Một làng hai hội, bực bội vì bia

T.ANH 30/05/2024 08:39 GMT+7

TTCT - Nhưng đâu phải lúc nào cũng ít hơn sẽ được nhiều hơn (less is more), thôi thì thêm hội thêm vui.

Panô quảng bá Germanfest 2024.  Ảnh: Noah Alcala Bach / Fort Worth Star-Telegram

Panô quảng bá Germanfest 2024. Ảnh: Noah Alcala Bach / Fort Worth Star-Telegram

Làng nào mà có ngày hội chung, gìn giữ được mấy chục năm có lẻ thì quả là truyền thống đáng tự hào. Nhưng khi có chuyện xảy ra, mối giao hảo ngọt ngào, tình cảm keo sơn gắn bó ngày nào có thể trở nên đắng nghét như bia ấm. Một thành phố ở miền bắc Texas (Mỹ) chuyên tổ chức ngày hội bia và văn hóa Đức đã thấm thía chính xác cảm giác đó.

Germanfest, diễn ra ba ngày vào cuối tuần cuối cùng của tháng 4, là "hội làng" của Muenster - một thành phố nhỏ cách biên giới Texas - Oklahoma 20 phút lái xe. 

Đây vừa là cơ hội tri ân di sản của thành phố do người nhập cư Đức dựng xây từ cuối những năm 1890, vừa là một dịp làm ăn khá khẩm khi khách thập phương tới thưởng thức âm nhạc, ẩm thực, trò chơi dân gian và tất nhiên là thưởng bia.

Suốt 48 năm qua, Germanfest đã là thỏi nam châm hút du khách tới Muenster; mỗi năm vào khoảng 20.000 lượt khách, Lilly Palmer - giám đốc điều hành Phòng thương mại Muenster, đơn vị tổ chức lễ hội - nói với KERA News. 

Năm nay, Germanfest vẫn diễn ra từ ngày 26 đến 28-4, nhưng cùng thời điểm đó, chỉ cách một con đường, một lễ hội tương tự cũng tưng bừng khai mạc - Party in the Park, do tổ chức tình nguyện địa phương Muenster Jaycees chủ trì.

Một làng mà có hai hội, diễn ra cùng ngày cùng tháng, quả là tin chấn động với thành phố chỉ có 1.700 dân, vốn đoàn kết đồng lòng trong mọi chuyện. Đáng bàn hơn là Muenster Jaycees vốn sát cánh với Phòng thương mại trong các kỳ hội trước, giờ lại bất ngờ đòi ra riêng.

Theo truyền thống, chuyện lo giấy phép và vận hành Germanfest do Phòng thương mại phụ trách, còn Jaycees thầu khâu quan trọng nhất - cấp bia, cùng với hỗ trợ nhân lực hậu cần (100% là tình nguyện viên địa phương). 

Jaycees sở hữu một chiếc xe đầu kéo với khoang đông lạnh chứa được 200 két bia và 32 vòi rót. Hai bên thỏa thuận ăn chia tiền bán bia - phòng thương mại lấy 33%, và Jaycees nhận phần còn lại.

Năm nay, Phòng thương mại Muenster muốn đàm phán lại tỉ lệ - đầu tiên là 50-50, sau đó là "tôi ba anh bảy", không thể thấp hơn. Nhưng Jaycees không chịu, cuối cùng đường ai nấy đi. "Chúng tôi cho rằng Party in the Park là cách tốt nhất để kiếm tiền cho các chi phí thường niên và quỹ cộng đồng của mình" - Jared Flusche, chủ tịch Muenster Jaycees, giải thích. 

Muenster Jaycees, đã tồn tại được 60 năm, là một tổ chức dựa vào cộng đồng (hoạt động hoàn toàn từ tiền gây quỹ) và vì cộng đồng (xây dựng, bảo trì hạ tầng, chăm lo tang ma, hiếu hỉ cho cư dân).

Chia rẽ nhanh chóng lan từ phía tổ chức sang dân địa phương, gồm cả các hộ trước nay vẫn mở quầy hàng ăn uống vui chơi ở Germanfest. Với ai thì thay đổi này cũng không dễ chịu. "Nó làm tôi ứa nước mắt. Đột nhiên cả thành phố dường như trở nên hỗn loạn" - cư dân William Fisher, 83 tuổi, nói với New York Times.

Còn Billie Fleitman - đã sống ở Muenster 38 năm nhưng có tới 30 năm đều đặn mở quầy nagel schlagen (trò dùng búa đóng đinh vào gỗ) ở Germanfest - thì vui buồn lẫn lộn. Năm nay bà sẽ chuyển qua Party in the Park. 

Nói với báo Fort Worth Star-Telegram, Fleitman trần tình quyết định này một phần cũng vì bà thấy phải có trách nhiệm ủng hộ Jaycees, vì những việc thiện nguyện mà họ đã bền bỉ làm cho cộng đồng. Jaycees đã trích 165.000 USD tiền gây quỹ được cho hoạt động năm ngoái, chủ yếu là giúp đỡ các gia đình khó khăn.

Fort Worth Star-Telegram nói không nhiều người chịu mở lòng với báo giới, nhưng tranh cãi trên mạng rất sôi nổi. Người thì chỉ trích phòng thương mại "ăn dày", trong khi đâu có dùng tiền đó giúp ngược cho địa phương; số khác nói Jaycees "nhỏ nhen" vì tự dưng đòi mở hội cạnh tranh.

Tờ New York Times, khi thuật lại chuyện này hôm 4-5, cho rằng chuyện một làng hai hội tất nhiên tạo nhiều tâm tư và lo lắng. Buồn, vì chuyện chia rẽ đó cũng "giống sự phân cực đã chia cắt nhiều cộng đồng trên khắp nước Mỹ", dù lý do lần này không phải chính trị mà là bia (hay đúng hơn là ăn chia lợi nhuận).

Và phải chăng truyền thống cỡ nào thì cũng tới lúc bị chuyện tiền nong làm hỏng? Mô hình tình nguyện vì cộng đồng - vốn xây nên hình hài thành phố ngày nay - liệu có còn trụ vững? Những quan ngại này có thể đúng với mọi lễ hội truyền thống, mang tính cộng đồng ở bất kỳ đâu.

Mấy chuyện to tát tính sau, trước mắt có vẻ lo một làng hai hội sẽ hỏng bét thì có hơi thái quá. Cuối cùng thì cái kết cũng thuộc diện có hậu, khi "hai lễ hội đối đầu nhau đã làm tốt việc bơ nhau toàn tập", theo New York Times.

Tờ này mô tả, bất chấp tranh cãi, trong 3 ngày hội chính thức, không khí hai bên vẫn tưng bừng, bia vẫn rót tràn. 

Trong ngày đầu, tại Germanfest, "...các dãy bàn chật kín người ăn xúc xích xiên que và nghe nhạc polka. Phụ nữ và đàn ông [mặc trang phục truyền thống của Đức] nâng ly, đồng thanh hô dzô dzô". 

Chuyển sang Party in the Park là cảnh "các ban nhạc chơi nhạc rock cổ điển, trong khi đám đông hàng trăm người hồi tưởng về ngày xưa, nổi bật trên thảm cỏ là chiếc xe chở bia khổng lồ...".

Quả như lời Sicking, ông chủ tịch phòng thương mại, tiên lượng: "Điều gì đến sẽ đến, ngồi đây than thở đấu đá mãi mà chi". Đâu phải lúc nào cũng ít hơn sẽ được nhiều hơn (less is more), thôi thì thêm hội thêm vui.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận