04/11/2019 17:02 GMT+7

Một giáo sư Trung Quốc đâm đơn kiện vì đi coi khỉ cũng phải quét... khuôn mặt

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Safari Hàng Châu (Trung Quốc) giải thích việc quét camera nhận diện khuôn mặt giúp việc kiểm soát ra vào dễ hơn, nhanh chóng hơn, nhưng không chịu trả lại tiền phí khi khách không chịu cung cấp hình ảnh.

Một giáo sư Trung Quốc đâm đơn kiện vì đi coi khỉ cũng phải quét... khuôn mặt - Ảnh 1.

Công nghệ nhận diện khuôn mặt được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc - Ảnh: REUTERS

Hồi tháng 7, sở thú Hàng Châu yêu cầu những người đã mua vé tham quan theo năm (khoảng 195 USD) phải cung cấp hình ảnh gương mặt để lập thành cơ sở dữ liệu cho các camera nhận diện khuôn mặt. 

Có khoảng 10.000 người đã mua vé năm của Safari Hàng Châu, trong đó có giáo sư Guo Bing thuộc Đại học Khoa học công nghệ Chiết Giang (Trung Quốc).

Theo ông Guo, trước đây sở thú này lắp máy quét vân tay những người mua vé. Tuy nhiên, máy này luôn bị hỏng hóc vào mùa cao điểm khiến khách phải xếp hàng dài chờ đợi. Ban quản lý sau đó lắp camera nhận diện khuôn mặt.

Điều này khiến giáo sư Guo bực mình vì theo ông, sở thú này đang xâm phạm quyền riêng tư cá nhân của khách hàng. 

"Một chỗ toàn động vật hoang dã cũng cần thu thập dữ liệu như vậy làm gì? Có ai đảm bảo nó sẽ không bị rò rỉ hay sử dụng vào mục đích xấu hay không. Ai chịu trách nhiệm nếu điều đó xảy ra?", ông Gue bức xúc và đặt hàng loạt câu hỏi với tờ Beijing News.

Hôm 17-10, Safari Hàng Châu ra thông báo nếu ai không đăng ký sinh trắc học sẽ không được vào sở thú nữa dù vé có còn hạn.

Bức xúc vì bị ép buộc, ông Guo quyết định đòi lại tiền vé và hủy thẻ vì không muốn đánh mất quyền riêng tư cá nhân.

Tuy nhiên, sở thú đã từ chối trả tiền, buộc lòng ông phải nộp đơn kiện lên tòa án ở Phú Dương, Chiết Giang và được thụ lý ngay sau đó. 

Vụ việc gây chú ý ở Trung Quốc vì nước này lắp đặt rất nhiều camera nhận diện khuôn mặt, từ nhà ga, sân bay đến cả rạp chiếu phim. 

Khi được liên hệ, ông Guo đã khéo léo nói rằng ông ủng hộ việc chính phủ sử dụng camera nhận diện khuôn mặt, nhưng đối với tư nhân cần có sự cho phép của luật pháp, tránh việc lạm dụng dữ liệu riêng tư của người khác.

Ông Ann Cavoukian, chuyên gia về bảo mật, chia sẻ với tờ The Guardian (Anh) ngày 4-11 rằng ông rất ngạc nhiên vì ở Trung Quốc, dù là cá nhân hay chính phủ cũng đều sử dụng camera nhận diện khuôn mặt tràn lan và chẳng thông báo hay xin phép người khác.

Chuyên gia này cũng đưa ra nghi vấn về mục đích thực sự của loại camera này và cho biết tại Anh có tới 81% trường hợp được nhận diện bởi công nghệ này cho ra kết quả sai.

Về cơ bản, hệ thống camera nhận diện khuôn mặt cần một kho dữ liệu được lập sẵn, trước khi cậy nhờ đến sức mạnh của trí tuệ nhân tạo (AI) để đối chiếu. Một số thành phố ở Mỹ đã cấm cảnh sát sử dụng camera nhận diện khuôn mặt bất chấp các lợi ích của nó.

Camera giám sát ở Anh đã tới trình độ đọc được khẩu hình? Camera giám sát ở Anh đã tới trình độ đọc được khẩu hình?

TTO - Cách duy nhất để giữ bí mật những gì đang nói ở Anh, theo gợi ý của một chuyên gia an ninh, là che miệng khi nói chuyện ngoài đường. Chỉ trích Trung Quốc, nhưng nhiều nước phương Tây lại đang học theo Trung Quốc.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên