26/06/2016 11:11 GMT+7

Một kiểu làm bảo tàng thú vị!

MINH TRANG
MINH TRANG

TTO - Chương trình "Ông bà cháu đến bảo tàng" tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP.HCM khép lại với những câu chuyện về sự bác ái, thấm đẫm tinh thần “khép lại quá khứ, mở hướng tương lai”.

Các cháu chăm chú theo dõi những bức ảnh lịch sử khi đi bảo tàng cùng ông bà - Ảnh: M.T.
Các cháu chăm chú theo dõi những bức ảnh lịch sử khi đi bảo tàng cùng ông bà - Ảnh: M.T.

Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP.HCM luôn nhộn nhịp khách ra vào tham quan dịp cuối tuần. Nhưng sáng 25-6, những khách tham quan bảo tàng không chỉ là du khách nước ngoài nữa! Họ là những gia đình người Việt ba thế hệ: ông - bà, cha - mẹ và con cháu cùng dắt tay nhau đến với bảo tàng.

Cầm trên tay chiếc mũ rơm vàng ươm được kết trong thời bình, bà Tạ Thị Dược - một trong nhiều chứng nhân trải qua những đợt giội bom liên tục của Mỹ tại miền Bắc - hóm hỉnh nói đùa với các cháu: “Mũ này kết đẹp nhưng chưa đẹp bằng bà làm ngày xưa!”.

Bà Dược kể vào những năm 1970 bà là giáo viên dạy mầm non, cô nuôi dạy của hơn 60 đứa trẻ. “Mỗi cháu chúng tôi đều làm cho một cái mũ rơm đội đi học để tránh bom bi. Ngày xưa rơm kết mũ phải là rơm hoa vàng, sợi mới bền, chặt và cứng đủ để tránh mảnh vỡ của bom đạn”.

Đem đến chương trình một cái kẹp ba lá đã cũ, bà Dược “khoe" các cháu: “Đây chính là bí kíp để kết được những nón rơm chống bom bi vừa đẹp vừa nhanh của bà đấy". Lũ trẻ tròn xoe mắt chăm chú nhìn, vừa tò mò vừa kinh ngạc.

Chia sẻ về ý tưởng thực hiện những chương trình thật tươi mới, mang đậm tính tương tác, trao đổi và gần gũi hơn tại bảo tàng, bà Huỳnh Ngọc Vân - giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh - cởi mở:

“Trong nhiều lần tham quan và học hỏi mô hình làm bảo tàng theo xu hướng mới, tôi thấy chương trình Family and museum (Gia đình và bảo tàng) của Thái Lan khá dễ thương và quan trọng là chúng ta có thể học hỏi để áp dụng ngay cho bảo tàng của mình vì chương trình này rất tinh gọn, không tốn nhiều kinh phí nhưng hiệu quả lại vô cùng khả quan.

Với lợi thế là ở mỗi quận huyện đều có CLB ông bà cháu, thực tế là sau gần sáu năm liên tục thực hiện chương trình "Ông bà cháu đến bảo tàng" (từ năm 2011) chúng tôi không những nhận được sự ủng hộ của các gia đình, mà phần đông các gia đình tham gia rồi đều quay lại, trở thành cộng tác viên của chúng tôi trong những chương trình khác, khi bảo tàng cần các tư liệu từ gia đình, cá nhân”.

Vượt qua cơn ngủ “nướng” của buổi sáng cuối tuần, Hoàng Lân (7 tuổi) và Hà My (5 tuổi) được mẹ Nguyễn Thị Hà chuẩn bị cho thật tươm tất, xinh xắn để theo chân ông bà đến bảo tàng. Chị Hà - con dâu của ông Nguyễn Văn Khải, cựu binh tham gia kháng chiến từ thời Pháp và bà Vũ Thị Đậu - nói chị rất vui được đưa cha mẹ, hai con tham gia một chương trình ý nghĩa với cả gia đình như thế này!

“Cha mình là cựu binh nên ông có rất nhiều câu chuyện hay để kể cho các cháu nghe về thời gian khổ của đất nước. Hai bé nhà mình thì đều háo hức được đi chơi với ông bà, bé Hà My còn chuẩn bị sẵn một tiết mục ca nhạc để hát tặng mọi người.

Bận bịu thì quanh năm, nhưng bảo tàng đã rất nhiệt tình hỗ trợ, thậm chí nhiều ngày trước bảo tàng đã cho hai nhân viên đến nhà mình để cùng ôn luyện, chuẩn bị những kiến thức, câu chuyện nào sẽ kể” - chị Hà nói.

Với chủ đề "Khát vọng hòa bình của Hồ Chí Minh", chương trình "Ông bà cháu đến bảo tàng" lần này đã khép lại với những câu chuyện về sự bác ái, thấm đẫm tinh thần “khép lại quá khứ, mở hướng tương lai”.

Những ánh mắt non tơ nhìn chăm chú những bức ảnh lịch sử dường như vẫn còn bối rối lắm, nhưng chắc chắn lịch sử với các em giờ đây đã gần gũi hơn một chút, bởi trong lịch sử hào hùng của đất nước có sự góp mặt của ông bà em, có những câu chuyện nhỏ trong ký ức của những người thân yêu trong gia đình.

Lịch sử với các em, cũng bắt đầu từ đó!

MINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên