Một dự án bỏ hoang đã "ôm đất" hơn 10 năm - Ảnh: QUANG THẾ
Trong khi đó, ngày 2-8, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, chuyên gia cho rằng cần phải mạnh tay hơn nữa với những chủ đầu tư cố tình "ôm đất".
"Rà soát để quyết định thu hồi hay tiếp tục cho triển khai"
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Hoàng Anh Tuấn - chủ tịch UBND huyện Mê Linh - cho biết thời điểm huyện Mê Linh thuộc địa giới hành chính của tỉnh Vĩnh Phúc được phê duyệt thành vùng đô thị, phát triển công nghiệp, nông nghiệp sinh thái…
Theo đó, hầu hết các dự án trên địa bàn huyện hiện nay có từ trước ngày 1-8-2008 (thuộc Vĩnh Phúc), trong đó có 47 dự án bất động sản. Sau khi sáp nhập về Hà Nội thì gặp nhiều khó khăn vướng mắc, phần lớn các dự án chậm triển khai.
Lý giải về nguyên nhân hàng chục dự án đang chậm triển khai, ông Tuấn cho biết có nhiều lý do liên quan đến điều chỉnh quy hoạch chung của thủ đô Hà Nội, điều chỉnh phân khu đô thị và nhiều điều chỉnh khác dẫn đến các dự án phải điều chỉnh theo quy hoạch.
"Dự án chậm triển khai thì chủ trương đầu tư cũng chậm, phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, gia hạn giấy phép đầu tư. Có những dự án được phép phân lô bán nền nhưng cũng có dự án phải xây thô mới được bán chính là những khó khăn về chính sách", ông Tuấn nói.
Dự án bất động sản hàng ngàn tỉ đồng thành nơi chăn thả gia súc - Ảnh: QUANG THẾ
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, về chủ quan thì cũng có nhiều nhà đầu tư năng lực hạn chế, có chủ đầu tư hạn chế cả về triển khai thủ tục dự án và năng lực tài chính. Ngoài ra, đơn giá bồi thường tại các thời điểm khác nhau đã dẫn đến công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn.
"Ví dụ dự án có khoảng 50ha đã đền bù được 30-40ha theo giá của Vĩnh Phúc nhưng khi áp giá của Hà Nội thì cao hơn. Bên cạnh đó, một số dự án người dân chưa chấp thuận bồi thường. Khi áp theo giá của Hà Nội tác động đến tài chính của doanh nghiệp phải chi trả tăng lên", ông Tuấn nói.
Một số dự án khác sau khi được gỡ vướng đã "hồi sinh" - Ảnh: QUANG THẾ
Cần mạnh tay với chủ đầu tư cố tình "ôm đất"
Ông Tuấn cho biết thêm: "Chậm triển khai chúng tôi sốt ruột lắm, đất hoang hóa. Nhiều dự án được giao đất nhưng chưa triển khai thủ tục gì về đền bù giải phóng mặt bằng. Có dự án thì mới đền bù, đền bù gần xong, có cả dự án chưa đền bù để cỏ mọc um tùm. Nhiều khó khăn về cơ chế, quy định, chính sách thay đổi, năng lực nhà đầu tư…", ông Tuấn cho hay.
Được biết, nhiều dự án đã được "khơi thông", trong đó có một số dự án nhà ở xã hội, tuy nhiên cũng còn không ít dự án đang quây tôn để cỏ dại bủa vây.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường - cho biết đã đến thời điểm UBND huyện Mê Linh và UBND TP Hà Nội cần mạnh tay thu hồi dự án sau 48 tháng giao đất mà không triển khai theo Luật đất đai năm 2013.
Ông Võ cho biết thêm: "Mê Linh là vùng rất tiềm năng vì gần trung tâm, giáp ranh nhiều quận, huyện quan trọng của thủ đô. Tại nhiều cuộc hội thảo bàn về quy hoạch đô thị cũng đã có nhiều ý kiến đề xuất cần đưa Mê Linh và một số huyện lân cận trở thành thành phố du lịch, phát triển nông nghiệp quy mô lớn…".
"Tuy nhiên trong suốt hơn 10 năm qua, nguồn lực về đất đai ở khu vực này vẫn chưa được khơi thông. Nhiều cánh đồng trồng lúa, hoa màu đã nhường đất cho các dự án nhưng rồi lại bỏ không lãng phí. Trong khi người dân không có đất để canh tác, còn Nhà nước thì cũng không thu được thuế", ông Võ nói.
Đại diện UBND huyện Mê Linh cho biết, từ những bất cập trên, Huyện ủy, UBND, HĐND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban để báo cáo lên Thành ủy, HĐND TP, UBND TP Hà Nội tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Mục tiêu là đánh giá đúng những dự án tiếp tục được triển khai hoặc cần phải thu hồi. Đối với dự án tiếp tục được triển khai thì sẽ tháo gỡ từng bước.
Trước đó, ngày 22-10-2021, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định số 4554 thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đối với 60 dự án với diện tích 3.801,77ha. UBND TP Hà Nội giao Sở Tài nguyên và môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND huyện Mê Linh kiểm tra, rà soát từng dự án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận