Phóng to |
Mối duyên người đàn bà và con chó nhỏ
Enter Việt Nam thai nghén đã mười lăm năm, bắt đầu bằng mối nhân duyên trình bày tạp chí của Lê Văn Thao. Khi đó, yêu cầu của bìa là phải chọn một tấm ảnh cho ra mùa đông Hà Nội. “Tôi nhớ ngay ra một tấm ảnh từng xem. Hồ Gươm với lá cây xanh sậm trong làn sương lạnh. Người đàn bà dắt một con chó đi dạo quanh hồ. Nàng mặc chiếc áo len đỏ đậm. Chú chó con cũng thế. Có lẽ người phụ nữ đã tự tay đan áo cho mình và cả chú cún cưng”, anh Thao nói giọng mơ màng.
Nhưng ý nghĩ đến nhanh bao nhiêu, thực hiện lại rùa bò bấy nhiêu. Chàng họa sĩ trình bày không thể nhớ nổi bức ảnh đó của ai trong số bạn nhiếp ảnh của mình. Một ngày, một tuần trôi qua. Đau ở chỗ lúc anh nhớ ra được chủ nhân tấm ảnh thì chính tay máy đó đã bị thất lạc tấm phim từ lúc nào. “Rồi tôi cũng tìm được tấm ảnh thay thế. Không “đã” bằng nên tiếc nuối vẫn âm ỉ. Nó thúc tôi nghĩ đến chuyện làm một kho ảnh điện tử để lưu tư liệu. Phải là một kho ảnh trên mạng để ai cần có thể kiếm được, dùng được, biết được”.
Việc tích trữ ảnh cho Enter Việt Nam ra đời như thế. Giờ đây, với hàng trăm ngàn bức ảnh, anh Thao đã có thể phác họa ra cả một Việt Nam qua từng chiếc lá cây, từng loại hoa, từng ngôi chùa.
Những ô kéo của ông hàng thuốc
Nhưng một trang web không chỉ cần tích trữ. Nó còn là thiết kế giao diện, phần mềm. Và anh Thao lại gặp mối duyên khác. “Nhờ việc thiết kế sách điện tử, tôi gặp một chuyên gia phần mềm. Anh Huỳnh Lương Tâm là Việt kiều Mỹ, cũng là bạn học của Bill Gates. Và từ những năm đó, tôi đã được nghe anh nói về công nghệ flash, về những màn hình phẳng trong tương lai và cả ý tưởng về chiếc máy tính màn hình cảm ứng”, anh Thao nói.
Những suy nghĩ ấy quá mới nên anh Thao chỉ còn cách… choáng. Choáng rồi lại nghĩ tiếp về nó. “Tôi lại nghĩ đến kho ảnh mình đang tìm cách xây dựng, đưa lên mạng. Rồi một hình ảnh chạy nhoằng qua đầu tôi… Một con chuột”, anh kể.
“Đúng ra, nó là cảnh mèo Tom đuổi chuột Jerry. Tôi đố ai có thể kể được hay câu chuyện đó đấy, chẳng qua chỉ là con mèo bắt con chuột. Nhưng những tập phim cứ nối nhau, nối nhau. Như thế, việc kể thế nào quá quan trọng. Tôi nghĩ đến chuyện kho ảnh của mình sẽ phải kể ra sao đây? Và một hình dung trang web ra đời - tủ thuốc bắc với hàng trăm ô thuốc nhỏ.
Hầu như ai cũng từng thấy một tủ thuốc bắc. Từng ô, từng ô ngăn nắp. Nhưng chẳng mấy ai biết những bài thuốc bí truyền được truyền đời ra sao. Tôi nói nhé, chỉ là những công thức, số 1 cộng với số 3, số 5 cộng số 8. Những cuốn sách chép công thức ngắn vậy thôi. Cái bí truyền là truyền nhau mỗi số ứng với vị thuốc nào”.
“Thế nên tôi nghĩ đến trang web, có tư liệu ngăn nắp, hệ thống và giải thích gọn gàng. Phải thực sự khoa học như một tủ thuốc bắc, một cuốn từ điển”, anh Thao kết luận.
Phóng to |
Lê Văn Thao tại Mường Tè, Lai Châu - Ảnh: NGUYỄN BÁ NGỌC |
Bách khoa mở về nước Việt
Dù mới trên bản chạy thử, Enter Việt Nam cũng đã vô cùng thú vị. Những đường viền chạy để hiện dần lên hình ảnh nước Việt Nam. Những đường chạy phác họa hệ thống quốc lộ. Và khi người xem chạm vào một mục nhỏ, mọi thông tin sẽ lần lượt hiện ra, với đủ cả hình ảnh, âm thanh theo đúng tiến trình lịch sử của nó.
Với ca trù, người xem tận mắt nhìn thấy những đào nương từ cách đây cả thế kỷ qua những tấm ảnh đen trắng thoáng ngả vàng nâu. Từng nhạc cụ trong nghệ thuật ca trù được đặc tả. Những tấm ảnh về các đào nương mới hiện giờ. Bài viết giới thiệu nghệ thuật qua từng thời kỳ lịch sử đặt cạnh ký hiệu loa - bấm vào đó để nghe làn điệu ca trù. Sau này, khi hoàn thiện sẽ còn những đoạn phim tư liệu nữa.
Với mục mỹ thuật cổ, người xem có thể nhìn thấy ở vị trí nào trong chùa người ta đặt tượng gì. Thậm chí, việc minh họa còn cụ thể đến mức ta được xem từng pho tượng la hán trong chùa Tây Phương. Quý hơn, đó là tư liệu về tượng la hán khi nó còn chưa bị trùng tu làm sai lệch như bây giờ. Hiện Enter Việt Nam đã có đủ tư liệu của hơn ba trăm chùa được xếp hạng di tích cấp quốc gia.
“Tôi đã chạy thử bản Enter Việt Nam này cho sinh viên mỹ thuật xem. Phải nói cách làm này rất hiệu quả, vì nhớ thị phạm bao giờ cũng nhớ rất lâu. Chưa kể có những điều giờ đến nơi cũng không còn xem được, như mấy pho tượng la hán chùa Tây Phương chẳng hạn”, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, giảng viên ĐH Mỹ thuật Hà Nội, cho biết.
Tất nhiên, đằng sau Enter Việt Nam là cả khối công việc khổng lồ.
“Chỉ để chạy những đường chỉ quốc lộ, đường viền cách tỉnh, thành phố chúng tôi không thể mô tả chúng bằng cách quét lại hình trên bản đồ. Thay vào đó, nhóm đã phải vẽ hàng nghìn file vectơ trong vòng nửa năm”, anh Thao cho biết.
“Cũng còn có cả một đội ngũ cộng tác viên biên tập. Chẳng hạn, tôi mời anh Trần Hậu Yên Thế biên tập giúp phần mỹ thuật cổ, mời một số chuyên gia Viện Dân tộc học biên tập phần tư liệu các dân tộc Việt Nam. Chưa kể, tôi sử dụng nhiều tư liệu của Nhà xuất bản Thế Giới đã được các chuyên gia thẩm định. Enter Việt Nam cũng không chặn cửa những người muốn đóng góp thêm. Điều này khiến Enter giống với một cuốn bách khoa mở. Có điều chúng tôi sẽ chỉ đưa những ý kiến bổ sung bên cạnh ý kiến các chuyên gia. Nhóm làm việc thường xuyên gồm có ba người là Lê Văn Thao, Nguyễn Bá Ngọc, Mã Phương Uyên và các tình nguyện viên. Không có khoảng cách phân biệt riêng công việc của từng người, mọi người cùng tự đưa ra sáng kiến và thực hiện” - anh Thao cho biết vậy.
Giờ đây, anh hoàn toàn mãn nguyện với vị trí chỉ trong nhóm biết với nhau “giám đốc nhà xuất bản Enter Việt Nam”. Nhà xuất bản này của anh chỉ làm một cuốn sách về đất nước Việt Nam để người xem có thể tra cứu bất cứ đâu. Sự chi tiết của Enter Việt Nam là điều Google Earth không làm được. Nó sẽ chỉ dẫn quán xá, giới thiệu từng món địa phương…
Với khối lượng thông tin cực lớn, lại cần bổ sung liên tục, chắc chắn Enter Việt Nam sẽ là cuốn sách mà anh Thao phải làm đến tận cuối đời. Cho tới khi trang web này chính thức ra đời đầu năm tới, ước mơ “khùng” của anh giờ sẽ thành hiện thực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận