Nhưng Tết vẫn cứ là Tết, đến trong cái nắng lúc gắt gỏng, lúc nhẹ nhàng hay đến trong cái gió, lúc phe phẩy, lúc lất phất. Những bông mai vàng ươm trải dài trong cung đường xóm nhỏ và lũ trẻ đã mặc áo mới chạy loăng quăng.
Những điều này khiến trái tim của những người đang theo Tết về nhà nhảy nhót giống chú chim sâu sà lên đáp xuống bận rộn.
Tết, sâu đậm nhất, có lẽ là cảm giác được về nhà.
Nhà ở miền Tây là kiểu tàng tàng hồ hởi, đón người ở xa về trong những thau cá tép đồng còn nhảy xoi xói. Mảnh sân đã dọn sẵn mấy chiếc bàn để "lên mâm". Bàn thờ gia tiên được trang trí như kiểu cũ, bên trái đĩa trái cây năm thứ, bên phải bình bông vạn thọ cắm chung với một cành mai.
Tất nhiên, lũ trẻ không giống như lũ trẻ của ngày xưa, lúc tụ lại những dịp như vầy, sẽ rủ nhau chơi bầu cua ăn thun hay ngồi khoe tấm áo mới. Lũ trẻ của bây giờ, xúm xít được một chút kể mấy chuyện trường lớp bạn bè, rồi thì mỗi đứa một chiếc điện thoại.
Nhà ở miền Trung có khác một chút trong những lễ lạc soạn sành và cúng kiếng. Tết ở đây, trong ăn vẫn phải làm. Soạn sành lại chiếc thuyền đánh cá, dong xe đi cắt cỏ cho đám bò.
Cái gì cũng chắc nùi nụi trong nắng và gió, những bông mai đậm hương đậm sắc, những trái nọ trái kia vỏ cứng sần, mạnh mẽ như những đất những người ở đây.
Nhưng ở đâu cũng vậy, Tết vẫn khiến người ta mang cái chất chơi tàng tàng và yêu lại quê hương xóm giềng, mái nhà, miền quê cũ. Chén trà, chén rượu đưa theo hương mùa xuân kể lể. Những mạch tình chảy trôi và vì gặp lại tình thân, nên người ta quên hết những bận lòng, những buồn phiền và hờn giận. Cái Tết khiến người ta xích lại gần nhau thêm một chút.
Kỳ lạ, đâu phải thịt kho trứng hay măng hầm giò trong năm không được ăn, nhưng nồi thịt kho trứng và măng hầm giò dành cho Tết là của mấy bà má lụi hụi làm luôn có cái vị nhung nhớ. Nồi kho hay nồi măng hầm đều đẫm trong than củi, nên thơm cả mùi than của thứ củi vườn đã khô rốc từ mùa nắng trước.
Cái thứ lửa than đó, bọn thành thị đi xa chỉ có mắc thèm thuồng, thèm một sáng sương còn phủ mờ trên cây cỏ, bật dậy thổi lửa nấu một ấm nước, đợi lửa cháy đượm và nước sôi réo rắt thì ngồi thừ ra, và nghĩ ờ thì cuộc sống cũng chỉ có mấy phút giây vô lo như vầy gọi là hạnh phúc.
Y như bọn trẻ bây giờ, thỉnh thoảng làm những việc mà chúng gọi là "vô tri". Có sao đâu, đâu cần mãi mãi sâu sắc và mãi mãi làm gì cũng phải đúng đắn và thành tựu.
Cái Tết khiến người ta bỏ qua, làm những điều dễ chịu cùng nhau, và chẳng có gì khiến cảm xúc "dậy sóng" lên bằng tấm hình nằm ken bên nhau trong cái nhà của ba má ở quê - người ta vẫn đưa lên mạng. Ai đó cũng hài hước quá, khi muốn kể cái không khí Tết nhà mình, nhưng chẳng biết sao, hẳn đã có nhiều người dừng lại rất lâu cái tấm hình sinh động thay thế cho mọi lời ấm áp muốn nói, về cái tình thân cỡ đó.
Nhiều lắm, những cái căn nhà của ba của má vẫn nhỏ như thời thế hệ F1 từng ở. Ba bốn đứa F1 thành ba bốn cái gia đình riêng tư. Những gia đình nhỏ về lại cái nhà lúc nhỏ, cái nhà nhỏ đó, lúc nào cũng rộng cửa chào đón. Bọn con cháu chút chít, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, nằm kề nhau và cái người già khoan khoái ngồi vòng tay qua đầu gối, cười hài lòng.
Hạnh phúc là được nhìn thấy tổ ấm của mình thành những tổ ấm nhỏ. Ba bốn tổ ấm nhỏ vẫn kết nối chẳng kể đứa này còn cực khổ, đứa kia đã công thành.
Cái cảnh nằm ken nhau, khiến người khác nhìn qua, dù chỉ trên hình, cũng khiến tim dội lên một tình thương. Sự xúm xít đặc biệt đó khiến người ta hiểu rằng nhà, rằng tổ ấm chỉ cần là như vậy, mãi mãi bên nhau dù tóc đã liu rịu bạc.
Cảm ơn những đứa trẻ bây giờ bắt đầu cảm mến một khoảnh hoa trước nhà, một mái nhà coi cũ kỹ chật chội nhưng không vậy mà làm chúng phiền hà, một miền Tết trong sáng và lao xao.
Cảm ơn mùa xuân vẫn âm thầm ra đi rồi về lại, bao năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận