Vài ngày trước thềm Euro 2024, siêu sao Mbappe (Pháp) châm ngòi cho một cuộc tranh cãi khi phát biểu "Euro khó hơn World Cup".
Mơ tiếp những chuyện cổ tích
Phát biểu của Mbappe vấp phải nhiều chỉ trích, trong đó có Messi. Trong quá khứ, Euro từng được xem là giải đấu "tinh lọc" hơn so với World Cup vì hầu hết các đại gia của bóng đá thế giới đều nằm ở châu Âu (trừ Argentina, Brazil).
Và do giải đấu chỉ có 16 đội nên mức độ cạnh tranh của các đại gia vô cùng khốc liệt. Nhưng từ năm 2016, Euro được UEFA mở rộng quy mô lên 24 đội. Từ đây, giai đoạn vòng bảng của vòng chung kết hầu như không còn làm khó được các đại gia. Chẳng hạn Bồ Đào Nha năm 2016 vẫn giành vé đi tiếp dù chỉ đứng hạng 3 bảng đấu (thua hai trận đầu tiên), rồi sau đó Bồ Đào Nha đoạt chức vô địch.
Chuyện gì cũng có hai mặt. Euro ngày nay không còn khốc liệt như xưa, nhưng giải đấu dần mang sắc màu của một lễ hội bóng đá rực rỡ, đa dạng các nền văn hóa.
Nối tiếp những câu chuyện cổ tích của Iceland, Xứ Wales (Euro 2016), Đan Mạch (Euro 2020) hay cả những nền bóng đá tí hon như Albania, Phần Lan, Bắc Macedonia (lần lượt giành vé dự các kỳ Euro gần đây), không ai còn dám xem thường những đội bóng trung bình ở châu Âu.
Georgia lần đầu tiên vượt qua vòng loại Euro trong lịch sử 34 năm nền bóng đá nước nhà. 3-4 năm trước ắt hẳn chẳng ai quan tâm đến cái tên Georgia. Nhưng ngày nay nhiều người hâm mộ biết đến Kvaratskhelia - ngôi sao được định giá 80 triệu euro của CLB Napoli. Anh chơi cực hay ở vòng loại để góp phần làm nên lịch sử cho đội tuyển và biến Georgia thành một đội bóng đáng xem ở Euro 2024.
Còn Slovenia - đội lần thứ hai giành vé dự Euro (lần đầu đã cách đây 24 năm) có Benjamin Sesko. 21 tuổi nhưng Sesko đang là tiền đạo được nhiều đội bóng lớn của châu Âu săn đuổi. Albania, trong lần thứ hai dự giải, sở hữu một nhóm các ngôi sao ở Serie A (Ý) như Djimsiti - người vừa vô địch Europa League cùng CLB Atalanta, hay Asllani góp công không nhỏ giúp Inter Milan đăng quang Serie A…
Một châu Âu rộng mở
Việc UEFA loại Nga khỏi Euro vì yếu tố chính trị tạo nên làn sóng tranh cãi dữ dội. Nhưng Euro 2024 vẫn sẽ là giải đấu để đời của bóng đá Đông Âu với kỷ lục 11 quốc gia ở khu vực góp mặt. Đó là Albania, Ba Lan, CH Czech, Croatia, Georgia, Hungary, Romania, Serbia, Slovakia, Slovenia và Ukraine.
Khoảng 10 năm trở lại đây, Croatia là đội tuyển chơi rất ổn định. Họ là á quân World Cup 2018, hạng 3 World Cup 2022 và đều vượt qua vòng bảng Euro 2016, 2020. Vì vậy, xếp Croatia vào nhóm đại gia cũng không hề quá đáng. Nhưng tại Euro 2024, Ukraine thậm chí được đánh giá cao hơn Croatia.
Trong tay cựu danh thủ Serhiy Rebrov là dàn sao trị giá 380 triệu euro. Họ có vua phá lưới La Liga (Tây Ban Nha) là Dovbyk. Có siêu sao đắt giá Mudryk của Chelsea. Có Zinchenko dày dạn bản lĩnh trận mạc. Và có hai thủ môn hàng đầu thế giới là Lunin (Real Madrid) và Trubin (Benfica)…
Tây Âu vẫn luôn được xem là đỉnh cao của bóng đá thế giới. Họ hùng mạnh về mọi mặt, từ sự chuyên nghiệp, ý thức chiến thuật, khoa học kỹ thuật và giờ đây là cả yếu tố đa dạng sắc tộc.
Năm 1994, tuyển Tây Ban Nha xuất hiện cầu thủ da màu đầu tiên là Donato (gốc Brazil). Mãi đến Euro 2008, Tây Ban Nha mới lại xuất hiện một cầu thủ da màu thứ hai là "người thép" Marcos Senna. Đến Euro 2024, Tây Ban Nha có tới hai tuyển thủ da màu là Nico Williams (CLB Athletic Bilbao) và Lamine Yamal (CLB Barca).
Sự cởi mở của Tây Ban Nha là ví dụ cho tính đa dạng sắc tộc của bóng đá châu Âu. Anh, Pháp và Hà Lan có quá nửa đội hình là những cầu thủ da màu. Đức, Ý, Bồ Đào Nha cũng ngày càng có nhiều cầu thủ gốc Phi. HLV Nagelsmann của Đức có thể sẽ sử dụng dàn trụ cột da màu gồm bộ đôi trung vệ Rudiger - Tah, nhạc trưởng Musiala và Henrichs - Sane là cặp đôi đá cánh.
Trong khi đó, tuyển Ý đã gọi lại El Shaarawy - chàng trai gốc Ai Cập và trao cơ hội cho cầu thủ trẻ gốc Nigeria Folorunsho. Còn với tuyển Bồ Đào Nha là Mendes, Semedo, Danilo Pereira.
World Cup luôn được ví là ngày hội bóng đá vì hội tụ đầy đủ các nét văn hóa bóng đá từ mọi miền thế giới. Nhưng giờ đây Euro cũng chẳng kém cạnh là bao, khi ở đó có chất lãng mạn của Đông Âu, tính khoa học của Tây Âu, sự dẻo dai của các cầu thủ gốc Phi và cả chất kỹ thuật của dòng máu Latin.
Bốn tuần, 51 trận đấu kéo dài từ rạng sáng 15-6 đến rạng sáng 15-7, người hâm mộ có thể thưởng thức những bữa tiệc bóng đá khác nhau qua tivi. Màn trình diễn của Mbappe hay Ronaldo vẫn là tâm điểm. Nhưng cũng đừng đổi kênh khi đó là trận đấu giữa Georgia và Thổ Nhĩ Kỳ, bởi ở đó có cuộc so tài giữa Kvaratskhelia và Calhanoglu - những cầu thủ chơi kỹ thuật nhất Serie A.
Những kỷ lục chờ bị phá ở Euro
Ra sân ở Euro 2021 khi mới 17 tuổi 246 ngày, Kacper Kozłowski hiện đang giữ kỷ lục cầu thủ trẻ nhất từng tham dự Euro. Nhưng kỷ lục này gần như chắc chắn bị phá bởi Yamal, người sẽ 16 tuổi 338 ngày khi đá trận Tây Ban Nha - Croatia. Nếu ghi bàn, Yamal sẽ phá luôn kỷ lục người trẻ nhất từng ghi bàn ở Euro của Johan Vonlanthen (Thụy Sĩ, 18 tuổi 141 ngày ở Euro 2004).
Trung vệ Pepe (Bồ Đào Nha) sẽ phá kỷ lục lớn tuổi nhất - hiện được sở hữu bởi thủ thành Hungary Gabor Kiraly khi ra sân ở Euro 2016 (40 tuổi 86 ngày). Pepe hiện đã hơn 41 tuổi.
Cuộc đua chân sút vĩ đại nhất lịch sử hứa hẹn sẽ tiếp diễn nhưng khó lòng thay đổi kết quả ở kỳ Euro năm nay. Ronaldo, với năm lần dự giải, hiện đã có 14 bàn sau 25 trận - đứng đầu danh sách và bỏ xa cầu thủ (hiện đang còn chơi bóng) thứ hai trong danh sách này là Griezmann tới 7 bàn.
Dù vậy, Kane (4 bàn) và Mbappe (chưa có bàn nào) hứa hẹn sẽ bùng nổ ở Euro 2024 để thu hẹp khoảng cách với Ronaldo. Trẻ hơn nhiều, họ sẽ có thêm thời gian để vượt qua kỷ lục của Ronaldo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận