TTCT - Người Nhật thì có vẻ đã tự định vị khá rõ ràng: họ sẽ tự đảm đương an ninh quốc phòng. Cái chết của ông Abe được dự báo sẽ càng đẩy nhanh điều đó Người dân Nhật nước mắt lưng tròng trong tang lễ cố thủ tướng Abe Shinzo, nhưng nước Nhật vẫn phải đi tới: cuộc bầu cử hôm chủ nhật 10-7 vẫn cứ diễn ra, cử tri vẫn đi bỏ phiếu để khẳng định quyền lực của chính phủ Fumio Kishida tới đâu trong bối cảnh căng thẳng ngày càng đe dọa sự an nguy của đất nước.Trong một cuộc bầu cử được tổ chức dưới bóng của vụ ám sát, liên minh Đảng Dân chủ tự do (LDP) - Komeito đã giành 76 ghế và giữ được đa số với khoảng cách xa ở Thượng viện. Chỉ riêng LDP đã bỏ túi 63 ghế, tức hơn phân nửa trong số 125 ghế được bầu trong cuộc bỏ phiếu vừa rồi.Cần nhắc, ông Abe đã bỏ mạng chính trong khi đang đọc diễn văn vận động bầu cử, không phải cho bản thân ông, mà cho ứng cử viên Kei Sato, thành viên Thượng viện Nhật Bản hết nhiệm kỳ nay tái tranh cử tại tỉnh Nara.Sóng trước và sóng sauSáng thứ hai 11-7, ông Sato - đã được cử tri tiếp tục chọn làm đại diện cho họ ở Thượng viện - trở lại nơi ông Abe bị sát hại, đặt vòng hoa tưởng niệm người đã nâng đỡ mình cho tới hơi thở cuối cùng. Lúc biến cố xảy ra, ông Sato đang đứng ngay cạnh "ông thầy" bảo trợ của mình. "Tôi đến để tưởng nhớ cố thủ tướng Abe Shinzo và thưa với ông rằng tôi đã trúng cử, nghị sĩ Kei Sato, 43 tuổi, cho biết. Tôi muốn làm việc theo bước chân của cựu Thủ tướng Abe, người đã luôn say mê và nỗ lực để hiện thực hóa niềm tin và chính sách chính trị của mình" (Asahi 11-7). Ông Sato từng là thư ký điều hành cho cố vấn đặc biệt của ông Abe vào năm 2014, rồi mới ra tranh cử nghị sĩ năm 2016 và đắc cử.Những di sản Abe giờ sẽ được ông Kishida kế tục. Ảnh: ShutterstockJapan Times 10-7 bình luận kết quả cuộc bầu cử vừa qua: "Các lực lượng ủng hộ sửa đổi hiến pháp đã giành được hơn 170 ghế trong Thượng viện, vượt qua ngưỡng 166 cần thiết để hướng tới sửa đổi lần đầu tiên với Hiến pháp năm 1947". Tờ báo cũng nhắc lại một chi tiết quan trọng không kém: "Khối cầm quyền hiện đã có 2/3 đa số trong Hạ viện". Bầu cử quốc hội là áp dụng mang tính vĩ mô nhất của số học: Một phép tính nhẩm cho thấy với 170/245 ghế ở Thượng viện và 2/3 số ghế ở Hạ viện, liên minh cầm quyền LDP - Komeito thừa sức thông qua bất cứ dự luật nào, trong đó có dự luật sửa đổi Hiến pháp.Đây là điều mà cố thủ tướng Abe đã ấp ủ và xả thân. Còn nhớ năm 2013, sau cuộc bầu cử Thượng viện năm đó, cũng như cuộc bầu cử Thượng viện lần này với ông Kishida, sửa đổi Hiến pháp được đề ra làm nghị trình chính. Lúc bấy giờ, ông Abe và LDP cho rằng Hiến pháp hiện tại hạn chế các lựa chọn an ninh quốc gia của Nhật Bản. Nhật Bản đã duy trì Hiến pháp theo chủ nghĩa hòa bình từ năm 1947, với điều 9 hạn chế sử dụng vũ lực.Lộ trình sửa đổi Hiến pháp đó của ông Abe vẫn còn dở dang tới khi ông thôi chức, và giờ ông Kishida sẽ đi tiếp. Tất nhiên, tiếp bước không có nghĩa là bước trên những dấu chân cũ "không sai một li".Cương lĩnh tranh cử của LDP chủ yếu tập trung vào việc nâng cao khả năng quốc phòng của quốc gia và cải thiện triển vọng kinh tế dài hạn, với hai trụ cột chính là "Bảo vệ Nhật Bản" và "Kiến tạo tương lai". Thủ tướng Kishida tóm tắt và nhấn mạnh: "Tôi quyết tâm đạt được kết quả trong mô hình kinh tế "chủ nghĩa tư bản mới" của mình, chủ yếu nhằm phục hồi nền kinh tế. Đồng thời, tôi sẽ thực hiện cách tiếp cận từng bước để tiếp tục nỗ lực của chúng tôi về ngoại giao, an ninh và sửa đổi hiến pháp" (Japan Times 10-7).Thực tế là qua cuộc bầu cử hôm chủ nhật, ông đã được sự đồng thuận của cử tri với kết quả như đã trên. Japan Times nhận định: "Cuộc bầu cử vào Thượng viện về cơ bản là một bảng điểm cho chín tháng đầu tiên của ông Kishida trong công việc của mình, và các cử tri dường như đã cho ông ấy đậu... Với Đảng LDP, trọng tâm quốc phòng và ngoại giao dường như đã có tác dụng tốt với cử tri, mà cho đến nay phần lớn thể hiện sự ủng hộ với lập trường cứng rắn của Kishida chống lại Nga".Tờ báo điểm lại tình hình nước Nhật vào tháng 7-2022 này và cuộc bầu cử bán phần Thượng viện vừa qua: "Với cuộc chiến ở Ukraine và những hậu quả kinh tế của nó, trọng tâm chính của cuộc bầu cử là kế hoạch của các đảng là nhằm giải quyết vấn đề giá cả tăng cao và thúc đẩy nền kinh tế, cũng như lập trường của họ về vấn đề Nhật Bản tăng cường khả năng quốc phòng".Một từ ngữ rất đáng lưu ý trong câu trên là "kế hoạch của các đảng". Không phủ nhận rằng liên minh cầm quyền LDP - Komeito chiếm đa số ở cả hai viện quốc hội, song điều đó không có nghĩa là LDP sẽ "tự tung tự tác". Họ vẫn phải thu xếp trước hết là nội bộ liên minh cầm quyền, và thứ đến là các đảng khác trong quốc hội, tuy là thiểu số, song vẫn đang đại diện cho một phần không hề nhỏ cử tri Nhật. Đây chính là ý nghĩa của mệnh đề "trật tự dựa trên luật pháp", mà Nhật Bản có lẽ là điển hình tiên tiến ở Á Đông.Tình hình mới, chính sách mớiTrước bầu cử, ông Kishida đã thốt ra một "sự thật": "Ukraine hôm nay có thể là Đông Á vào ngày mai", ám chỉ tham vọng lãnh thổ của các siêu cường trong khu vực, mà mối bận tâm sát sườn nhất với Nhật Bản có lẽ là vấn đề Đài Loan, và quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản kiểm soát ở biển Hoa Đông. Khi vận động cho đảng mình, ông Kishida đã nói sẽ "củng cố cơ bản" khả năng phòng thủ của Nhật Bản trong thời gian 5 năm tới bằng cách "tăng đáng kể" ngân sách quốc phòng.Những hồi chuông báo động không ngớt vang lên từ tháng 5 do sự tăng mạnh các hoạt động quân sự gần đây giữa Nga và Trung Quốc, vào lúc quan hệ Nga - Nhật đang xuống thấp vì cuộc chiến Ukraine và căng thẳng lên cao ở Đài Loan. Sau vụ 5 tàu chiến Nga quanh quẩn bên bờ biển Nhật Bản vào tháng 5, 3 tàu chiến khác xâm nhập vào vùng biển chỉ cách đảo Senkaku 24 hải lý (Japan Times 12-7). Thực tế đó từng được báo Mỹ Washington Post 24-5 mô tả qua bài viết có tựa đề: "Nga và Trung Quốc tiến hành cuộc tập trận chung đầu tiên kể từ cuộc chiến Ukraine".Tờ báo này ghi nhận: "Nga và Trung Quốc đã cho máy bay ném bom chiến lược bay qua biển Nhật Bản và Hoa Đông trong khi Tổng thống Biden ở Tokyo hôm thứ ba, cuộc tập trận chung đầu tiên của họ kể từ cuộc chiến Ukraine và là một tín hiệu rõ ràng khi họ tìm cách củng cố các liên minh khu vực trong bối cảnh quan hệ đối tác chiến lược ngày càng tăng giữa Matxcơva và Bắc Kinh".Tất nhiên, tờ báo phản ánh phản ứng của Washington, nhưng bài báo cũng dẫn lời một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ cho thấy sự hợp tác Nga - Trung có thể được nhìn thấy ra sao trong một nhãn quan khác: "Tuyên bố đó [về sự hợp tác không giới hạn Nga - Trung của hai ông Vladimir Putin và Tập Cận Bình] là bằng chứng cho thấy dù ở Đông Âu hay Tây Thái Bình Dương, Trung Quốc và Nga sẽ có phạm vi ảnh hưởng của riêng họ, nơi việc sử dụng sức mạnh với các nước láng giềng là điều tự nhiên và có thể chấp nhận được".Tất nhiên, phản ứng với những tình hình căng thẳng đó như thế nào cụ thể tùy vào vị thế và nhu cầu mỗi nước. Người Nhật thì có vẻ đã tự định vị khá rõ ràng: họ sẽ tự đảm đương an ninh quốc phòng. Cái chết của ông Abe được dự báo sẽ càng đẩy nhanh điều đó.■ Tags: Đảng Dân chủ tự doThủ tướng Abe
Ông Vũ Hồng Văn làm bí thư Đồng Nai HÀ MI 25/01/2025 Ông Vũ Hồng Văn, phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, được điều động, chỉ định giữ chức bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai.
Phá sập đường dây lừa đảo xuyên biên giới chuyên giả danh công an, cán bộ thuế, lừa hơn 13.000 người HÀ QUÂN 25/01/2025 Theo cơ quan công an, băng nhóm người Việt lừa đảo ở Campuchia đã mạo danh công an, cán bộ điện lực, thuế... gọi điện đề nghị người dân cập nhật thông tin để chiếm quyền sử dụng điện thoại, tài khoản ngân hàng.
Nga tuyên bố dùng drone cảm tử hạ xe tăng Abrams ở vùng Kursk THANH BÌNH 25/01/2025 Nga cho biết các lực lượng nước này đã dùng máy bay không người lái cảm tử (kamikaze) phá hủy chiếc xe tăng M1 Abrams của Ukraine tại vùng biên giới Kursk.
Cục diện phim Tết phức tạp sau khi 3 phim đều đã lộ diện, Nụ hôn bạc tỉ của Thu Trang xé túi mù LÊ GIANG 25/01/2025 Tối 24-1, phim 'Nụ hôn bạc tỉ' của Thu Trang chiếu ra mắt truyền thông, chốt lại bộ ba phim Tết năm nay, bên cạnh 'Bộ tứ báo thủ' và 'Yêu nhầm bạn thân'.