Một góc nhìn khác vào "tận thế"

TTCT - Tin vào quyển lịch từ văn minh Maya cổ đại, vài tháng trước trên 100 người ở Brazil định tự tử tập thể, vài ngàn người Nga đổ xô đi mua thực phẩm về tích trữ và truyền thông các nơi không khỏi ”ăn theo” đưa tin

Cơn sóng lòng tin về ngày tận thế dù nhỏ lẻ nhưng đã lan ra khỏi biên giới Brazil, vượt đại dương tràn sang châu Âu và nhiều nước khác.

Phóng to
Một chương trình truyền hình về ngày tận thế ở Nga. Đại diện Đuma Nga đã kêu gọi truyền thông Nga chấm dứt loan tin thất thiệt này - Ảnh: Russia.ru

Cơ quan được cho là uy tín nhất về tính toán thiên văn vũ trụ là NASA phải công bố một phúc trình đặc biệt và Chính phủ Mỹ đã dựa theo đó mà ra công văn trấn an dân chúng. Người ta cũng đang chờ xem giáo hoàng Benedict 16 sẽ nói gì, vì ngài khi còn là giáo sư thần học người Đức Joseph Ratzinger vốn từng nổi tiếng về bộ môn echastology - chuyên nghiên cứu về thế giới sau cái chết.

Thật ra mối quan tâm đặc biệt về chuyện ngày tận thế vào 21-12-2012 tới đây không phải là có xảy ra hay không, mà là chúng ta sẽ biết được thêm điều gì về thế giới loài người khi nghĩ đến nó.

Cái để định nghĩa sự sống

“Nếu bạn ra đường mà xe cộ mất kiểm soát, nhà máy hóa chất rơi vào phản ứng vòng lặp không ngừng, điện thoại cầm tay biến thành máy phát sóng phá hoại não, còn máy bay trên trời thi nhau cắm đầu xuống giữa khu đô thị thì đó chẳng phải là điều kinh hoàng của ngày tận thế là gì?

Mỗi năm số người chết vì tai nạn giao thông ở Việt Nam lên đến khoảng 15.000 người, nhưng thật sự sẽ không được độc giả Việt Nam quan tâm bằng một vụ rơi máy bay chết khoảng 150 người ở một nơi nào đó xa lạ trên thế giới. Cả vạn người chết hằng tháng vì một chứng bệnh nan y nào đó như ung thư, nhưng thế giới nhiều lúc lại quan tâm đặc biệt đến một dịch bệnh như H5N1 hay SARS từ khi nó mới chỉ lấy đi mạng sống của vài người.

Thử nhìn lại đời mình, lúc bé từ khi sinh ra ta luôn được dạy dỗ để sống - học ăn, học đi, học cách qua đường, học uống thuốc chữa bệnh, học võ phòng thân, học chạy để tránh nơi nguy hiểm. Đến một tuổi nào đó ta bắt đầu được học về cái chết, được giải thích phải sống làm sao để chết trong danh dự, để yên nghỉ trong vĩnh hằng, để không bị đầu thai hay xuống địa ngục chịu kiếp nạn. Xử bắn nơi công cộng, cho cộng đồng ném đá, tường thuật án tử hình... là cách để chính quyền răn đe những người còn sống hãy tuân thủ luật lệ.

Nói một cách khác, chết là cái để định nghĩa sự sống, và chết là bản sắc của con người trong thế giới đương đại, như lời giảng của giáo sư triết học người Ba Lan Zygmunt Bauman.

Thật ra, nếu ta cứ nghĩ theo tư tưởng phương Đông rằng có sinh khắc có tử, thì mỗi con người sinh ra đến một ngày sẽ phải chết đi. Mà chết cũng không phải là hết, vì theo số kiếp sẽ chuyển hóa thành điều gì khác, cũng giống như năng lượng luôn chuyển hóa từ dạng này sang dạng kia vậy. Cho nên sinh như thế nào và sống ra làm sao sẽ kéo theo cái chết tương xứng, như Phật pháp dạy người ta phải tu thân tích đức.

Mỗi con người sống bất cẩn trong ngôi nhà của mình sẽ gây ra tai nạn làm chết bản thân mình. Mỗi cộng đồng dân cư không biết gìn giữ môi trường sống sẽ tạo ra thảm họa ngộ độc làm chết hết cây trái, tôm, cá kéo theo nạn chết đói cho cả làng. Mỗi quốc gia không tự biết hạn chế tính ác sẽ tạo ra chiến tranh nguyên tử hủy diệt toàn bộ loài người, hay nhẹ nhất là hiệu ứng nhà kính khiến nước biển dâng lên không còn nơi trú thân nữa. Chẳng phải Kinh thánh của Thiên Chúa giáo đã nói đến nạn hồng thủy đó sao - một bài học cảnh báo về nạn kiếp cho cả loài người.

Và đó là cách sử dụng cái chết trong văn minh phương Tây - là điều để răn đe mỗi người phải biết sống sao cho tử tế. Điều đáng sợ nhất mà Kinh Thánh từng đề cập chính là Armageddon - tức là ngày tận thế. Môtíp này rất thường được Hollywood sử dụng để làm nên những bộ phim hoành tráng với nhiều cách diễn giải khác nhau.

Định mệnh loài người: duy trì sự sống

Tận thế có thể giống hệt kịch bản đã kể trong Kinh Thánh, nhưng tận thế có thể xảy đến bất kỳ lúc nào. Nhiều khi tai họa không cần đến sự giải phóng năng lượng cực lớn, chỉ cần một lỗi đơn giản trong thiết kế máy tính tương tự như sự cố năm 2000 mà chúng ta từng biết chẳng hạn. Giả sử xem tất cả những gì có chứa trong bộ vi xử lý đều hư hỏng lệch lạc thì cả thế giới này có hỗn loạn hay không?

Nếu bạn ra đường mà xe cộ mất kiểm soát, nhà máy hóa chất rơi vào phản ứng vòng lặp không ngừng, điện thoại cầm tay biến thành máy phát sóng phá hoại não, còn máy bay trên trời thi nhau cắm đầu xuống giữa khu đô thị thì đó chẳng phải là điều kinh hoàng của ngày tận thế là gì? Không phải ngẫu nhiên mà giáo sư thiên văn học người Pháp gốc Việt Trịnh Xuân Thuận từng trình bày thế giới như một làn điệu hòa hợp, còn giáo sư sinh học người Anh Richard Dawkins thì coi đó là một chiếc đồng hồ vận hành ăn khớp.

Nhưng xét cho cùng thì thời gian cũng chỉ là khái niệm tương đối có thể thay đổi điểm mốc và cách tính, cũng như tận thế thật ra chỉ là lòng tin của con người (tín chứng, thường dùng trong tín ngưỡng) hơn là thực chứng (phương pháp khoa học). Cho nên, có dùng bao nhiêu lập luận khoa học hay tính toán số liệu thì cũng không thể nào đủ xoay chuyển lòng tin của những con người bình thường ít tiếp cận khoa học và vẫn tư duy theo trực giác. Bố một cô bạn tôi vì đọc mấy bài báo mà cũng chạy đi mua thức ăn, nước uống, nến và diêm về tích trữ.

“Thì cứ phòng vậy, có mất gì” - lời giải thích của ông cũng là tâm thái chung của người Việt, luôn dễ dàng tiếp nhận những nét văn hóa mới lạ. Hiện tượng “syncretism” này từng được giáo sư văn hóa mà cũng từng là nhà toán học Trần Ngọc Thêm trình bày trong một tập sách dày.

Vượt trên văn hóa của mỗi dân tộc là định mệnh của loài người phải duy trì sự sống trên quả đất này. Cho nên bất kể là có tận thế hay không thì điều mà mỗi người chúng ta cần suy nghĩ là tìm lại bản thân mình. Bản sắc của mỗi cá nhân sẽ được thể hiện qua thái độ đối với cái chết, kế hoạch sẽ phản ứng ra sao khi nó xảy ra, và sẽ làm gì sau thời điểm đó - trong cuộc sống trường tồn sau cái chết.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận