Chư Yang Sin có độ cao 2.442m, là một trong những dãy núi cao nhất và hùng vĩ nhất tỉnh Đắk Lắk. Người dân tộc Ê Đê ở Đắk Lắk vô cùng tự hào với ngọn núi Chư Yang Sin được ví như một chú sư tử oai hùng với cái bờm trắng ẩn mình dưới mặt trời đỏ như lửa cao nguyên Ban Mê. Cũng từ đây, trong sâu thẳm của rừng đại ngàn, hình thành nên con suối Ea K’tour trải dài như một tấm lụa men theo các triền núi qua hàng ngàn bậc thang đá hùng vĩ rồi hòa mình vào dòng sông mẹ Krong Ana. Đây cũng là một trong các khu rừng nguyên sinh cổ xưa còn sót lại ở Việt Nam mang trong lòng đầy những bí ẩn và huyền thoại của đất trời.
Nói về tính đa dạng hệ động vật thì không đâu có thể sánh được Chư Yang Sin với 470 loài, trong đó 23/72 loài thú trong sách đỏ Việt Nam, 9 loài trong sách đỏ thế giới, 3 loài đặc hữu Đông Dương. Vườn quốc gia (VQG) Chư Yang Sin là một trong những vùng chim đặc hữu của cao nguyên Đà Lạt với 222 loài chim, trong đó nhiều loài có vùng phân bố rất hẹp như khướu đầu đen má xám, khướu đầu đen, mi Núi Bà, sẻ thông họng vàng, trèo cây mỏ vàng, gà tiền mặt đỏ, trĩ sao... Các nhà khoa học mới xác nhận tại VQG có 98 loài bò sát, ếch nhái. Trong đó có rất nhiều loài lần đầu tiên phát hiện tại Việt Nam và thế giới như ếch cây Chư Yang Sin, thằn lằn đá, cóc, rắn hổ mang chúa. Có 81 loài cá sinh sống trong các sông suối của vườn.
Theo quy hoạch được duyệt, công trình thủy điện Ea K’tour sẽ chặn dòng lấy nước trên suối Ea K’tour, dẫn toàn bộ lưu lượng nước về nhà máy đặt cách đó khoảng 5km để phát điện. Như vậy, việc công trình thủy điện Ea K’tour sẽ dùng một ống dẫn nước khổng lồ chuyển dòng nước suối đến vận hành các tuôcbin của nhà máy sẽ làm 4-5km suối Đăk Tour bị chết đứng khô kiệt. Hậu quả là hàng trăm loài cây rừng và hệ động vật đặc trưng, cùng với hệ thủy sinh đặc hữu của VQG Chư Yang Sin sẽ biến mất vĩnh viễn mà không thể nào khắc phục được.
Việc xây dựng thủy điện này còn ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến tính đa dạng sinh học của VQG, trong đó lưu vực suối Đăk Tour có vai trò quan trọng bậc nhất. Có thể kể ra tên của những loài đặc hữu đang bị đe dọa trong sách đỏ Việt Nam như thông hai lá dẹt, pơmu, kim giao, hồng tùng, thông năm lá... và các loài động vật, bò sát quý hiếm như gấu chó, beo lửa, chà vá chân đen, vượn đen má vàng... Đã từ lâu rồi khu rừng nguyên sinh Chư Yang Sin của Đắk Lắk được coi như một kho báu vật của giàng - nơi dự trữ tất cả những gì quý giá nhất của đất trời mà các nhà khoa học cũng chưa thể khám phá được hết.
Con số 6ha rừng tự nhiên đặc dụng đầu nguồn thuộc vùng lõi phân khu bảo vệ nghiêm ngặt bị mất đi chỉ là một con số rất nhỏ bé trên giấy tờ, bởi tác động của nhà máy thủy điện này không dừng lại ở phạm vi đó. Khi nhà máy thủy điện này hình thành, chắc chắn môi trường sống của các loài sẽ bị phân cắt và đặc biệt nơi có đoạn ống dẫn nước chạy qua sẽ là “chết sinh thái” chẳng còn gì để nói nữa.
Với những kinh nghiệm và bài học đắt giá về tác động thủy điện, tôi cho rằng dự án thủy điện Ea K’tour đã vi phạm vào Luật đa dạng sinh học và Luật bảo vệ môi trường. Dự án này nếu ra đời sẽ để lại những tác động rất lớn đến môi trường sinh thái tự nhiên và nhu cầu sử dụng nước của cộng đồng vùng hạ lưu Krong Ana, sẽ chặn đứng đường di cư, sinh sản của các loài cá quan trọng, thay đổi môi trường sống của các loài thủy sinh cũng như sẽ ảnh hưởng rất xấu đối với di tích lịch sử trong khu vực như địa hang Đăk Tour. Vì vậy, các dự án thủy điện như Ea K’tour cần phải loại bỏ ngay ra khỏi quy hoạch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận