31/07/2012 08:30 GMT+7

Một lòng với biển đảo

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Trước kỳ họp Quốc hội hồi tháng 6, nhiều cử tri kiến nghị: “Quốc hội cần phải có chính kiến về biển Đông, thông báo rộng rãi để nhân dân biết và ủng hộ”. Đáp lại nguyện vọng của cử tri, Quốc hội đã thể hiện “chính kiến về biển Đông” bằng việc thông qua Luật biển VN. Ngay sau đó, sức nóng từ biển Đông lập tức gia tăng bởi các thủ đoạn và hành động khoe cơ bắp liên tiếp của bên đi gây hấn.

Không đứng ngoài cuộc, cử tri gần như ở khắp mọi tỉnh thành vẫn đang nặng lòng hướng về phía biển với nhiều trăn trở, suy tư. Bản tổng hợp trả lời, giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri của Ban Dân nguyện được báo chí đăng tải vài ngày qua cho thấy điều đó.

Theo bản tổng hợp thì không chỉ cử tri các tỉnh thành có biển như Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Tĩnh, mà cử tri Hà Nam, Hải Dương, Long An, đến nhân dân các vùng cao nguyên như Tây Ninh, Bình Phước, Đắk Nông đều thể hiện một sự quan tâm và tiếng nói đồng lòng về chủ quyền biển đảo. Thương ngư dân miền Trung thường hay bị tàu nước ngoài xua đuổi, bắt bớ đòi tiền chuộc, cử tri TP “hoa phượng đỏ - Hải Phòng” đề nghị “Nhà nước cần tăng cường hơn nữa các biện pháp bảo vệ ngư dân, không chỉ trên mặt trận ngoại giao mà còn cả trên thực địa để người dân yên tâm kiếm sống trên chính vùng biển của Tổ quốc”.

Bức xúc trước các hành động gây hấn, xâm phạm chủ quyền VN trên biển Đông, cử tri Đà Nẵng và nhiều tỉnh thành khác cùng kiến nghị “tăng cường thêm ngân sách cho quốc phòng”, “hiện đại hóa quân chủng hải quân, không quân và cảnh sát biển” cùng với việc “đẩy mạnh đấu tranh trên cơ sở luật pháp quốc tế nhằm đảm bảo chủ quyền hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”. Nhằm giáo dục thế hệ trẻ rằng “lãnh thổ quốc gia là bất khả xâm phạm”, cử tri Tây Ninh, Khánh Hòa kiến nghị “Bộ Giáo dục và đào tạo nhanh chóng biên soạn sách giáo khoa cho các cấp học, trong đó nên tiếp tục đưa các nội dung về biên giới và hải đảo vào chương trình giáo dục cho học sinh phổ thông để các em hiểu rõ hơn về chủ quyền đất nước”.

Không phải vấn đề nào cũng thu hút được sự quan tâm của đông đảo cử tri ở nhiều tỉnh thành như vậy. Trước sự đe dọa đến chủ quyền các vùng biển đảo thiêng liêng, cử tri mong muốn các kiến nghị này phải cần nhanh chóng được cụ thể hóa bằng những chương trình, kế hoạch cụ thể, trở thành phương sách đấu tranh để bảo vệ chủ quyền. Được như thế, cử tri yên tâm và quyết tâm góp sức cho cuộc đấu tranh này.

Hàng triệu viên đá cho Trường Sa; những tấm bản đồ Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa được chính người dân đóng góp, công bố, được nhiều tờ báo và hàng trăm diễn đàn mạng lưu truyền như những làn sóng...; và còn nhiều hành động vì biển đảo đã được người dân thể hiện. Không có truyền thống yêu nước được hun đúc từ ngàn đời, sẽ khó có những hành động và ý kiến, kiến nghị tâm huyết đến như vậy.

“Tam sơn, tứ hải, nhất phần điền” - cha ông chúng ta luôn nhắc con cháu ý thức chủ quyền về biển Đông rộng lớn - là tiền đồ của dân tộc. Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ rằng “biển đảo có ý nghĩa như thế nào đối với dân tộc VN trong thế kỷ 21?”, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo - nói: “Biển luôn là không gian sinh tồn, phát triển và mãi mãi quan trọng đối với dân tộc VN. Ba phần VN là biển, là chỗ dựa tinh thần và vật chất cho người dân VN hôm nay và mai sau. Vì vậy gìn giữ, trân trọng và bảo vệ từng hải lý vuông biển, cùng những giá trị tài nguyên trong nó là trách nhiệm của tất cả chúng ta”.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên