Tôi là một nhà giáo đã về hưu mấy năm nay, tức là đã trên sáu mươi tuổi… Hai mươi năm nữa, lúc ấy tôi cũng đã trên tám mươi, biết có còn không mà hưởng phúc với con cháu, nhìn Việt Nam mình với bao kỳ vọng đã trở thành hiện thực? Nhưng là người Việt Nam, kỹ sư tâm hồn, lẽ nào tôi không được quyền kỳ vọng và ước mơ cho đất nước mình?...
Là thầy giáo, gắn bó cả cuộc đời với những em học sinh, cho nên kỳ vọng của tôi chính là các em học sinh, tức là con người. Bởi con người là chủ thể của cuộc sống và xã hội, mọi phát triển thành bại về xã hội đều do con người quyết định.
Vậy con người Việt Nam, xã hội Việt Nam sẽ ra sao sau hai mươi năm nữa, số năm vừa đủ cho một lớp người mới lớn lên và trưởng thành?
Trước hết về thể chất, con người Việt Nam tầm vóc còn thấp bé so với những người trong khu vực, chính vì vậy mà thể lực kém, ảnh hưởng nhiều đến học tập và công tác.
Kỳ vọng mươi, mười lăm nữa, chiều cao của con người Việt Nam kể cả nam nữ đều tầm một mét sáu trở lên, thiết tưởng đây không phải là kỳ vọng to tát khó thực hiện, nhất là trong điều kiện đất nước hòa bình và phát triển như hiện nay.
Hai là trí tuệ, đạo đức, tính cách của con người Việt Nam. Điều này cần phải thông qua một hệ thống giáo dục gắn bó hài hòa giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Có vậy mới mong xóa bỏ được những thành tích ảo trong giáo dục, hình thành tính cách tôn trọng chân lý, sự thật, nhân ái, vị tha, yêu gia đình và quê hương đất nước.
Không còn cảnh “học giả bằng thật”, thích những cái “nhất” hoặc “kỷ lục” vô bổ không thiết thực, đặc biệt là sự vô cảm với bạn bè và người xung quanh, dẫn đến những việc làm vượt quá lòng nhân ái của con người.
Tất cả không ngoài mục đích xây dựng và đào tạo nên một lớp người Việt Nam khỏe mạnh về thể lực, có tâm và tầm trí tuệ để kiến thiết đất nước ngày càng giàu đẹp “hơn mười lần hơn” như Bác Hồ hằng mong ước.
Muốn làm được những điều kỳ vọng trên, trước hết ngay bây giờ những người có trách nhiệm cần quan tâm sâu sát đến những bà mẹ và trẻ sơ sinh để có biện pháp phát triển thể lực giống nòi Việt.
Bài học của Nhật Bản từ năm 1945, người Nhật bị coi là “Nhật lùn”, nhưng nay thì họ cũng đã phát triển thể lực lên rất nhiều vẫn là điều chúng ta cần tham khảo. Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, chăm sóc y tế tốt cần chú ý việc rèn luyện thể lực vào trong nhà trường từ bậc mầm non đến đại học, chắc chắn là chúng ta sẽ sớm đạt được kỳ vọng.
Tiếp theo chúng ta phải xem lại toàn bộ của hệ thống giáo dục, nhất thiết phải cải cách giáo dục theo hướng tiên tiến và hiện đại.
Ưu tiên tiếp nhận, ưu đãi và sử dụng những người tài giỏi, có tâm huyết vào các chức vụ quan trọng của ngành giáo dục.
Chú trọng giáo dục con người theo hướng toàn diện. Cương quyết xóa bỏ những bảo thủ, lạc hậu, quanh quẩn chạy theo những thành tích lệch lạc, ru ngủ nhưng thực chất không có gì.
Đó phải là một nền giáo dục dân chủ, tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc Việt, hướng tới khoa học, nhân bản, chú trọng đến tính cách làm người, con ngoan, trò giỏi, công dân tốt và tích cực.
Những chủ trương chủ quan, trì trệ, lạc hậu, bảo thủ và chạy theo thành tích của ngành giáo dục phải cương quyết cắt bỏ.
Có vậy chúng ta lo gì sau hai mươi năm nữa sẽ không có những công dân tốt kế tục xuất sắc và hoàn thiện sự nghiệp kinh tế chính trị xã hội và cả quân sự, làm cho nước nhà càng giàu mạnh “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” như kỳ vọng của vị Cha già dân tộc…
Hai mươi năm lớp lớp tre sẽ tàn và lớp lớp măng sẽ mọc, kỳ vọng của một “lão hủ” đã trên sáu mươi tuổi, “sáu mươi năm của cuộc đời” ít ra cũng trở thành hiện thực bảy, tám phần và tôi có quyền… sống để chờ đợi mắt thấy tai nghe: Làn sóng Tràng Giang sau đẩy trước. Vai trò nhân thế trẻ thay già” của những ngày ấy, những ngày vẻ vang của đất nước tôi yêu quý…
Thể lệ cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới” Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”. Chủ đề chính của cuộc thi là những kỳ vọng về sự phát triển của Việt Nam, đồng thời phác họa bức tranh đất nước, con người Việt Nam trong 20 năm tới. Cuộc thi dành cho bạn đọc từ 15-30 tuổi và bạn đọc trên 30 tuổi (ban tổ chức, ban giám khảo, cán bộ nhân viên báo Tuổi Trẻ và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam không được tham gia cuộc thi). Theo ban tổ chức, các bài dự thi phải được viết bằng tiếng Việt, thể loại văn xuôi, thể hiện hai nội dung: Những kỳ vọng hoặc phác họa bức tranh Việt Nam 20 năm tới (tối đa 500 chữ) và nêu những giải pháp để Việt Nam có thể đạt được như ước mơ và những kỳ vọng (tối đa 1.000 chữ). Bài dự thi phải chưa từng được công bố, đăng tải trên báo đài hay đoạt giải các chương trình, cuộc thi. Một tác giả có thể gửi tối đa ba tác phẩm dự thi. Dưới bút danh (nếu có) ghi rõ tên thật, tuổi, địa chỉ và số điện thoại liên lạc. Trong trường hợp đoạt giải, mỗi tác giả chỉ nhận được giải thưởng cao nhất. Báo Tuổi Trẻ sơ loại bài viết đúng chủ đề và đúng yêu cầu của cuộc thi để đăng trong mục cuộc thi "Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới" trên Tuổi Trẻ Online. Đồng thời, hằng tuần những bài viết hay sẽ được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ. Tác giả có bài viết được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ sẽ được trả nhuận bút. Ban giám khảo chọn 10 tác phẩm hay nhất vào vòng chung khảo (gồm 5 tác phẩm của tác giả dự thi ở nhóm từ 15-30 tuổi và 5 tác phẩm ở nhóm người trên 30 tuổi). Các tác giả có bài được chọn sẽ được tài trợ 3 triệu đồng làm báo cáo chi tiết trình bày trước ban giám khảo để tranh giải (số tiền này sẽ được gửi cho tác giả khi tác giả đến buổi báo cáo trước ban giám khảo). Ban tổ chức sẽ tài trợ chi phí đi lại và khách sạn để tác giả đến trình bày báo cáo và nhận giải tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ban tổ chức sẽ trao 10 giải thưởng với tổng giá trị giải thưởng là 120.000.000 đồng, dành cho hai nhóm đối tượng tham gia phân theo độ tuổi, gồm nhóm từ 15-30 tuổi và nhóm trên 30 tuổi. Mỗi nhóm đối tượng sẽ có 5 giải thưởng. Trong đó, mỗi nhóm có: - 1 giải nhất: 25.000.000 đồng - 1 giải nhì: 15.000.000 đồng - 1 giải ba: 10.000.000 đồng - 2 giải khuyến khích: 5.000.000 đồng/giải Ban tổ chức nhận bài dự thi từ ngày 18-5-2015 đến 28-6-2015. Bạn đọc gửi bài dự thi qua đường bưu điện đến báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ tham gia cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”); hoặc gửi bằng thư điện tử đến địa chỉ [email protected]. Vòng chung khảo cuộc thi sẽ tổ chức ngày 11-7-2015. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận