06/04/2018 12:44 GMT+7

Một lần vô tâm với ông già mù, 20 năm qua tôi vẫn còn xấu hổ

THIÊN KIM (Pháp)
THIÊN KIM (Pháp)

TTO - Phản hồi bài viết sau hai câu chuyện tử tế 'Nhảy sông cứu sống cô gái tự vẫn' và 'Phụ xe khách trả 8.300 USD' trên Tuổi Trẻ, một bạn đọc chia sẻ thêm góc nhìn về sự áy náy khi không giúp đỡ người hoạn nạn.

Một lần vô tâm với ông già mù, 20 năm qua tôi vẫn còn xấu hổ - Ảnh 1.

Các bạn trẻ quyên góp tiền mua cơm tặng những người nghèo, cơ nhỡ phải ngủ ngoài đường ở Q.Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Tôi vừa đọc hai câu chuyện đau lòng và cứ luôn suy nghĩ về việc những người hoạn nạn đã không được chia sẻ, hỗ trợ kịp thời. Đã có ai từng không chìa tay giúp đỡ người hoạn nạn, để rồi áy náy khôn nguôi?

Những câu chuyện đau lòng

Vài ngày trước, báo chí đưa tin về một thanh niên ngất xỉu bên đường vì đói khát, trong túi chỉ có độc một lá thư tuyệt mệnh xin bà con chôn cất và mong cha mẹ thứ lỗi.

Bệnh tật, không muốn thành gánh nặng cho cha mẹ, chàng trai này rời nhà sống lang thang, nhưng với một sức khỏe tàn tệ, anh chẳng thể nào kiếm việc mưu sinh. Và kết cục là người dân thấy anh ngất xỉu trên đường, hôn mê sâu vì đói khát, bệnh tật.

Cuộc sống hiện đại đang cuốn chúng ta vào vòng xoáy tốc độ. Chút thời gian rảnh rỗi, dường như chúng ta mải nhìn vào màn hình điện thoại chứ ít khi nhìn sang người bên cạnh, để thấy có những người đang cần lắm một bàn tay giúp đỡ, một sự quan tâm đủ lớn để có thể vượt qua khó khăn

Thiên Kim

Kinh khủng hơn, báo cũng đưa tin một cậu bé bị cha dượng đánh đập tàn nhẫn đến mất mạng, cho dù hàng xóm xung quanh đã chứng kiến bao dấu hiệu bạo hành trên thân thể em. Nụ cười tươi rói của em trong một bức hình làm người ta càng thấy đau lòng hơn.

Khi đọc những bài báo đó, chắc hẳn ai cũng thương xót cho chàng thanh niên, và đặc biệt cho cậu bé có nụ cười tươi rói ấy. 

Nhưng tôi cũng tự hỏi, trong suốt thời gian anh thanh niên ấy lang thang đầu đường xó chợ, có bao nhiêu người đã chìa bàn tay giúp đỡ, hỗ trợ anh? Và em bé kia, chắc hẳn nhiều lần em mong ai đó cứu mình, nhưng đã có ai cứu giúp em?

Câu chuyện của họ làm tôi nhớ tới một tự sự đau lòng của Kevin Hines, một người tự tử không thành. 

Năm 2000, khi mới 19 tuổi, Kevin - một thanh niên Mỹ - đã nhảy từ trên cầu Golden Gate, San Francisco để tìm đến cái chết. Rất may mắn, có người nhìn thấy cảnh này và báo cứu hộ, vì thế Kevin đã được cứu sống.

Sau này, khi trở thành một nhà hoạt động xã hội, Kevin đã kể lại hành trình tìm đến cái chết của bản thân. Bị trầm cảm nặng, Kevin đã khóc rất nhiều trên đường đi đến Golden Gate và tự nhủ trong đầu rằng chỉ cần có một người hỏi mình rằng "Này anh, anh có ổn không? Anh có cần giúp đỡ?" thì sẽ bỏ ý định tự vẫn. 

Suốt chặng đường trên xe buýt, Kevin tuyệt vọng mong chờ một ai đó tiến lại gần và nói câu này. Nhưng không một ai tỏ ra quan tâm tới Kevin, cho dù nhiều người nhận thấy anh đang trong tình trạng vô cùng tuyệt vọng. Kevin đã nhảy từ trên cầu xuống, may mắn là anh không chết.

Đừng quên chìa một bàn tay

Chắc hẳn có rất nhiều người cũng như tôi, khi nhìn vào những câu chuyện buồn này đều cảm thấy như mình có lỗi. Trong khi chúng ta ngồi ăn bữa cơm ấm cúng, vui vẻ với gia đình, có người đang đau đớn và tuyệt vọng. Và chúng ta đều hiểu rằng, chỉ cần chúng ta chìa tay đỡ họ thì kết cục đã hoàn toàn khác. 

Điều đó ám ảnh tôi, và có lẽ cũng sẽ ám ảnh rất nhiều người trong chúng ta, vì phải chăng chúng ta chưa thực sự cố gắng quan tâm đến những người đang gặp nạn, chúng ta đã thất bại trong tư cách "đồng loại" của họ?

Câu chuyện của chàng thanh niên suýt chết đói, hay của em bé bị bạo hành đến chết, cũng như của Kevin Hines chính là những tiếng chuông cảnh báo chúng ta. Chúng ta đã quá vô tình với nỗi đau đồng loại. 

Hay có lẽ, chúng ta không hẳn vô tình, nhưng luôn tự nhủ sẽ có ai đó khác giúp những người khốn khổ như họ, và bởi vì chúng ta đang quá bận rộn không có thời gian chìa tay giúp đỡ. 

Và chúng ta nhanh nhanh về tổ ấm của mình, bỏ lại những đau khổ của người khác ngoài cửa, vì đó chưa bao giờ là "chuyện" của chúng ta.

Cách đây hơn 20 năm, tôi đã đạp xe ngang qua một ông già mù dò dẫm trên đường dưới trời nắng gắt, miệng kêu xin nước uống. Tôi, cô bé học sinh vô tâm, sau vài phút phóng xe vèo qua mới nhận ra mình đã dửng dưng trước người gặp nạn. 

Nhưng tôi đã không quay đầu xe lại để giúp ông, vì bất ngờ, và cũng vì chẳng biết phải xử trí thế nào. 

Đến giờ, tôi vẫn xấu hổ vô cùng vì hành động của mình. 

Đến giờ, tôi vẫn nhớ đó là thất bại của bản thân - vì đã không làm được gì để giúp ông già mù kia.

Có lẽ, chúng ta cần sống chậm lại, và đừng quên chìa một bàn tay giúp đỡ.

Mời bạn tham gia viết bài 'Những ký ức đẹp'

Điều gì đã đọng lại trong bạn để trở thành ký ức không thể quên? Gợi nhớ ký ứckhông phải là khơi lại đống tro tàn. Ký ức đôi khi là hành trang, là chiêm nghiệm... để ta bước tiếp với đôi chân vững chãi. Có những ký ức rất đẹp, cũng có những ký ức khi hồi tưởng lại, ít nhiều trong chúng ta vẫn còn cảm thấy "nợ" người trong cuộc.

Nhằm ghi lại những câu chuyện của chính bạn hoặc của người khác nhưng gây nhiều xúc động trong bạn, Tuổi Trẻ Online kính mời bạn viết bài với chủ đề 'Những ký ức đẹp' cho chuyên mục Bạn đọc làm báo.

Bài viết không giới hạn về thể loại bao gồm: văn xuôi, văn vần, thơ, vè... dài tối đa 1.200 từ (có thể kèm clip, hình ảnh). Những bài viết khi đăng sẽ được trả nhuận bút.

Mọi thư từ, bài viết xin vui lòng gửi về: [email protected] hoặc [email protected]. Thông tin bạn đọc, tài khoản... xin ghi rõ dưới bài viết. Chân thành cảm ơn!

TUỔI TRẺ ONLINE

Làm điều đúng, một mệnh lệnh của cuộc sống

TTO - Hai câu chuyện tử tế “Nhảy sông cứu sống cô gái tự vẫn” và “Phụ xe khách trả 8.300 USD” trên Tuổi Trẻ ngày 4-4 đã đem lại cảm nhận ấm áp với nhiều người.

THIÊN KIM (Pháp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên