Học sinh TP.HCM thuyết trình về đề tài nghiên cứu khoa học của mình tại Ngày hội khoa học kỹ thuật do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức. Đây cũng là một căn cứ để đánh giá cho điểm học sinh - Ảnh: H.HG.
Ở TP.HCM hiện nay, các trường THCS, THPT đã thực hiện nhiều hình thức kiểm tra mới lạ thay cho hình ảnh các em cặm cụi ngồi viết bài trên giấy như nhiều người thường nghĩ đến. Cách đánh giá này khiến học sinh thích thú hơn nhưng qua cách thực hiện, xuất hiện nỗi lo về "điểm ảo".
Thuyết trình để lấy điểm kiểm tra
"Tuần trước, con tôi nhờ mẹ mua cho một quả cà chua và một củ hành tây để đem vào lớp thực hành rồi cô giáo chấm điểm. Môn lịch sử thì các cháu sẽ tự tìm hiểu về các danh nhân VN rồi thuyết trình để được chấm điểm, coi như làm bài kiểm tra" - chị Nguyễn Thị Thu Thủy, phụ huynh học sinh lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, cho biết.
Chị Thủy kể cách đây 5 năm, cháu lớn nhà chị vào lớp 6. Hồi ấy cháu sốc vì lịch làm bài kiểm tra dày đặc, môn này nối tiếp môn kia, hết kiểm tra 15 phút lại đến 1 tiết. Mới vào lớp 6 được 1 tháng mà gần như ngày nào các cháu cũng phải làm bài kiểm tra, rất áp lực.
"Nay thấy kiểm tra theo các cách kể trên có phần nhẹ nhàng hơn, học sinh không còn học thuộc lòng, viết đến mỏi tay như trước là đổi mới tích cực rồi" - chị Thủy nhận xét.
Tương tự, ở Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1), giáo viên cho học sinh vận dụng kiến thức lý thuyết đã học để thực hành, giải quyết vấn đề thực tiễn rồi chấm điểm - lấy điểm kiểm tra 15 phút hoặc 1 tiết ở các môn vật lý, hóa học, sinh học. Riêng những môn xã hội thì nhà trường sẽ tăng cường cho học sinh học trải nghiệm.
Theo cô Lê Thị Thanh Giang - hiệu trưởng nhà trường, mỗi tổ, bộ môn của trường sẽ xây dựng kế hoạch giảng dạy cho năm học này. Trong đó có kế hoạch cụ thể về phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh, bài nào làm trên giấy, bài nào thực hành, bài nào dạy theo hướng tích hợp liên môn, dạy theo dự án... cùng cách thức đánh giá học sinh, cho điểm... Ban giám hiệu nhà trường sẽ thẩm định, góp ý kế hoạch của mỗi tổ, bộ môn dựa trên cơ sở năng lực của học sinh.
Trong khi đó, công tác đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh đã được thực hiện ở Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) từ nhiều năm nay. "Đây là chủ trương chung của nhà trường, đi kèm với việc đổi mới phương pháp giảng dạy" - thầy Trương Minh Đức, giáo viên môn văn Trường THPT Lê Quý Đôn, chia sẻ.
Thầy Đức cho biết đã từ lâu thầy không thực hiện kiểm tra miệng vào đầu giờ học vì gây áp lực, tạo sự hồi hộp, lo lắng cho học sinh. Thay vào đó, điểm kiểm tra miệng bằng việc cho học sinh phát biểu trong quá trình học tập. Khi giảng bài mới sẽ ôn lại kiến thức của bài cũ, học sinh nào trả lời được là có điểm.
Thầy Đức chia sẻ thêm một cách cụ thể: "Vào đầu mỗi học kỳ, tôi sẽ liệt kê một số chủ đề và để học sinh chọn lựa một chủ đề mà các em tâm đắc nhất để thuyết trình, lấy làm cột điểm kiểm tra 1 tiết theo thang điểm 10.
Trong đó, 3 điểm dành cho các phương tiện hỗ trợ bài thuyết trình (hình vẽ, clip, sản phẩm học sinh tự làm...), 4 điểm dành cho phần nội dung và cách thức trình bày bài thuyết trình, 3 điểm còn lại là phần trả lời câu hỏi của giáo viên và bạn cùng lớp".
Nỗi lo "điểm ảo"
Nhận xét về những hình thức đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh, một cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng nếu lấy ý kiến học sinh thì đa số các em sẽ không thích làm bài kiểm tra trên giấy. Các em thích được học trải nghiệm, học qua dự án, học bên ngoài nhà trường...; khi làm kiểm tra thì trình bày bằng lời nói, diễn kịch, trả lời chất vấn... Tuy nhiên, hình thức kiểm tra nào cũng có ưu và khuyết điểm.
Vì thế, hiệu trưởng một trường THPT ở TP.HCM lưu ý việc cho học sinh học theo dự án rồi đánh giá, cho điểm nếu không cẩn thận thì sẽ cho "điểm ảo" - không phản ánh đúng năng lực của học sinh.
"Tôi từng nhận được phản ảnh của phụ huynh rằng thầy giáo chấm điểm không công bằng, con của họ phải làm rất nhiều việc cho dự án nhưng điểm chỉ bằng điểm của các học viên khác trong nhóm" - vị hiệu trưởng này kể.
Tình trạng trên không phải cá biệt, ông H.V.T. - phụ huynh học sinh lớp 8 - bức xúc kể lớp con ông làm một dự án liên môn văn - sử - địa - GDCD - tiếng Anh. Nhóm của con ông gồm 8 học sinh, có nhiệm vụ đi đến các bảo tàng và bệnh viện để chụp ảnh, quay phim, phỏng vấn... nhưng thực tế cả nhóm chỉ có 3 học sinh làm việc, còn 5 học sinh khác thì ỷ lại, không chịu làm gì.
Con ông làm trưởng nhóm, nhắc nhở các bạn vẫn không nghe. Đến ngày nộp sản phẩm, lo lắng nhóm mình sẽ bị điểm kém, con ông thức cả đêm để làm thay phần việc của 5 học sinh kia. Vậy mà khi chấm điểm thì 8 học sinh đều có số điểm như nhau. Cháu rất bức xúc nhưng không dám phản ảnh với thầy giáo vì sợ bạn tẩy chay.
Từ đó, ông T. đề nghị: "Đáng lẽ trước khi đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh thì giáo viên phải hiểu rõ phương pháp giảng dạy trước đã. Tôi cũng làm việc trong ngành giáo dục nên tôi hiểu muốn dạy học theo dự án, muốn dạy học trải nghiệm... trước hết học sinh phải được học tập về cách làm việc nhóm (trách nhiệm của mỗi thành viên trong nhóm, sự phối hợp, chia sẻ...). Giáo viên cũng phải có thang điểm cụ thể khi chấm điểm để đảm bảo sự công bằng".
"Giáo viên có thể sử dụng các hình thức sau thay cho các bài kiểm tra hiện hành: đánh giá qua bài thuyết trình, qua thái độ học tập của học sinh; qua hồ sơ học tập, vở hoặc sản phẩm học tập; qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một dự án, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm, tiết học trải nghiệm ngoài nhà trường...
Riêng đối với các bài kiểm tra, các trường THCS, THPT phải thực hiện kết hợp một cách hợp lý giữa kiểm tra lý thuyết và kiểm tra thực hành; tăng dần các dạng câu hỏi vận dụng, câu hỏi liên hệ với việc giải quyết những vấn đề của thực tiễn cuộc sống".
(Trích văn bản hướng dẫn về công tác chuyên môn năm học 2019-2020 của Sở GD-ĐT TP.HCM)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận