Đây là cảnh báo mới nhất của chuyên gia Tracey E. Barnett, Đại học Florida (Mỹ) về khả năng gây nghiện và những tác hại của shisha.
Đánh giá mới của bà Barnett là tập hợp kết quả của các nghiên cứu về nghiện, tổn thương phổi và sức khỏe liên quan đến hút shisha.
Mặc dù độc hại nhưng shisha đang trở thành "trào lưu" của giới trẻ thế giới, "Shisha" đã trở nên ngày càng phổ biến ở châu Âu và Tây bán cầu trong những năm gần đây.
Người Hindu hút shisha bắt đầu trên tiểu lục địa Ấn Độ trong thế kỷ 15 và sau đó lan ra thông qua đế chế Ottoman. Theo một ước tính, khoảng 100 triệu người trên toàn thế giới hút shisha mỗi ngày.
Theo bà Barnett, mùi vị mát, ngọt của shisha hấp dẫn giới trẻ và khiến người hút cứ tưởng rằng nó không độc hại. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy mức độ độc hại của shisha ở mức cao.
Cụ thể, hút shisha một lần, người hút cũng có thể bị ngộ độc khí CO (carbon monoxide, cũng là loại khí thải của động cơ xe máy), có khả năng mắc các bệnh đường hô hấp, viêm phế quản mãn tính, cúm và kể cả lao.
Sử dụng shisha lâu dài có thể dẫn đến bệnh tim và nhiều bệnh ung thư như ung thư phổi, ung thư miệng, ung thư tuyến tiền liệt. Shisha cũng gây ra các biến chứng khi mang thai tương tự như với thuốc lá.
Mặt khác, việc cùng ngậm hút chung một ống hút shisha cũng lây truyền virus viêm gan C và các dị ứng, mụn rộp.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cảnh báo, một phiên hút shisha thường kéo dài từ 20-80 phút. Như vậy, trong suốt thời gian đó, người tham gia hút shisha có thể hít một lượng khói bằng hút 100 điếu thuốc lá.
Một nghiên cứu khác của tiến sĩ Ruben Blachman Braun, Đại học Anahuac, Mexico, cho biết lượng nicotine trong nước tiểu của người hút shisha hằng ngày tương đương với một người hút 10 điếu thuốc lá mỗi ngày, đủ để gây nghiện.
Hiện nay chưa có các hoạt động y tế công cộng để nâng cao nhận thức về mức độ nguy hiểm của việc hút shisha.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận