Ông Dương Trung Quốc (phải) và giáo sư Đỗ Quang Hưng trong chuyến đi đến kho lưu trữ Quốc tế Cộng sản năm 1993 - Ảnh tác giả cung cấp |
Vào giữa năm 1993, Liên Xô đã sụp đổ. Thời điểm chỉ sau câu chuyện đăng trên Tuổi Trẻ kể về những nhà lưu trữ Việt Nam sớm nhất tiếp cận với kho lưu trữ ở Liên Xô cũ không lâu, thì Viện Sử học Việt Nam (mà lúc đó tôi đang là phó viện trưởng) tiếp một nhà Việt Nam học Xô viết.
Đó là ông Maxlốp, một người gắn bó với Việt Nam ngay từ thời kỳ chiến tranh, đã từng được làm phiên dịch cho lãnh đạo cao cấp Việt Nam khi tiếp các chuyên gia quân sự Xô viết.
“Cổng kín tường cao” đã mở!
Chính ông Maxlốp đã thông báo với các đồng nghiệp Việt Nam về việc Lưu trữ của Quốc tế Cộng sản vốn rất “kín cổng cao tường”, nay đã đổi tên thành “Lưu trữ các tổ chức chính trị hiện đại của nước Nga”, bắt đầu mở cửa phục vụ những ai có nhu cầu.
Vào thời điểm có phần “tranh tối tranh sáng” của buổi giao thời ấy, rất nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài (đặc biệt là phương Tây) đã đổ đến khai thác, trong đó có những người quan tâm đến lịch sử chính trị hiện đại Việt Nam. Đương nhiên Lưu trữ của Quốc tế Cộng sản có nhiều hồ sơ quan trọng liên quan đến Đảng Cộng sản Việt Nam và nhiều nhân vật Việt Nam.
Ông Maxlốp làm việc tại Viện Phương Đông, trong lịch sử vốn là cơ quan của Liên Xô và Quốc tế Cộng sản dành mối quan tâm đến các quốc gia và phong trào cộng sản ở phương Đông.
Do vậy, là khách của Viện Phương Đông sẽ có nhiều thuận lợi trong việc tiếp cận khai thác tại kho lưu trữ vốn của Quốc tế Cộng sản. Và tôi có một chuyến công cán sang Nga với tư cách là khách của Viện Phương Đông.
Vào lúc đó, việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh đã được triển khai, nhóm đề tài ấy cũng rất muốn được tiếp cận với những tài liệu lưu trữ liên quan đến nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam có nhiều năm hoạt động trong Quốc tế Cộng sản ở Nga.
Những tư liệu lưu trữ đầu tiên của cơ quan lưu trữ Trung ương Đảng khai thác từ Nga đã được mang về nước, nhưng vẫn giữ chế độ bảo mật không ai được tiếp cận.
Do vậy, anh bạn thân của tôi, sau này là giáo sư - tiến sĩ Đỗ Quang Hưng giảng dạy bên Đại học Tổng hợp Hà Nội, cũng là một thành viên của nhóm đề tài ấy, đã đề nghị được tham gia chuyến đi cùng tôi.
Như thế là, chỉ sau nhóm của anh Hùng, người phụ trách cơ quan lưu trữ của Trung ương Đảng, có lẽ tôi và giáo sư Hưng là những người sớm được tiếp cận với phông lưu trữ quý giá này. Với sự giúp đỡ của Viện Phương Đông và ông bạn Maxlốp, chúng tôi được khai thác các tư liệu tại đây một cách khá thuận lợi.
Như trên đã nói, tôi không có ý định nghiên cứu sâu về lĩnh vực này, còn anh Hưng vốn là một chuyên gia thực thụ, lại thông thạo tiếng Nga (đã bảo vệ học vị tiến sĩ tại Nga), nên tôi chỉ tìm hiểu những vấn đề chung còn anh Hưng thì như “chuột sa chĩnh gạo” miệt mài khai thác. Khi tôi về nước anh còn nán lại cả tháng rồi sau đó lại được cử đi vài lần khác.
Sau này, anh cũng “trả công” cho tôi bằng việc viết một số bài báo cho tờ tạp chí của Hội sử “Xưa và Nay” với nhiều phát hiện mới nhờ khai thác được những tài liệu lưu trữ trong các chuyến đi Nga.
Nhưng cũng phải nói thêm rằng, là một người nghiên cứu chuyên nghiệp, lại là đảng viên nên giáo sư Hưng tuân thủ rất chỉn chu những nguyên tắc công bố liên quan đến lịch sử Đảng. Nên sau này gặp lại, anh vẫn nói rằng “vốn liếng” của mình còn nhiều lắm dù những tư liệu chụp mang về anh đã nộp cho đề tài một cách nghiêm túc.
Bức thư của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc gửi Ủy ban trung ương Thiếu nhi Liên Xô, ngày 22-7-1926. Trong thư là nội dung đề nghị ủy ban tiếp nhận một số thiếu nhi VN sang Matxcơva học tập (tài liệu tiếng Pháp, lưu tại Cục Lưu trữ VP Trung ương Đảng) |
Những dòng chữ trên hai rẻo giấy
Riêng tôi, tiếp cận với nguồn tư liệu lưu trữ này để lại rất nhiều ấn tượng nghề nghiệp.
Một trong những ấn tượng khó quên là khi tìm thấy trong một hộp hồ sơ lưu trữ dày cộp những văn bản giấy đã ngả màu, mực đã nhạt phai, có hai rẻo giấy, có lẽ cắt ra từ một trang giấy với bề ngang chỉ chừng hơn 1cm.
Trên đó có dòng chữ viết bằng bút chì được vót rất nhọn nên nét chữ vừa mảnh lại vừa rõ. Kiểu chữ viết rất giống của Nguyễn Ái Quốc ở nhiều văn bản khác, với nội dung báo tin cho các đồng chí của mình về việc Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập.
Nội dung mỗi rẻo giấy một ngôn ngữ: Pháp ngữ và Anh ngữ. Tôi nhớ rằng ngày và năm viết bằng con số, còn tháng thì được viết bằng chữ (6 Janvier 1930/6 January 1930).
Trong “Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản” ngày 18-2-1930 của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc có ghi rõ về hội nghị thành lập Đảng là “chúng tôi họp vào ngày 6-1” và “các đại biểu trở về An Nam ngày 8-2” (Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, trang 18). Có lẽ dùng rẻo giấy nhỏ này, người viết có ý định vê nhỏ để bí mật chuyển tới những đồng chí của mình...
Tôi vẫn nhớ tâm trạng lúc ấy chỉ muốn lưu giữ những tài liệu đó mang về nước như một hiện vật quý. Ý nghĩ ấy chỉ thoáng một cách rất tự nhiên trong đầu, nhưng trong nghề ai cũng biết rằng một khi tư liệu rời khỏi phông lưu trữ để mất xuất xứ thì giá trị cũng chẳng còn bao nhiêu.
Lần đến nước Nga ấy, tôi cũng được thăm một vị viện sĩ Nga gốc Do Thái là thầy dạy rất nhiều đồng nghiệp Việt Nam môn sử học. Ông cho tôi biết vừa giúp một phụ nữ phương Tây rất say mê nghiên cứu về Việt Nam, đặc biệt là về cuộc đời Bác Hồ, đến khai thác phông lưu trữ này.
Về sau tôi có gặp người phụ nữ này ở Pháp, nơi có một kho tàng sử liệu vô cùng đồ sộ về Việt Nam thời cận hiện đại vì lẽ nó tiếp nhận toàn bộ Phông lưu trữ của Bộ Thuộc địa Pháp từ Paris chuyển về...
Chúng ta còn biết rằng nước Mỹ giờ đây cũng là một nơi lưu trữ rất nhiều tư liệu liên quan đến Việt Nam, đương nhiên nhiều nhất vẫn là liên quan đến cuộc chiến tranh mà Mỹ đã can thiệp vào nước ta. Nhưng đây cũng là nơi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sống một thời gian không ngắn. Như thế cũng có thể coi đấy là phông lưu trữ có liên quan đến Đảng Cộng sản Việt Nam...
Cũng không thể không nói đến Trung Quốc, nơi chắc chắn có rất nhiều tư liệu liên quan đến Việt Nam. Nhưng cái quốc gia rất gần về địa lý này đôi khi lại rất khó tiếp cận...
Thực hiện đúng những gì Luật lưu trữ quy định, trong đó có những điều khoản liên quan đến quyền được khai thác, kể cả những quy định về giải mật cho phông lưu trữ này là hết sức quan trọng không chỉ đối với những nhu cầu nội bộ của Đảng, mà còn của tất cả những ai quan tâm đến lịch sử hiện đại Việt Nam.
Cho dù ai cũng hiểu rằng phông lưu trữ Đảng có những nội dung ta quen gọi là “nhạy cảm”, có nhiều yếu tố không đơn giản khi thực hiện nguyên tắc giải mật theo luật định, nhưng mong muốn được tiếp cận không giới hạn (trừ những quy định đặc thù về thời gian bảo mật) vẫn là nguyện vọng chính đáng của một xã hội coi quyền tiếp cận thông tin và sự minh bạch là chuẩn mực của dân chủ. Với một tổ chức chính trị luôn tự tin vào sứ mệnh lịch sử của mình và hoạt động theo khuôn khổ luật pháp thì triển vọng được tiếp cận rộng rãi hơn với phông lưu trữ của Đảng chỉ còn là vấn đề thời gian. Tôi nghĩ như thế. |
___________
Kỳ tới: Vừng ơi mở ra!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận