09/08/2019 09:55 GMT+7

Một dòng sông nhiều nơi quản lý

NGỌC ẨN
NGỌC ẨN

TTO - Dù Bộ GTVT đã ủy quyền cho TP.HCM quản lý các tuyến đường thủy nội địa quốc gia trên địa bàn TP, thế nhưng trên mỗi dòng sông, kênh vẫn có nhiều đơn vị quản lý.

Một dòng sông nhiều nơi quản lý - Ảnh 1.

Tuyến kênh Tẻ kết nối TP.HCM với các tỉnh miền Tây đang được Sở GTVT TP đề nghị Bộ GTVT giao cho mình quản lý - Ảnh: NGUYỆT NHI

Một số cán bộ phản ảnh thực trạng này dẫn đến nhiều bất cập trong công tác điều hành, quản lý. Mới đây, Sở GTVT TP.HCM đã có báo cáo về thực trạng này.

Quyền hạn chồng chéo

Cụ thể, theo Sở GTVT TP, từ năm 2013 Bộ GTVT đã ủy quyền cho TP quản lý 5 tuyến đường thủy nội địa quốc gia với tổng chiều dài 56,8km. 

Trong đó bao gồm tổ chức quản lý, bảo trì đường thủy nội địa và cảng bến thủy nội địa quốc gia. Thế nhưng, dù đã được ủy quyền quản lý nhưng vẫn nảy sinh nhiều vướng mắc, khó khăn.

Điển hình như trên một tuyến đường thủy quốc gia như sông Sài Gòn, sông Chợ Đệm - Bến Lức, rạch Ông Lớn thì Sở GTVT và Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam đều cùng cấp giấy phép chấp thuận phương án bảo đảm an toàn giao thông cho doanh nghiệp xây dựng công trình trên tuyến sông.

Tương tự, trong công tác bảo trì tuyến đường thủy nội địa quốc gia thì Khu Quản lý đường thủy nội địa TP được cấp 5 tỉ đồng/năm và Cục Đường thủy nội địa VN được cấp 1,5 tỉ đồng/năm để cùng thực hiện công tác sửa chữa công trình trên tuyến sông, kênh, rạch. 

Tuy nhiên do không được phân định trách nhiệm rõ ràng nên Khu Quản lý đường thủy nội địa TP không thể triển khai sửa chữa kịp thời khi phát hiện các hư hỏng vừa xảy ra trên công trình đường thủy nội địa.

Cũng theo Sở GTVT, dù TP được phân cấp cấp phép hoạt động các bến thủy nội địa trên tuyến đường thủy quốc gia chưa ủy quyền, nhưng việc quản lý bến thủy này lại do Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực 3 thuộc Cục Đường thủy nội địa VN quản lý. 

Điều này không đảm bảo tính đồng bộ trong quản lý bến thủy nội địa trên tuyến đường thủy quốc gia.

Khi được trao đổi, ông Trần Quang Trung - chi cục trưởng Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam - lại cho rằng chi cục và Sở GTVT TP cùng cấp phép về phương án đảm bảo giao thông với công trình xây dựng trên tuyến đường thủy là tạo thuận lợi cho người dân. 

Vì người dân và doanh nghiệp căn cứ văn bản pháp luật biết được đây là các tuyến sông do trung ương quản lý nên họ vẫn đến chi cục để xin được cấp giấy phép này.

Trái lại, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa TP - cho rằng trong thời gian qua, dù tuyến đường thủy do Bộ GTVT quản lý nhưng khi xảy ra tai nạn hoặc sạt lở bến bãi ven sông thì phần lớn TP đều phải xử lý hậu quả. 

Cụ thể, ở tuyến sông Sài Gòn có cụm cảng Trường Thọ (Q.Thủ Đức) có 5 bến cảng, do quá nhiều xe tải ra vào cảng gây ùn tắc giao thông xa lộ Hà Nội. 

Sở GTVT giao Cảng vụ Đường thủy nội địa TP phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý kẹt xe bằng cách yêu cầu 4 bến cảng do TP quản lý điều tiết xe ra vào trong cảng. 

Thế nhưng, còn một cảng do Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực 3 (Cục Đường thủy nội địa VN) quản lý thì sở không thể chỉ đạo cảng vụ này tham gia điều tiết xe ra vào để kéo giảm kẹt xe xa lộ Hà Nội.

Đề xuất giao một đầu mối

Ông Trần Quang Trung thừa nhận có những bất cập trong việc thực hiện ủy quyền quản lý tuyến đường thủy nội địa quốc gia như: tạo nên sự chia cắt, phá vỡ tính đồng bộ, liên tục trong việc triển khai quản lý nhà nước chuyên ngành; không tạo được sự thống nhất chỉ đạo trong quản lý nhà nước. 

Thậm chí còn phá hủy chiến lược phát triển ngành, tạo ra cơ chế "xin cho" đối với ngành đường thủy nội địa, từ đó tạo ra nhiều kẽ hở, buông lỏng quản lý.

"Vì vậy, Bộ GTVT cần xem xét xác định tuyến đường thủy nào TP.HCM quản lý được thì giao hẳn TP quản lý, và tuyến nào Bộ GTVT xác định do bộ quản lý sẽ tốt hơn thì giữ lại" - ông Trung đề xuất.

Cùng quan điểm, lãnh đạo Sở GTVT TP cho rằng việc Bộ GTVT cần phân cấp cho TP.HCM quản lý toàn diện các tuyến đường thủy nội địa quốc gia sẽ phân định rõ trách nhiệm cơ quan quản lý, bảo trì đường thủy nội địa, thay vì ủy quyền quản lý. 

Bởi Trung tâm Quản lý đường thủy chính là đơn vị thay mặt UBND TP.HCM quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả công tác quản lý các tuyến đường thủy quốc gia.

Chia sẻ thêm, ông Phan Công Bằng - giám đốc Khu Quản lý đường thủy nội địa TP - cũng cho biết cách đây hơn 20 năm, Bộ GTVT đã giao lại cho TP quản lý toàn bộ tuyến quốc lộ 1, 13, 22, 50, 52 trên địa bàn TP. 

Từ đây, TP đã quản lý duy tu và đầu tư các tuyến quốc lộ. Vì vậy, việc Bộ GTVT giao lại toàn bộ tuyến đường thủy quốc gia cho TP quản lý sẽ tốt hơn và không bị lãng phí, thay vì hiện nay có nhiều cơ quan, đơn vị cùng quản lý một tuyến sông.

TP.HCM có thế mạnh về vận tải thủy

Theo Sở GTVT TP.HCM, hiện địa bàn TP có 110 tuyến đường với chiều dài 953km, bao gồm các tuyến hàng hải, đường thủy nội địa quốc gia và đường thủy nội địa như:

* 220,1km với 11 tuyến hàng hải do Cảng vụ Hàng hải TP.HCM quản lý (nhóm 1).

* 77,7km các tuyến đường thủy nội địa quốc gia chưa được Bộ GTVT ủy quyền (nhóm 2) do Cục Đường thủy nội địa VN quản lý.

* 56,8km tuyến đường thủy nội địa quốc gia được Bộ GTVT ủy quyền cho Sở GTVT TP.HCM quản lý (nhóm 3).

Trong đó gồm 2 đoạn sông Sài Gòn dài 22,3km, kênh Tẻ dài 4,5km, kênh Đôi dài 8,5km, sông Chợ Đệm - Bến Lức dài 9,5km và rạch Ông Lớn (bao gồm kênh Cây Khô và sông Cần Giuộc) dài 12km.

* 598,7km các tuyến đường thủy nội địa địa phương thuộc thẩm quyền của Sở GTVT quản lý (nhóm 4).

TP.HCM có thêm trung tâm quản lý đường bộ, đường thủy

TTO - Ngày 31-7, Sở Giao thông vận tải TP.HCM công bố quyết định thành lập 2 đơn vị quản lý hạ tầng giao thông đường bộ và đường thủy, trên cơ sở sắp xếp lại các đơn vị quản lý đường bộ, đường thủy trực thuộc sở này.

NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên