18/03/2012 09:40 GMT+7

Một đời tìm cá lạ

VŨ TOÀN
VŨ TOÀN

TT - Tiến sĩ, nhà giáo, nhà khoa học Nguyễn Thái Tự không phải là một cái tên lạ. Thậm chí phải nói là ông rất nổi tiếng, cả trong nước lẫn quốc tế. Cái sự lạ ở ông là tình yêu khoa học vẫn nguyên vẹn như thuở nào, dù mái tóc đã trắng như cước và bộ râu cũng bạc phơ một chòm dài.

QspHQxmf.jpgPhóng to

Ông Tự và con cá chép hoa - loài cá mới do ông phát hiện - Ảnh: V.T.

Sau 72 công trình khoa học cấp quốc gia, quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học Bắc Trường Sơn, 10 cuốn giáo trình cấp đại học, Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ, bây giờ ông Tự mới tiết lộ một số thành tựu quý giá trong cuộc đời vì bảo tồn đa dạng sinh học của ông.

Hôm tôi đến căn nhà mới của ông ở xóm Yên Phúc, phường Hưng Phúc, TP Vinh (Nghệ An), mới biết hai bảo tàng về hàng trăm loài cá nước ngọt - những công trình nghiên cứu trong cảnh ăn rừng nằm rú và lặn lội khắp sông suối các làng quê từ Nghệ An qua Hà Tĩnh vào Quảng Bình, Quảng Trị của cả cuộc đời ông - không phải nằm dưới gầm cầu thang của căn hộ trong dãy chung cư đang xuống cấp nữa. Hai bảo tàng ấy đã yên vị ở hai vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) và Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình).

Chuyện con cá La Giang vào sách đỏ

"TS Nguyễn Thái Tự là nhà khoa học đầu tiên ở Trường đại học Vinh với những thành công phát hiện nhiều loài cá nước ngọt mới thuộc khu vực Bắc Trung bộ. Ông cũng là người có công thành lập khoa sinh của trường này. Ông không chỉ say mê nghiên cứu khoa học, mà còn có tấm lòng tận tụy trong việc hướng sinh viên tới con đường nghiên cứu khoa học. Thời đứng trên bục giảng, ông đã để lại cho nhiều thế hệ sinh viên những ấn tượng với tư duy nghiên cứu độc lập, sắc sảo"

PGS.TS Đinh Xuân Khoa (hiệu trưởng Trường đại học Vinh)

Ông Tự kể: “Năm 1992, khi ông Frank Noiy - cố vấn trưởng dự án vườn quốc gia Vũ Quang, từ Hà Lan bay sang Hà Nội vào Hà Tĩnh để nhìn thấy con cá Vũ Hà do tôi vừa mới phát hiện, tôi nói với Frank Noiy: Dân địa phương gọi con cá này là cá cộ nhưng tôi vừa đặt thêm một tên mới nữa là cá Vũ Hà. Ông Frank Noiy tỏ vẻ ngạc nhiên rồi yêu cầu tôi giải thích. Tôi chỉ vào đàn cá đang bơi lội lấp lánh trong dòng suối, mô tả: Một tập tính sinh học khác biệt của loài cá này là vào mùa sinh sản nó giao hoan cả đàn trên sông. Còn những sọc vàng, sọc trắng óng ánh toàn thân con cá khác nào chúng khoác một bộ váy cưới rất đẹp giữa vũ hội sông nước. Khi đó ông Frank Noiy hiểu rằng: Vũ Hà là nhảy múa trên sông. Tôi còn đùa thêm: Vũ còn có nghĩa là Vũ Quang. Hà là chặng đường dài ông bay từ Hà Lan sang Hà Nội vào Hà Tĩnh. Nghe xong, ông Frank Noiy gật gù, tỏ vẻ thích thú”.

Năm 1993, tiến sĩ John Mackinnon - trưởng đoàn khảo sát đa dạng sinh học khu bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang của Quỹ Bảo tồn động vật hoang dã thế giới tại Việt Nam (WWF) cùng ông Tự và một kiểm lâm viên thạo nghề sông nước đang thả lưới trên sông. Anh kiểm lâm gỡ lưới đưa cho xem một con cá La Giang lấp lánh màu hồng cánh sen rất đẹp. Khi nghe ông Tự reo lên: “Ồ, đây lại là loài cá mới”, ông John Mackinnon cũng cầm con cá lên rồi buông một câu đầy vẻ ngờ vực: “Đây là loài cá mới của ông Tự thôi. Phát hiện một loài cá mới cho thế giới đâu dễ thế”.

Biết tiến sĩ John Mackinnon có ý chê mình là “ếch ngồi đáy giếng”, ông Tự quyết tâm nghiên cứu để chứng minh La Giang là loài cá mới. Thế là trong ba năm (1993-1995) ông Tự liên tục nghiền ngẫm, phân tích rồi trao đổi thư từ với ông M.Kottlat - tổng biên tập tạp chí Cá nước ngọt thế giới (trụ sở đóng tại Đức). Suốt những năm đó, ông tổng biên tập này hỏi và bàn thảo kỹ lưỡng từng chi tiết về con cá La Giang, và cuối cùng đã đồng ý khẳng định đó là loài cá mới. Khi ấy là cuối năm 1995. Khi biết thông tin này, tiến sĩ John Mackinnon liền tạo điều kiện cho ông Tự nghiên cứu đề tài “Bảo tồn tính độc đáo của khu hệ cá núi đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng”. Ông vui mừng nói: “Mãi tới năm 2007, loài cá mới La Giang được các nhà khoa học đưa vào sách đỏ với tên Parazacco vuquangensis, Tự, 1995”.

“Râu tóc tôi giống Einstein”

Tại hội thảo khoa học ở Quảng Bình do WWF tổ chức, ông Tự được mời báo cáo kết quả điều tra đa dạng sinh học ở Phong Nha - Kẻ Bàng. Báo cáo của ông Tự phân tích bốn bước quan trọng nhất của quá trình hình thành loài cá mới.

Bước một là “Biến dị cá thể”, ông dẫn chứng từ nhiều dạng cá chép ở Phong Nha - Kẻ Bàng như cá chép hoa, chép thường, chép hồng. Loài cá này tuy sống một nơi nhưng có nhiều dạng khác nhau. Bước hai, “Biến dị chủng quần”, ông nêu loài cá chờng rờng sống ở Trộ Mợng của Phong Nha - Kẻ Bàng thì to bằng bắp đùi, nhưng sống ở sông suối khác tại Quảng Trị thì lớn nhất chỉ bằng ống điếu cày. Bước ba, “Sự hình thành các phân loài mới đã có những khác biệt lớn nhưng chưa phải loài mới”. Bước bốn, “Tập tính khác biệt khi hình thành các loài mới”.

Ông dẫn chứng: “Cá chép hoa và cá ton thuộc chi cá chép nhưng không bao giờ giao phối với nhau. Nguyên nhân của đặc điểm quý báu này là những sông suối ngầm của núi đá vôi tạo nên những chướng ngại thiên nhiên, làm cách ly lâu đời và đã làm những biến dị cá thể tiến hóa thành những biến dị chủng quần, tạo những phân loài mới và cuối cùng là loài mới. Đây là dẫn liệu thú vị nhất về sự hình thành loài mới trong phạm vi địa lý hẹp ở Phong Nha - Kẻ Bàng, khác hẳn so với nhiều vị trí khác trên thế giới”.

Trong báo cáo này, ông Tự còn gây những thú vị khác khi chứng minh thuyết phục Phong Nha - Kẻ Bàng là trung tâm phát sinh thứ tư của chi cá chép (Cyprinus). Cụ thể, trung tâm phát sinh thứ nhất ở vĩ độ 24 của Hoa Nam, Trung Quốc. Trung tâm này phát tán lên vĩ độ 26 cũng ở Hoa Nam tạo thành trung tâm thứ hai, phát tán xuống miền Bắc VN tạo thành trung tâm thứ ba. Phong Nha - Kẻ Bàng là trung tâm thứ tư. Phong Nha - Kẻ Bàng còn được ông Tự chứng minh là trung tâm phát sinh của tộc cá chép (Cyprinini) ở Đông Nam Á. “Tôi trình bày xong, vừa bước xuống diễn đàn, ông Tomas Dillon - cố vấn trưởng dự án - công kênh tôi lên và nói đùa: “Vietnamese Einstein”. Tôi cũng đùa lại: “Có lẽ ngài thấy râu, tóc của tôi giống với nhà khoa học vĩ đại Einstein chăng?”.

75 tuổi vẫn chưa nghỉ

Tạm dừng các câu chuyện thú vị về những con cá, ông Tự lộ vẻ trăn trở khi nhớ về nghề đứng trên bục giảng của trường đại học. Ông bảo: “Mục tiêu của các trường đại học là đào tạo những trí thức đủ sức giải quyết các vấn đề thực tiễn đất nước đang đặt ra. Để làm được điều này, giảng viên đại học có hai nhiệm vụ quan trọng nhất: Một, phải đánh thức được niềm đam mê khoa học của sinh viên. Hai, phải trao cho sinh viên một phương pháp khoa học bằng chính tư duy khoa học và những công trình khoa học của chính mình và của đồng nghiệp. Có được hai điều này chính là chắp cho sinh viên đôi cánh để có thể tiếp cận mọi tri thức hiện đại”.

Hồi còn đi dạy thấy sinh viên ăn bo bo, ông nghĩ “ăn kham khổ như thế làm sao đủ năng lượng tiếp nhận kiến thức nhiều bộ môn. Khi ra làm thầy đứng trên bục giảng thì không ai có thể châm chước cho kiến thức của thầy kém do ăn bo bo”. Từ đó ông khát khao việc người thầy phải có tri thức, cách dạy mới giúp sinh viên khắc sâu ý nghĩa bài giảng bằng kiểu tư duy độc lập.

Học trò của ông kể câu chuyện điều kiện sống bay của loài chim làm dẫn chứng: “Nhiều người nói loài chim thích nghi với điều kiện sống bay là do chim giảm được trọng lượng cần thiết khi miệng không có răng và thân không có bọng đái, nhưng thầy Tự cho rằng đó không phải là yếu tố cơ bản của điều kiện sống bay. Nói giảm trọng lượng răng và bọng đái làm sao so được với cái mề chim (nhất là khi chim ăn no). Khi gặp vấn đề thú vị này, thầy hỏi sinh viên tại sao lại có nhiều luồng ý kiến như thế, đòi hỏi sinh viên phải suy nghĩ và có câu trả lời riêng của mình”.

Cuối cùng thầy Tự chứng minh: “Chim bay được không phải do trọng lượng giảm mà do yếu tố cân bằng là chính. Ví như khi kéo xe cải tiến nếu để hàng nặng phía sau thì người cầm càng sẽ bị hất ngược lên. Nếu để hàng nặng phía trước thì càng bị chúi xuống đất. Còn nếu để cân bằng thì hàng nặng đến mấy cũng có thể kéo xe đi được”. Với kiểu dạy gần gũi như vậy, sinh viên sẽ không còn lo giờ học này, giờ học kia “bị thầy tra tấn” mà họ đón đợi, say mê từng chữ của thầy trao gửi.

Hỏi chuyện về sự nghiệp đeo đuổi loài cá nước ngọt sau cái tuổi 75, ông Tự cho biết: “Ngân hàng Phát triển Đức vừa tài trợ Quảng Bình dự án mới để nghiên cứu tiếp về đa dạng sinh học Phong Nha - Kẻ Bàng, họ lại mời tôi tham gia. Biết đâu tôi sẽ gặp vấn đề mới về loài cá mới”.

Nói như thế có nghĩa là ông cụ lại chuẩn bị lóc cóc lên đường ở cái tuổi 75.

SnwgfywT.jpgPhóng to
Ông Tự và bảo tàng cá nước ngọt ở Phong Nha - Kẻ Bàng - Ảnh: V.T.

Nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ

Sau phát hiện 162 loài cá nước ngọt ở Phong Nha - Kẻ Bàng trong tổng số 544 loài của cả nước; 72 công trình khoa học cấp quốc gia và quốc tế; 10 cuốn sách nghiên cứu về cá, trong đó có những giáo trình về động vật chí VN, thực vật chí VN, sách đỏ và danh mục đỏ VN, ngày 20-1-2012 nhà ngư loại học Nguyễn Thái Tự được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ.

VŨ TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên