14/07/2015 10:51 GMT+7

Lạ lùng cái chuyện họ tên: một họ thành bốn mươi họ

PHẠM XUÂN DŨNG
PHẠM XUÂN DŨNG

TT - Việc thay tên đổi họ trong lịch sử nước Việt cũng đã xảy ra nhiều lần, hệ lụy từ những biến cố của các triều đại, hoạn nạn của các dòng tộc, làng xã.

Khu di tích vương triều nhà Mạc tại Hải Phòng - Ảnh: P.X.D.
Khu di tích vương triều nhà Mạc tại Hải Phòng - Ảnh: P.X.D.

>> Kỳ 1:
>> Kỳ 2:
>> Kỳ 3: 

Trong đó, điển hình là việc con cháu nhà Mạc phải đổi họ sau khi triều đại này sụp đổ. Họ Mạc đổi thành 40 họ. Bây giờ con cháu dòng họ này đã ly tán khắp nơi, nhưng nếu muốn tìm hiểu gốc rễ phải về Hải Phòng.

Đổi họ để thoát hiểm

Trong cái nắng hè như thiêu như đốt, chúng tôi tìm về làng Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng. Đây là nơi phát tích vương triều nhà Mạc, kéo dài 65 năm của thế kỷ 16. Đường từ thành phố cảng về làng khá xa và quanh co. Một vùng quê văn vật mở ra trước mắt chúng tôi.

Cô Nguyễn Thị Chung, hướng dẫn viên khu di tích lịch sử quốc gia vương triều nhà Mạc, ân cần giới thiệu:

“Vai trò của triều Mạc trong giai đoạn trị vì đã được các nhà sử học nhìn nhận lại. Mới đây đã có cuộc hội thảo khoa học về nhà Mạc vào ngày 21-6 thu hút nhiều nhà nghiên cứu tham gia. Điều đáng nói là do một biến cố lịch sử kinh hoàng mà con cháu họ Mạc đã phải đổi họ để tồn tại”.

Biến cố ấy chính là cuộc thảm sát khủng khiếp, khiến họ Mạc tan đàn xẻ nghé suốt mấy trăm năm và kiên nhẫn chờ đợi một cuộc trùng phùng.

Tài liệu của khu di tích quốc gia vương triều nhà Mạc cho biết khi nhà Mạc suy vong, Trịnh Tùng chiếm Thăng Long, phát động chiến dịch tàn sát thảm khốc con cháu dòng họ vừa sa cơ thất thế.

Vua Mạc Mục Tông (tức Mạc Hậu Hợp) bị truy đuổi gắt gao phải xuống tóc giả làm nhà sư trốn trong chùa, nhưng rồi cũng phải ra hàng. Trịnh Tùng đã cho treo sống ba ngày rồi mới xử trảm, lấy đinh đóng vào hai mắt, sau đó đem thủ cấp về dâng nộp vua Lê, khiến ai nấy đều kinh hãi.

Trong một ngày, hơn 60 người họ Mạc bị thảm sát, thây phơi đầy đồng. Nhiều thân vương chịu không nổi không khí khủng bố quá nặng nề đã tự sát hoặc dấy binh tạo phản.

Tình cảnh họ Mạc lúc ấy thật vô cùng bi đát, tưởng không tìm được lối thoát. Con cháu họ Mạc lánh nạn khắp nơi, mai danh ẩn tích sống qua ngày. Nhưng chúa Trịnh vẫn không buông tha, cuộc truy sát trả thù vẫn không hề chấm dứt. Làng Cổ Trai của họ Mạc gần như bị san phẳng.

“Bỏ chân không bỏ đầu”

Cũng theo tài liệu của khu di tích này, trong bước đường cùng, họ Mạc đã đi đến một quyết định táo bạo và cực kỳ hệ trọng: đổi họ để qua cơn nguy biến.

Nhưng đổi như thế nào khi con cháu họ Mạc đã phiêu tán khắp nơi? Đổi họ nhưng phải làm sao giữ gìn gốc tích để đời sau còn biết cội nguồn tìm về.

Trong cơn nguy cấp, họ Mạc đã tìm thấy phương lược khá vẹn toàn, để dẫu có qua hàng trăm năm vẫn nhận lại được họ gốc của mình. Cách đổi họ này được xem là diệu kế: “khử túc bất khử thủ”, nghĩa là: “bỏ chân không bỏ đầu”.

Theo đó, Mạc trong chữ Hán có bộ “thảo đầu”. Họ Mạc đã đổi thành hàng chục họ khác bằng cách lấy họ Lê, Hoàng, Phạm, Thái, Nguyễn, Đoàn, Lều, Bế, Ma, Hà, Vũ, Thạch... và ghi thêm “bộ thảo” trên đầu các chữ Lê, Hoàng, Phạm, Thái... để làm dấu đó là họ Mạc.

Theo tài liệu “Việc cải đổi danh tính họ Mạc” của tác giả Hoàng Lê, tại các địa phương Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình có họ Hoàng mang bộ “thảo đầu” trên chữ Hoàng thì đó chính là họ Mạc.

Tượng tự là họ Thái (Nghệ An), Phạm (Nam Định), Lều, Thạch (Hà Nội), Hà, Vũ (Thái Bình), Hoa (Hải Phòng), Bế, Ma (Cao Bằng), Đoàn (Bắc Giang), Nguyễn (Hà Nội, Thái Bình)...

Cũng theo tác giả Hoàng Lê, họ Mạc còn đổi họ bằng cách giữ chữ Đăng trong Mạc Đăng Dung, vua Thái tổ của triều Mạc, làm chữ lót, hình thành nên các họ như: Lê Đăng, Hoàng Đăng, Phạm Đăng, Phan Đăng, Thạch Đăng, Bùi Đăng... đều là họ Mạc.

Ông Mạc Như Thiết, tộc trưởng họ Mạc ở làng Cổ Trai, cho biết truy cứu gia phả các dòng họ đã tìm thấy ít nhất 40 họ gốc là họ Mạc. Vì vậy chủ tịch hội đồng Mạc tộc VN là ông Thái Khắc Việt, phó chủ tịch là ông Hoàng Văn Kế. Họ Thái và họ Hoàng của hai vị này đều là họ Mạc.

Tôi xin phép vào thăm hậu đường khu di tích. Bên cạnh bàn thờ các đời vua Mạc có thanh bảo đao nổi tiếng của Mạc Đăng Dung trang trọng bày trong tủ kính, nghe nói khi chưa gỉ sét nặng đến 30kg.

Vậy mà tương truyền Mạc Đăng Dung thời trẻ đã dùng cây đao này ra Thăng Long thi võ đỗ đầu, rồi cùng nó xông pha trận tiền. Khi vua Lê chúa Trịnh thắng thế, cây đao báu này lại theo hậu duệ nhà Mạc lưu lạc nhiều nơi, cuối cùng mới được về lại cội nguồn.

Ông Mạc Như Thiết (phải) - tộc trưởng họ Mạc - kể câu chuyện “một họ thành 40 họ” - Ảnh: P.X.D.
Ông Mạc Như Thiết (phải) - tộc trưởng họ Mạc - kể câu chuyện “một họ thành 40 họ” - Ảnh: P.X.D.

40 họ tìm về một họ

Chúng tôi lại đến thăm từ đường họ Mạc ở làng Cổ Trai. Ông Mạc Như Thiết vừa pha trà vừa ôn tồn trò chuyện. Ông Thiết kể họ Mạc không chỉ bị “tru di tam tộc” mà bị truy sát đến cửu tộc.

Họ Mạc buộc lòng ly tán khắp nơi, lên Cao Bằng, Thái Nguyên, vào tận Quảng Nam, Quảng Ngãi và phải thay tên đổi họ mới mong sống được.

Vậy họ Mạc ở làng Cổ Trai có phải đổi họ hay không? Vị trưởng tộc ngoài 70 tuổi cho biết: “Phải giữ chứ để sau này con cháu các nơi còn biết về nhận lại gốc tích, nếu không còn gì mà nhận họ.

Các cụ tiền bối bấy giờ nhận định tai ương rồi cũng phải qua, nên cố gắng bằng mọi cách phải giữ lấy họ mình. Kể cũng lạ, chúng tôi vẫn giữ được họ, đúng hơn là phải đổi sang họ Trần để tạm yên, đến khi tình hình lắng xuống thì lại trở về họ Mạc”.

Tôi hỏi vị trưởng tộc: “Các nơi về nhận họ như thế nào?”. Ông Mạc Như Thiết đáp: “Sau này hậu duệ họ Mạc cứ theo gia phả mà về nhận họ. Cũng có trường hợp không có gia phả vì anh biết đấy, thời phong kiến kinh khủng lắm.

Nhiều khi không cần phải xét xử gì đâu, thấy có vẻ khả nghi là con cháu họ Mạc thì xử tội ngay, nên nhiều người không dám ghi họ thật vào gia phả. Nhưng các cụ khi phiêu bạt cũng luôn truyền miệng dặn lại người đời sau gốc tích của mình để con cháu biết đường tìm kiếm cội rễ.

Thời chống Pháp, tôi đã chứng kiến nhiều người về đây tìm họ, nhất là mạn Cao Bằng, Lạng Sơn. Sau này thì nhiều nơi từ miền Trung, miền Nam, cả nước ngoài cũng về đây nhận họ. Mới đây khi giỗ tổ họ Mạc, có đến 2.000 đại biểu trong nước và nước ngoài về dự, ngồi chật cả sân lớn”.

Ông Thiết xác nhận có câu sấm Trạng Trình về chuyện trùng phùng hội ngộ của họ Mạc: “Đó là hai câu tiên tri được khắc ở nhà thờ họ Lều tại Thường Tín (Hà Nội) và lưu truyền trong dân gian: “Tứ bách niên tiền chung phục thủy / Thập tam thế hậu dị nhi đồng”.

Nghĩa là: bốn trăm năm trước cùng đồng lòng thờ một tổ, mười ba đời sau tuy khác họ nhưng vẫn chung một cội một nguồn.

Bây giờ thấy đúng vậy, con cháu nhà Mạc về nhận gốc ngày càng đông, có đến 40 họ, chung sức chung lòng lo toan mọi việc lớn nhỏ.

Như công trình di tích lịch sử quốc gia vương triều nhà Mạc được Nhà nước cấp kinh phí xây dựng 20 tỉ đồng, họ Mạc chúng tôi ở khắp nơi đóng góp thêm 80 tỉ đồng để hoàn thành. Đó là tấm lòng con cháu đối với công lao tiền nhân”.

Một kết thúc có hậu sau mấy trăm năm con cháu họ Mạc phải lao đao thay họ đổi tên.

______________________

Kỳ tới: Chuyện lạ họ Trần

PHẠM XUÂN DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên