Đông đảo công chúng và bạn bè đến tham quan góc trưng bày hình ảnh tư liệu và tác phẩm của họa sĩ Trương Hán Minh
Với tên gọi Di sản 71 năm - một đời tranh thủy mặc, số lượng tác phẩm trong triển lãm lần này ghi nhận thời điểm họa sĩ Trương Hán Minh giã từ cõi đời ở tuổi 71.
Họa sĩ Trương Hán Minh bị bệnh từ trước, nhưng ra đi ngay trong những ngày TP.HCM đang giãn cách xã hội chống dịch COVID-19 căng thẳng hồi năm 2021, nên các thủ tục lúc ấy đều hết sức tinh gọn, nghệ sĩ các giới và thân bằng quyến thuộc cũng chưa kịp bày tỏ chút tình chia tay như lệ thường.
Nay triển lãm được Hội Mỹ thuật TP.HCM, Câu lạc bộ Mỹ thuật Người Hoa và gia đình cùng tổ chức vừa để ghi nhận những nỗ lực một đời cống hiến cho nghệ thuật tranh thủy mặc, vừa là dịp để các giới văn nghệ sĩ, bạn bè đồng nghiệp đến ôn lại những kỷ niệm cùng với họa sĩ Trương Hán Minh lúc còn tại thế.
Tên tuổi Trương Hán Minh ngoài gắn với dòng tranh thủy mặc truyền thống của người Hoa, còn là một người hoạt động thiện nguyện không ngừng nghỉ.
Từ năm 1977 đến năm 2013, ước tính khoảng 200 bức tranh thủy mặc đặc biệt do chính ông vẽ đã được tổ chức bán đấu giá để làm từ thiện. Năm 2013, ông được công nhận kỷ lục Việt Nam và châu Á là "Họa sĩ vẽ tranh thủy mặc có số lượng tranh được bán đấu giá để làm từ thiện nhiều nhất".
Dấu ấn của họa sĩ Trương Hán Minh để lại trong cộng đồng người Hoa còn là việc chung tay thành lập Câu lạc bộ Mỹ thuật Người Hoa, đang ngày càng có nhiều đóng góp riêng rất đáng kể trong mái nhà nghệ thuật các dân tộc tại TP.HCM.
Sơn thanh thủy tú - nhà ven chân núi
Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm lần này, nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên - chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM - ghi nhận dòng thủy mặc của Trương Hán Minh vừa mang đậm phong cách thủy mặc truyền thống ở các đề tài hoa điểu, sơn thủy, vừa có dấu ấn riêng của thủy mặc Việt Nam với các đề tài sông nước, gò đồi, ruộng lúa, bến sông... tại các vùng miền trong cả nước mà bước chân điền dã của họa sĩ đã từng đặt tới.
"Tranh thủy mặc của Trương Hán Minh thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước, hướng tới các giá trị chân thiện mỹ và cũng là thông điệp để giới trẻ yêu nghệ thuật gìn giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, trong đó có tranh thủy mặc", ông Xuân Tiên chia sẻ.
Đến với triển lãm lần này, người yêu thích thủy mặc lại có dịp điểm lại các tác phẩm tinh túy chọn từ một đời hoạt động sáng tác của ông. Đó là các bức đề tài quen thuộc như hoa điểu thể hiện cảnh sắc mùa xuân, tranh sơn thủy thể hiện tiết thu; hay các đề tài mai lan cúc trúc trong ý nghĩa "tứ quân tử" thể hiện cốt cách con người Á Đông trước môi trường hoàn cảnh.
Xuân sắc vô biên
Trương Hán Minh có phong cách vẽ trúc chỉ bằng vài nét hành bút đơn giản nhưng thể hiện cốt cách loài cây cứng cáp trước phong ba nghịch cảnh, hay chỉ bằng cách phối màu đơn giản cũng lột tả được cảnh sắc thâm trầm cô tịch nhưng ẩn chứa sức sống của mùa thu...
Ngoài ra còn một số bức thủy mặc thể hiện các đề tài vùng miền như ruộng bậc thang, bến nước, lũng núi mù sương, cụm khói hương thôn... là những điểm độc đáo trong tranh Trương Hán Minh trình hiện lần này.
Tại buổi khai mạc, họa sĩ, thư pháp gia Trương Lộ thay mặt CLB Mỹ thuật Người Hoa viết lưu niệm bốn chữ "Thiên đạo thù cần" (theo lẽ tự nhiên thì người cần mẫn luôn được trả công). Đây cũng là bốn chữ mà họa sĩ Trương Hán Minh sinh thời có phần tâm đắc từng thể hiện thành tác phẩm thư pháp thể hành khải.
Bức thư pháp "Thiên đạo thù cần" do họa sĩ Trương Lộ viết lưu niệm tại buổi khai mạc triền lãm
Phía gia đình có nhã ý sẽ trích một phần tiền thu được từ tranh bán tại triển lãm này để làm từ thiện theo truyền thống thiện nguyện của họa sĩ Trương Hán Minh.
Triển lãm mở cửa đến ngày 1-10.
Một số tác phẩm của họa sĩ Trương Hán Minh đang trưng bày:
Góc tranh và thư pháp
Ruộng bậc thang
Hương thôn
Trúc
Thu
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận