Phóng to |
Sinh viên Trường ĐH De La Salle (Manila, Philippines) - Ảnh: Hà Bình |
Chúng tôi sử dụng tiếng Anh trong cuộc sống hằng ngày như ngôn ngữ thứ hai của mình - bà Miriam V.Megal, đại diện du lịch Philippines tại Việt Nam, nói - Tiếng Anh cũng được dùng làm ngôn ngữ để giảng dạy trong các trường học ở đất nước chúng tôi”. Quả vậy, trong những ngày ở Manila, chúng tôi có thể “thực hành” vốn tiếng Anh của mình với anh tài xế taxi, cô nhân viên phục vụ nhà hàng hay thậm chí là một bác bán trái cây ven đường ở ngoại ô Manila. Và cũng tại thủ đô này, tất cả các bảng hiệu, panô, quảng cáo, thông báo tín hiệu giao thông... trên đường đều được viết bằng tiếng Anh.
Tiếng Anh phổ biến
Và tiếng Anh cũng là một lợi thế để Philippines thu hút du học sinh các nước đến đây học tập. “Rất đơn giản, tôi muốn học tiếng Anh” - Soichiro Jota, một sinh viên Nhật Bản đang học tại Trường ĐH Ateneo de Manila, nói khi được hỏi lý do chọn Philippines. Tương tự, nữ sinh viên người Pháp Choloe cũng tâm sự: “Dĩ nhiên, tôi muốn học ở một đất nước nói tiếng Anh, nơi tôi có thể giao tiếp bằng tiếng Anh với mọi người một cách dễ dàng. Nơi đây có thời tiết tốt, giúp tôi có thể khám phá thêm những nét đẹp về văn hóa, con người bản địa”.
Phạm Thúy Anh, nữ sinh viên Việt Nam đang học tại Trường ĐH Ateneo de Manila, cho biết bạn chọn Ateneo vì đây là trường nổi tiếng với sinh viên quốc tế, đặc biệt là những ngành đào tạo chuyên về tiếng Anh. Thúy Anh nói: “Tôi thích môi trường học tập ở đây, giáo viên luôn tạo ra thử thách cho sinh viên trong học tập nhưng không khí rất dân chủ, sinh viên có thể đưa ra ý tưởng của họ bất cứ lúc nào”. Theo bà Miriam V.Megal, sinh viên người Philippines thường sử dụng “song ngữ” trong trường học là tiếng Philippines và tiếng Anh. “Những trường có sinh viên quốc tế theo học đều có những chương trình đào tạo ngắn hạn về tiếng Anh, chương trình dự bị tiếng Anh cho sinh viên” - bà Miriam cho biết thêm.
Chúng tôi đến tham quan Trường ĐH Ateneo de Manila, cách trung tâm thành phố Manila 10 phút đi xe. Đây là trường xếp hạng cao nhất ở Philippines, đứng thứ 58 trong 200 trường ĐH hàng đầu châu Á và nằm trong 300 trường ĐH hàng đầu thế giới, theo nhà trường giới thiệu.
Ngôi trường trên 150 năm tuổi này đào tạo đủ các ngành về khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kỹ thuật, công nghệ, kinh tế, luật, y tế và sức khỏe cộng đồng... ở bậc cử nhân và sau ĐH. “Học phí ở trường chúng tôi chỉ bằng 1/10 so với những trường ĐH cùng thứ hạng ở Mỹ như Loyola Chicago, Geogretown, Boston College” - một nhân viên phòng quan hệ quốc tế nói về “lợi thế cạnh tranh” của trường. Ông dẫn chứng học phí của trường là 3.600 USD/năm cộng với 1.500 USD tiền ký túc xá, trong khi những trường tương đương ở Mỹ có học phí từ 30.000 - 40.000 USD/năm. Trường này có khoảng 8.000 sinh viên và 15% trong số đó nhận học bổng toàn phần của trường.
Đa dạng ngành học
Rời Ateneo, chúng tôi đến thăm Trường ĐH Quốc gia Philippines (UP). “Bạn phải mất hai ngày mới tham quan hết trường chúng tôi” - cô Pie, nhân viên phòng truyền thông, nói khi giới thiệu trường với chúng tôi. Biểu tượng của trường khá độc đáo. Đó là bức tượng người đàn ông khỏa thân, giơ ngang hai tay ngẩng mặt lên trời. “Biểu tượng này tượng trưng cho sự tận hiến với tổ quốc và sự tự do trong học thuật” - Pie giải thích.
Nhìn tấm bản đồ khuôn viên trường, chúng tôi thật sự choáng ngợp. UP có 28 khoa, đơn vị nằm rải rác trong khu đất rộng hàng chục hecta. Xen lẫn những trường học của từng khoa, ký túc xá là viện phim, nhà hát, studio, trung tâm máy tính, thư viện, bảo tàng, bưu điện, sân vận động, hồ bơi, trung tâm báo chí, trung tâm sức khỏe, cảnh sát của trường ĐH và cả... khách sạn sinh viên. Thật thú vị khi đi trong khuôn viên trường, bạn có cảm giác như đi giữa một thị trấn với những ngôi nhà có dòng suối uốn quanh, những khu vườn có đàn gà nhởn nhơ kiếm ăn. UP có tám cơ sở trên cả nước với tổng số sinh viên là 60.000, đào tạo đủ các ngành nhưng thế mạnh là về nông nghiệp, du lịch, nghệ thuật, kiến trúc... Chỉ riêng cơ sở chính tại thủ đô Manila có khoảng 24.000 sinh viên.
Chúng tôi cũng có dịp đến thăm Trường ĐH De la Salle ở nội ô Manila. Trường là nơi có nhiều sinh viên Việt Nam đến học các ngành về giáo dục học. Tiếc là chúng tôi đến trong giờ học nên không gặp được đồng hương để hỏi thêm về tình hình học tập. Bạn Gieanne Malimban - sinh viên làm bán thời gian cho phòng truyền thông - hướng dẫn chúng tôi đi tham quan. Gieanne cho biết trường của bạn đã có hơn 100 năm tuổi. Trường đào tạo những chuyên ngành ở lĩnh vực kinh doanh, kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn chương, giáo dục tổng quát, sư phạm và máy tính... Học phí trung bình khoảng 65.000 peso/năm, tương đương 32 triệu đồng.
Theo bà Miriam, những trường ĐH khác ở Philippines có mức học phí dao động trong khoảng 500 - 1.200 USD/học kỳ tùy theo trường công, tư. Đây là mức học phí thấp so với các trường trong khu vực với những chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh.
Đến Philippines bằng học bổng Hằng năm, nhiều trường ĐH, viện nghiên cứu tại Philippines cung cấp nhiều chương trình học bổng ĐH, sau ĐH cho sinh viên quốc tế. Chẳng hạn, Trung tâm nghiên cứu và đào tạo sau ĐH ngành nông nghiệp khu vực Đông Nam Á có chương trình học bổng thạc sĩ, tiến sĩ các ngành sinh học, khoa học xã hội, khoa học môi trường, kinh tế... dành cho sinh viên các nước ASEAN. ĐH Ateneo có các chương trình học bổng hỗ trợ dành cho sinh viên quốc tế học thạc sĩ, tiến sĩ. Điểm chung của các chương trình học bổng này là ứng viên cần phải có bằng TOEFT 550 trở lên. Nhiều chương trình tiếng Anh ngắn hạn Một số trường ĐH, CĐ tại Philippines như ĐH Quốc gia Philippines, ĐH Ateneo, ĐH De La Salle, CĐ Emilio Aguinaldo... đều có chương trình giảng dạy tiếng Anh ngắn hạn cho sinh viên quốc tế. Một khóa học được thiết kế từ 3-6 tháng tùy theo trình độ của học viên. “Trường chúng tôi có chương trình dự bị tiếng Anh cho sinh viên quốc tế, các chương trình đào tạo tiếng Anh ngắn hạn cho sinh viên trong sáu tháng với học phí khoảng 3.000 USD” - một nhân viên Trường ĐH Ateneo de Manila nói. |
Áo Trắng số 21 ra ngày 15/11/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận