07/10/2018 06:34 GMT+7

Một hàng cây để giữ...

TRẦN VĂN TƯỜNG (quận 9, TP.HCM)
TRẦN VĂN TƯỜNG (quận 9, TP.HCM)

TTO - Câu chuyện của tôi còn là một mong muốn gửi đi rằng nếu mỗi người có một hàng cây xanh để giữ gìn...

Một hàng cây để giữ... - Ảnh 1.

Quê tôi ở Quảng Ngãi, mảnh đất có khí hậu khắc nghiệt, nắng thiêu, mưa dầm. Tụi trẻ bọn tôi thường đi bộ tới trường trên con đường đất đỏ dọc bờ sông dài chừng 3km.

Hai bên đường may mắn có xanh, nơi tụi học sinh dừng chân nghỉ mát, núp mưa, trẻ trong xóm tụ tập vui chơi, người già cũng đến hóng mát.

Những ngày nắng nóng, đi bộ giữa hàng cây thật dễ chịu, nhẹ lòng. Những buổi chiều không đi học, tôi vẫn dạo chơi trên con đường ấy, thích thú nghe tiếng ríu rít trên ngọn cây của chim sâu, se sẻ, chích chòe, đậu mũ...

Một ngày, tôi ngỡ ngàng nghe tin con đường dọc bờ sông sắp được mở rộng nâng cấp, phải đốn hạ hàng . Tới ngày, một đội công nhân mang búa, rìu, cưa, dây thừng, thang leo... đến.

Tôi và nhiều người trong xóm tập trung lại, nhìn hàng cây quen thuộc lần cuối, vẻ tiếc nuối hiện lên các khuôn mặt.

Một bác lớn tuổi trong xóm thiết tha góp ý rằng hàng cây có mấy chục năm rồi, biết bao nhiêu kỷ niệm với người dân, hãy nghĩ cách giữ lại khi làm con đường mới.

Một anh cán bộ bên thi công giải thích: "Đâu còn cách nào khác bác ơi! Đốn cây mới có mặt bằng để làm đường".

Bác ấy vẫn tha thiết, cầm tay anh kỹ sư cầu đường nói: "Các chú hãy nghĩ cách đi, nghĩ thì sẽ có cách thôi, làm sẽ được mà". Anh kỹ sư hứa "sẽ báo cáo chủ đầu tư xem xét".

Ngay lúc đó, bác viết bức thư tay gửi chủ đầu tư và chủ tịch UBND xã kiến nghị giữ lại hàng cây. Kết quả: hàng cây đã được giữ lại, con đường dịch chuyển lệch qua một bên.

Trong khoảnh khắc ấy, giấc mơ sẽ làm kỹ sư cầu đường lóe lên trong tôi, dù chỉ nhằm một mục đích để có thể đề xuất giữ lại nhiều hàng cây tương tự.

Tôi vốn học không giỏi, lại nhút nhát và còn ngại va chạm, cũng chưa từng đặt ra mục tiêu cho nghề nghiệp hay công việc của mình sau này, thậm chí từng có người còn khuyên nên cho tôi nghỉ học.

Nhưng câu nói tha thiết "các chú hãy nghĩ cách đi, nghĩ thì sẽ có cách thôi, làm sẽ được mà" của người đàn ông lớn tuổi trong xóm hồi ấy đã như một viên thuốc tiếp động lực cho tôi suy nghĩ tích cực rằng nếu việc gì cũng nghĩ cách, cố gắng hết sức thì mình sẽ làm được.

Trong lòng tôi, một khát vọng và niềm tự tin sâu thẳm bắt đầu hiện hình.

Thế là để thực hiện ước mơ của mình, tôi tập trung hết sức vào việc học. Tôi mượn sách toán sơ cấp về tìm hiểu, mua sách ôn thi về tự nghiên cứu, lòng dặn lòng luôn phải toàn tâm toàn ý cho việc học.

Nhiều lần tôi cột chân vào ghế để cản mình đi chơi, tập trung ngồi học, tự đặt mục tiêu một lần ngồi học ít nhất hai tiếng đồng hồ, mỗi ngày phải học từ sáu đến tám tiếng...

Năm học lớp 12, sức học của tôi tiến bộ rất nhiều, thầy cô và các bạn cùng lớp đều ngạc nhiên. Thi xong tốt nghiệp phổ thông, từ kết quả làm bài, tự tin mình sẽ đậu, tôi ôn thi vào ngành cầu đường.

Lên Sài Gòn ôn thi gần hai tháng ở một trường đại học lớn, nhiều đêm tôi thức trắng để ôn bài, giải đề mẫu. Nhưng bấy nhiêu thời gian chưa đủ để tôi lấp đầy kiến thức bị hổng.

Tôi thi rớt đại học. Nhà không đủ tiền cho tôi ôn thi đại học thêm một năm nữa, tôi đành vào học trung cấp theo định hướng của gia đình, rồi ra trường đi làm cho một công ty tư nhân.

Giấc mơ trở thành kỹ sư cầu đường để giữ lại những hàng cây xanh vẫn "ngự trị" trong tôi. Tôi giấu gia đình, quyết định tiếp tục ôn thi lần nữa.

Vừa đi làm, tôi vừa tự học mọi lúc mọi nơi khi có thể, mang cả sách vở vào công ty, khi rảnh là lấy ra học toán, lý, hóa. Tôi sưu tầm đề thi các năm trước rồi tự nghiên cứu, tìm cách giải, bài nào bí thì tra sách hướng dẫn hoặc nhờ thầy giải thích.

Thành công không phụ người cố gắng, năm đó tôi đã trúng tuyển ngành xây dựng cầu đường tại Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM.

Ra trường, đi làm ở một cơ quan nhà nước, với vai trò đại diện chủ đầu tư, khi phụ trách theo dõi các dự án là con đường hay cây cầu, điều đầu tiên tôi chú ý là xem xét kỹ để có thể giữ lại những cây xanh tươi tốt, nhất là cây cổ thụ.

Và không dừng lại ở đó, để tăng cường khả năng viết lách với lập luận sắc sảo, thuyết phục được nhiều người ủng hộ ý kiến của mình, tôi tiếp tục học và lấy thêm văn bằng hai cử nhân báo chí tại Trường đại học KHXH&NV TP.HCM.

Những kiến thức quý giá suốt quá trình học giúp tôi thấm thía ngày càng sâu sắc giá trị của cây xanh với đời sống con người, làm trong lành môi trường, cân bằng sinh thái. Những hàng cây xanh dọc bờ sông còn giúp trữ nước, giữ đất, tạo cảnh quan, bảo vệ an toàn địa hình, chống xói mòn...

Tôi nhìn thấy những dự án đốn hạ cây xanh có sẵn để lấn sông, xây bờ kè vừa tốn kém, dễ gây sạt lở, những dự án làm đường, xây cầu, phát triển đô thị đốn hạ hàng loạt cây xanh, thấy những lưỡi cưa, nhát búa chặt vào từng thân cây như chặt vào chính cuộc sống con người. Và hiểu mình còn phải gắng sức rất nhiều...

Câu chuyện của tôi còn là một mong muốn gửi đi rằng nếu mỗi người có một hàng cây xanh để giữ gìn...

Một hàng cây để giữ... - Ảnh 2.
TRẦN VĂN TƯỜNG (quận 9, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên