuyên nghiệp không phải là sản phẩm, là sở hữu của một ông chủ hay một doanh nghiệp nào đó mà phải là sở hữu của người dân địa phương. Rạch ròi việc này, người hâm mộ sẽ thấy họ cũng có quyền lợi, nghĩa vụ và uy tín như thế nào trong việc chung tay duy trì đội bóng quê hương.
* Bóng đá sẽ đi xuống nếu không có khán giả. Trong khi chất lượng chuyên môn của V-League chưa được nâng cao thì vài năm trở lại đây tình trạng bạo lực, phi thể thao diễn ra rất phổ biến. VPF sẽ làm gì để chấn chỉnh trật tự kỷ cương sân cỏ để khán giả được xem đá bóng thực thụ chứ không phải đi xem “đấu võ đài”?
- Việc chế tài sẽ nghiêm khắc hơn, chẳng hạn cầu thủ cởi áo trên đường piste, nơi khu vực kỹ thuật sẽ bị phạt tiền nặng, tái phạm thì tiền phạt sẽ tăng cao. Muốn thay áo, xin mời anh vào phòng riêng đội bóng ở dưới khán đài. CLB sẽ bị phạt tiền nếu không thu dọn rác, chai nước uống ở khu vực kỹ thuật sau trận đấu. Những hành động tưởng chừng nhỏ nhặt, vụn vặt ấy chính là hành vi xem thường khán giả.
Đối với những cầu thủ tham gia dàn xếp tỉ số, mua bán độ dưới bất kỳ hình thức nào thì ngoài việc bị chế tài theo luật pháp còn bị treo giò vĩnh viễn - không xét giảm án. Án phạt cho các cầu thủ gây nguy hại đến sức khỏe, thân thể đối phương bằng các hành động chơi xấu, tiểu xảo đều bị trừng phạt nghiêm khắc qua việc treo giò đến hết giải như trường hợp của Văn Nam (Hải Phòng, hành hung đối thủ) hay Đình Đồng (SLNA, đá gãy chân đối thủ) ở mùa trước.
* VPF vừa ghi được bàn thắng vào phút 89 - tìm được nhà tài trợ chính cho giải. Ông có thể hé lộ đôi chút về nhà tài trợ chính của V-League 2015?
- Tên tuổi và khoản tiền tài trợ cụ thể sẽ được công bố vào tuần sau. Tôi xin cung cấp thêm thông tin này là sau khi Eximbank rút lui theo kế hoạch đã định, VPF đi vận động tài trợ. Chúng tôi nhận được sự đồng ý của hai tập đoàn kinh tế lớn trong nước. Cả hai đơn vị này khẳng định họ sẽ đứng sau lưng VPF nếu như chúng tôi không tìm được tài trợ khác.
Cùng lúc đó, nhà tài trợ nước ngoài vào cuộc với mong muốn được gắn bó lâu dài với bóng đá VN. Họ đưa ra phương án “xe duyên” lâu dài với VPF và hằng năm sẽ tăng lũy tiến khá cao. Cũng xin hé lộ rằng dù là tập đoàn kinh tế nước ngoài nhưng họ khiến VPF ngỡ ngàng khi biết rõ về những cái được và chưa của bóng đá VN sau chục năm chúng ta xây dựng mô hình chuyên nghiệp.
[box]“HLV Miura góp ý có những chuyện rất đúng”
Khi được hỏi suy nghĩ của ông đối với nhận xét của HLV Toshiya Miura về bóng đá VN khi trả lời phỏng vấn báo Nhật Bản mới đây, ông Võ Quốc Thắng cho biết ông Miura phát biểu có những cái rất đúng.
Ông Thắng nói: “Những điều ông Miura góp ý đúng chúng ta cần nghiêm túc xem xét để chấn chỉnh, chẳng hạn như giờ giấc làm việc, chuyện ăn uống. Nhưng cũng có nhiều điều ông ấy góp ý không sát thực với bóng đá VN. Chẳng hạn tại Nhật Bản có hàng trăm đài truyền hình nên người xem có quyền lựa chọn xem kênh thể thao mình ưa thích, ở VN không được như vậy nên chúng ta phải phụ thuộc khung giờ phát sóng của truyền hình. Người VN có thói quen xem bản tin thời sự vào lúc 19g hằng đêm nên khi có bóng đá người dân vẫn chuyển sang xem thời sự trong nước và quốc tế, vì vậy không thể thay đổi khung giờ”.[/box]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận