TTCT - Điều gì khiến một người con trai là con trai hoặc một người con gái là con gái? Đó là tất cả những thứ nhìn thấy được hay là thứ gì đó sâu thẳm bên trong? Khi chọn cho mình cái tên J-Jay thay vì tên khai sinh Jenifer, J - nhân vật chính trong tiểu thuyết Tôi là J (*) của nữ tác giả Cris Beam - đã thay đổi một thứ nhìn thấy được để có thể đến gần hơn với bản chất vô hình của mình. Phóng to Cha mẹ của Jenifer Juana Silver hết lòng yêu thương con gái. Họ làm việc vất vả, tiết kiệm suốt nhiều năm để con có thể vào bất cứ đại học nào và có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng có những sắp đặt hoàn toàn nằm ngoài ý muốn, vì Jenifer thật ra là một đứa con trai sinh ra trong cơ thể con gái. Cris Beam là nhà văn Mỹ, giáo viên dạy viết văn tại Đại học Columbia và Đại học New York. Cuốn sách đầu tay của bà Transparent: Love, Family and Living the T with Transgender Teenagers (2007) đã đoạt giải Lambda Literary và Stonewall Honor Book. Tôi là J (2011) là tiểu thuyết đầu tiên có nhân vật chuyển giới được đưa vào danh sách sách nên đọc của các trường trung học ở bang California. Sở hữu năng khiếu nghệ thuật đáng quý với tính cách độc đáo, nhưng J chưa bao giờ được sống thoải mái mà luôn bị chế nhạo, thách thức và xử tệ chỉ vì bề ngoài của mình. Tâm lý hoàn toàn là của một người con trai, bởi vậy J luôn phải đối mặt với nỗi hổ thẹn ghê gớm khi sống trong cơ thể nữ giới. J tìm cách che giấu, cố làm cho mình trở nên vô hình bằng những lớp quần áo rộng lùng thùng và cư xử theo lối chẳng con gái chút nào. Thế nhưng khi J bắt đầu có tình cảm đặc biệt với cô bạn thân duy nhất Melissa thì nhiều mâu thuẫn không thể tránh khỏi đã nảy sinh. J biết rằng mình phải tự tiến lên để được sống đúng như là mình. Những can thiệp y học để thay đổi cơ thể chỉ là chuyện nhỏ, điều khó khăn hơn cả là giành được sự chấp nhận đối với thân phận thực của một người chuyển giới. Con đường đầy bất trắc đó J phải tự đi một mình, nhưng không thể tới đích nếu không có những người thật sự yêu thương và trân trọng nó vì chính bản thân nó. Sau tác phẩm Transparent rất thành công dựa trên câu chuyện có thật về một nhóm thiếu niên chuyển giới, Cris Beam tiếp tục khai thác đề tài vừa nhạy cảm vừa gai góc này bằng tiểu thuyết. Nhờ thế mạnh của thể loại hư cấu, nhân vật J được xây dựng rất sống động. Thu mình trong thế giới riêng nhưng J không trốn chạy một cách tiêu cực, mà luôn khao khát dấn thân để giành lấy những gì mình muốn. Phản ứng của J trước ý định xây dựng tiết mục múa của Melissa - thể hiện hình ảnh người chuyển giới như một sự lột xác hay biến hóa - là một trong những điểm then chốt của cuốn sách. J luôn cố gắng thể hiện một thực tế: chẳng có sự biến hóa nào cả, nó luôn là con trai, không phải người đồng tính nam hay đồng tính nữ, nó chỉ sinh ra nhầm cơ thể mà thôi. Nó có thể thẳng thắn, quyết đoán như một chàng trai đích thực, nhưng cũng yếu đuối, sợ hãi vì đơn giản nó là con người. Là người chuyển giới có gì đó đặc biệt, nhưng đồng thời cũng bình thường. Nó cũng bao gồm những khía cạnh xấu và tốt, thú vị và điên rồ, và đầy nhân tính như mọi thứ trên đời. Vậy mà rất khó khăn để làm người khác hiểu ra điều hiển nhiên ấy. Nói cho cùng, cuốn sách của Cris Beam không hẳn viết về một người chuyển giới, mà là câu chuyện về hành trình tìm kiếm bản ngã, về sự thỏa hiệp và từ bỏ để hướng tới hạnh phúc. Ở đây không chỉ người chuyển giới được đề cập như “kẻ khác biệt”, còn có vấn đề về sắc tộc, về các thế hệ, các khuynh hướng sống khác nhau, đó đều có thể coi như những nhóm thiểu số với những khó khăn riêng để hòa nhập. J từng băn khoăn: Mà cuối cùng con người là cái gì? Là phép cộng gộp tất cả các phần lại à? Hay là một vài phần thôi? Có phải một người chỉ là những gì mà anh ta thừa nhận, hay là cả những gì anh ta chối bỏ? Có lẽ điều quan trọng nhất là học cách trân trọng tất cả những khả năng đó. Làm sao nó giải thích được với cô rằng nó không phải là nguồn cảm hứng, hay con rối, hay đồ chơi của ai hết. Làm sao nó giải thích được rằng cô không thể bắt đầu hiểu về cuộc sống của nó khi mà phần lớn thời gian ngay chính nó còn không hiểu được?... Điều đó cũng giống như... dòng máu đang chảy trong huyết mạch nó. Đó là bất biến, là hiển nhiên, không phải là thứ nó kiểm soát hay lựa chọn được. Người ta có thể đắp ra bên ngoài đủ loại cơ bắp và da thịt, rồi thêm quần áo cùng hình xăm, son phấn và mũ nón, nhưng không gì có thể thay đổi được dòng máu ấy. (Tôi là J) (*): Tôi là J, tiểu thuyết của Cris Beam, Dương Xuân Thảo dịch, Công ty Đông A và NXB Văn Học, 2013 Tags: Tiểu thuyếtThanh VânTôi là JCris Beam
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Chỉ còn 18% viên chức Đại học Quốc gia TP.HCM nhận lương từ ngân sách TRẦN HUỲNH 23/12/2024 Đại học Quốc gia TP.HCM tinh giản biên chế gần 10 năm qua với số viên chức nhận lương từ ngân sách nhà nước hiện còn 1.154 người (khoảng 18%).
Tình báo Mossad tiết lộ toàn cảnh kế hoạch tinh vi kích nổ máy nhắn tin và bộ đàm của Hezbollah THANH HIỀN 23/12/2024 Hàng nghìn máy nhắn tin và bộ đàm của các thành viên lực lượng Hezbollah đã đồng loạt phát nổ tại Lebanon vào tháng 9 vừa qua. Vì sao?
Chi tiết các bảng lương viên chức năm 2025 THÀNH CHUNG 23/12/2024 Tuổi Trẻ Online giới thiệu với bạn đọc thông tin chi tiết toàn bộ bảng lương viên chức dự kiến được áp dụng từ năm 2025.
Công bố Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2025 với nhiều nội dung mới TRỌNG NHÂN 23/12/2024 Ngoài tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp, năm 2025, báo Tuổi Trẻ tổ chức thêm ba ngày hội Tự tin vào lớp 10 tại TP.HCM và Hà Nội.